Triển lãm 'Xin chào': Lý tưởng và thử thách với các hoạ sĩ trẻ

11/08/2022 19:26 GMT+7 | Văn hoá

Khai mạc mươi ngày trước tại 621 Đê La Thành, triển lãm Xin chào của nhóm 61YK+ giới thiệu 59 tác phẩm của 10 họa sĩ trẻ, đánh dấu chặng đường 5 năm thực hành, nghiên cứu hội họa chuyên nghiệp và mở đầu cho hành trình theo đuổi nghệ thuật cá nhân của mỗi thành viên trong nhóm.

Triển lãm 'Của để dành 3': 'Nhu yếu phẩm tinh thần'

Triển lãm 'Của để dành 3': 'Nhu yếu phẩm tinh thần'

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi gọi triển lãm "Của để dành 3" (đang diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP.HCM) là “nhu yếu phẩm tinh thần”, vì nó phản ánh nhiều khía cạnh tươi đẹp của đời sống nghệ thuật. Triển lãm giới thiệu các phẩm mỹ thuật đã được 4 nhà sưu tập trẻ sở hữu.

61YK+ là các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp khoa hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa 61. Với họ, chặng đường lao động nghệ thuật đầu tiên bao giờ cũng nhiều lý tưởng, nhưng đi cùng luôn là thử thách của thứ nghề nghiệp đặc thù.

Những nỗ lực đầu tiên

Cách đây 97 năm (năm 1925), khoá học đầu tiên của ngôi trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời trong sự cố gắng của những người thầy Pháp, những họa sĩ tiên phong và những học trò xuất sắc để rồi sản sinh ra nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.Tuyển đào tạo ngành hội họa đầu vào khi đó chỉ có 8 người.

Cho tới thời điểm hiện tại, mỗi khóa sinh viên đầu vào khoa hội họa của trường lấy khoảng 45 sinh viên. Để đi trọn 5 năm, số lượng sinh viên ra trường sẽ giảm đi đáng kể. Khắc nghiệt hơn, sau một số năm hoạt động tự do, sẽ tới thời điểm quyết định số người còn trụ lại với nghiệp nghệ sĩ, để rồi thành danh sẽ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Chú thích ảnh
Khai mạc triển lãm

Để đánh dấu mốc quan trọng đầu tiên, các bạn sinh viên tốt nghiệp khóa 61 năm nay (cũng như nhiều khóa trước) đã tự tổ chức cho nhóm mình một triển lãm mỹ thuật đầu tiên sao đơn giản mà đầy đủ nhất. Với triển lãm đầu tiên này, họ xin được sự hỗ trợ địa điểm của Hội Mỹ thuật Việt Nam - đỡ được một phần quan trọng trong chi phí tổ chức triển lãm. Các khâu còn lại, họ phải tự xử lý từ truyền thông, khách mời, bày đặt tác phẩm, tiệc khai mạc, trông triển lãm trong quá trình diễn ra…thậm chí là bán các tác phẩm trong triển lãm. Những nỗ lực đầu tiên của các họa sĩ trẻ đánh dấu sự sẵn sàng làm việc độc lập trong một môi trường nghệ thuật đặc thù của Việt Nam còn đầy rẫy khó khăn.

Để tiếp tục hành trình, các họa sĩ trẻ sẽ có thể tham gia các cuộc thi, giải về mỹ thuật của các tổ chức nghệ thuật tư nhân, Hội Mỹ thuật hay Cục Mỹ thuật diễn ra định kỳ. Khi có được một quá trình hoạt động và những kết quả nhất định, họ có thể tìm đến các phòng tranh (gallery), các không gian nghệ thuật (artspace) để tìm sự hỗ trợ chuyên nghiệp, hoặc xin tài trợ cho các dự án nghệ thuật ở các quỹ về nghệ thuật của tư nhân/ chính phủ/ phi chính phủ, hay tham gia các festival, trại sáng tác quy mô cả nước…Tuy vậy, đó là con đường tiếp theo. Còn hành trình khởi đầu trước khi ra được biển lớn cần rất nhiều nỗ lực tự thân và cả sự đánh đổi của các họa sĩ trẻ.

Chú thích ảnh
Tác phẩm của Nguyễn Văn Thuấn

Nếu như không có sự hỗ trợ từ gia đình, phần lớn họ sau khi tốt nghiệp sẽ phải chọn cách “lấy ngắn nuôi dài” cho sự nghiệp sáng tác. Thường họ sẽ chọn một số con đường như: Đi làm thuê về chuyên môn mỹ thuật để có tiền duy trì sáng tác; đi làm thuê tại một ngành nghề hoàn toàn không liên quan để chỉ kiếm tiền mà không ảnh hưởng đến tư duy nghệ thuật. Hoặc nếu có khả năng, họ có thể tự mở các lớp dạy học, đi dạy học ở các trung tâm, mở các workshop, câu lạc bộ mỹ thuật cho một cộng đồng nhỏ … Mỗi công việc trên đều có cái lợi và cái hại cho sáng tác, đòi hỏi mỗi người phải chấp nhận, lựa chọn và đầy can đảm để theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật lâu dài.

Bởi vậy, những triển lãm đầu tiên này của các họa sĩ trẻ đều chứa đựng rất nhiều đặc điểm thú vị. Nó bao gồm cả sáng tác có tính chất học thuật của những tác phẩm cuối cùng trên ghế nhà trường, những xao động trong nội tâm, nhen nhóm những phong cách cá nhân và tố chất hội họa mang tính bản năng. Đây cũng là thời điểm của những hăng hái trong con mắt nhìn về đời sống xã hội từ những cá nhân bắt đầu trưởng thành…

Suy tư từ “Xin chào”

Lãng mạn, đầy chất tạo hình, suy tư, tìm kiếm, tự do và những biểu đạt sống động là những thứ thẩy rất rõ trong các sáng tác này. Các tác phẩm của Nguyễn Thu Uyên chứa đựng một bản năng nguyên sơ rất đặc trưng. Uyên thể hiện tốt về chất cảm và màu sắc và ý tưởng tác phẩm. Ở những chủ đề khác nhau, người xem vẫn có thể nhận ra sự thi vị hóa đời sống, và có chút gì đó bí ẩn trong các tác phẩm của họa sĩ trẻ này.

Chú thích ảnh
Tác phẩm của Nguyễn Thu Uyên

Âu Đình Kiên, Nguyễn Văn Thuấn và Nguyễn Đức Anh cùng có những tác phẩm về đời sống đương đại và những sáng tác lãng mạn khác, nhưng người xem có thể dễ dàng nhận ra 3 phong cách tạo hình riêng. Nguyễn Đức Anh thể hiện thế mạnh về hiện thực cùng một cảm quan chững chạc cả về hội họal ẫn tư duy biểu đạt. Trong khi đó, các tác phẩm của Âu Đình Kiên đem đến cảm xúc mạnh mẽ trong sự nhảy nhót của màu sắc, hình thể được bóp méo ấn tượng, gợi lên một cảm quan rất lãng mạn đặc trưng của họa sĩ này. Các tác phẩm của Thuấn là sự cân bằng cả thị giác và cảm xúc nhưng lại gợi sự tò mò và cuốn hút bởi nó mang chất đương đại, có màu sắc xã hội - thứ không phải có ở mọi tác phẩm đương đại.

Theo đuổi chất liệu sơn mài truyền thống nhưng các chủ đề và cảm xúc của Nguyễn Thùy Trang trong tác phẩm lại thể hiện một sự mạnh mẽ, khúc triết với đặc trưng ở màu sắc, nhịp điệu cao trào. Trang tìm tòi khám phá lập thể, âm dương theo đường hướng của nét, hình và mảng miếng. Nguyễn Yến, Nguyễn Quỳnh Nga và Đỗ Quốc Bảo đem đến cả một góc đầy cảm xúc nội tâm trong các tác phẩm. Bảo có thế mạnh với sơn dầu cổ điển, các tác phẩm của Bảo có độ sâu và sự trầm tĩnh nhất định.Tranh của Yến toát lên sự trong sáng và thi vị nhưng ẩn sâu là một cá tính mạnh, bứt phá và ngang tàng. Còn tác phẩm của Quỳnh Nga mang chất pop art. Cô biểu hiện trực diện cảm xúc của nhân vật với màu sắc và tạo hình táo bạo. Tranh của Nga bày ra những góc khuất.

Hai nhân vật cuối cùng là Nhữ Đình Cương và Vũ Hoàng. Nhữ Đình Cương là người duy nhất đi cùng chất liệu lụa trong nhóm. Tranh của Cương đem đến sự cân bằng cảm xúc đặc biệt cho triển lãm. Hai bức lụa nhẹ nhàng, tình cảm với cảnh sân - nhà ở vùng quê. Chọn những góc cảnh của đời sống quen thuộc, các tác phẩm đẹp êm ả, thuyết phục. Chất cảm, độ tinh tế của tác phẩm thể hiện một cá tính hội họa điềm tĩnh và nội lực. Đối diện với chủ đề yên bình của Cương là những tác phẩm mang sự đông đúc, hoạt náo về cuộc sống của Vũ Hoàng. Các tác phẩm của Hoàng có xu hướng mang tính ý niệm với khả năng biểu cảm tốt và sáng tạo ở hình tượng biểu đạt. Vũ Hoàng là một cá tính lạ.

Xin chào là cái tên rất giản dị mà nhóm đặt cho triển lãm, nhưng các tác phẩm kể trên thì lại có thật nhiều điều để nói. Có những ước mơ, sự lãng mạn, tự do, nhạy cảm và lý tưởng…Lý tưởng trong nghệ thuật luôn khiến những người nghệ sĩ hướng về bản chất, sự chân thực, trong sạch và tự do. Đó cũng chính là thứ tạo ra sự xung đột trong đời sống thực và đời sống nghệ thuật. Giai đoạn khởi đầu của những họa sĩ trẻ luôn đầy khó khăn thử thách và cần sự hỗ trợ để những lý tưởng nghệ thuật được gìn giữ cùng tài năng trong mỗi cá nhân sáng tạo.

Chú thích ảnh
Tác phẩm của Âu Đình Kiên
Chú thích ảnh
Tác phẩm của Nguyễn Yến
Chú thích ảnh
Tác phẩm của Nguyễn Đức Anh
Chú thích ảnh
Tác phẩm của Nguyễn Thùy Trang
Chú thích ảnh
Tác phẩm của Đỗ Quốc Bảo
Chú thích ảnh
Tác phẩm của Nguyễn Quỳnh Nga
Chú thích ảnh
Tác phẩm của Nhữ Đình Cương
Chú thích ảnh
Tác phẩm của Vũ Hoàng
Chú thích ảnh
Không gian triển lãm

Chú thích ảnh

  Trần Thu Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm