'Triển lãm tranh sơn mài truyền thống 2020': Sơn mài - vẫn cần sự đột phá

21/05/2020 11:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trưng bày 48 tác phẩm của 38 tác giả, Triển lãm tranh sơn mài truyền thống 2020 đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Dù chưa thật bao quát, nhưng có thể xem đây là một lát cắt về những tác giả làm sơn mài theo kỹ thuật truyền thống tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Tranh sơn mài Việt đến Italia

Tranh sơn mài Việt đến Italia

Biennale Mỹ thuật Venise là sự kiện nghệ thuật uy tín ở Italia và châu Âu. Biennale năm nay, lần đầu có sự tham gia của mỹ thuật Việt Nam.

1. Về kỹ thuật sáng tác và đặc trưng vật liệu, sơn mài miền Nam có vài điểm khác với sơn ta Phú Thọ và sơn mài miền Bắc nói chung. Dù theo năm tháng, các vùng miền mua vật liệu và học hỏi kỹ thuật sáng tác lẫn nhau, nhưng vẫn giữ được đặc trưng riêng là điều đáng quý.

Triển lãm năm nay đã chọn trao giải thưởng cho các tác phẩm tiêu biểu. Không có giải Nhất, 3 giải Nhì thuộc về Ấn tượng ký ức Hạ Long của Trần Thị Ngọc Linh, Cuộc đời của Nguyễn Quang Sơn, Human của Đinh Văn Sơn. 4 giải Ba thuộc về Nghệ sĩ vĩ cầm của Nguyễn Hồng Đức, Nhật nguyệt của Nguyễn Hoài Hương, Trăng Thu của Võ Nam, Cầu nối của Lâm Chí Trung. 4 giải Khuyến khích thuộc về Kéo đáy của Trần Văn Có, Đi hội Chăm Pa của Mai Anh Dũng, Đất xanh của Lâm Huỳnh Linh, Hạnh phúc của Cao Nhung.

Dù chỉ được giải Khuyến khích, nhưng Lâm Huỳnh Linh rất lấy làm hạnh phúc. Anh nói: “Tôi vui vì đó là một tác phẩm sơn mài trừu tượng, bảng màu xanh chủ đạo, thay vì đỏ và vàng như thường thấy, nên hơi kén người xem, vậy mà được chọn trao giải. Càng vui hơn khi mà trong 11 giải có đến 4 tác phẩm trừu tượng, chứng tỏ hội đồng giải thưởng năm đang muốn hướng đến sự đổi mới”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Human” của Đinh Văn Sơn, một giải Nhì khá thuyết phục

Tác phẩm Human của Đinh Văn Sơn có lẽ là một ví dụ sinh động cho tinh thần đổi mới. Đây là một tượng gốm/điêu khắc rồi phủ sơn mài - dù triển lãm tập trung vào “tranh sơn mài”. Có lẽ tác giả phải đổ khuôn tượng xong rồi dùng sơn mài bọc vải lên như cách làm vóc, rồi vẽ thật mỏng, vì vẽ dày sơn sẽ chảy, do chậm khô. Sau đó cẩn trứng, xuống bạc, ghè màu... Nói chung rất công phu, sơn mài mà không hẳn sơn mài. “Tôi cũng không hiểu tại sao tác phẩm của mình lại được ưu ái chấm giải Nhì nữa, khá là bất ngờ. Có lẽ đây là một dạng đầu tư khuyến lệ từ ban tổ chức, nhằm phát huy sự sáng tạo với chất liệu truyền thống” - Đinh Văn Sơn nói.

Bức Cuộc đời của Nguyễn Quang Sơn gồm 4 tấm ghép lại, với kích thước khá lớn là 180cm x 480cm. Từ ý tưởng cho đến bảng màu xám bạc cho thấy họa sĩ muốn miêu tả một cuộc đời đầy lo âu và mưu mô, thiếu hẳn sự lạc quan, vui sống. Nhưng bù lại, về kỹ thuật, cho thấy một trình độ sơn mài bậc thầy, biết chắt lọc ngôn ngữ và chất liệu truyền thống để đổi mới. Có lẽ nhờ điều này mà Cuộc đời được trao giải Nhì.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Cuộc đời” của Nguyễn Quang Sơn với bảng màu xám bạc là chủ đạo

2. Nhìn tổng thể thì triển lãm lần này chưa thật đột phá, nhưng nếu so với mặt bằng sơn mài của cả nước, thì khá tốt về kỹ thuật, về chất lượng và có ưu trội về cả kích thước tác phẩm, ngôn ngữ thể hiện. Điều này cho thấy sự đổi mới sơn mài tại Việt Nam còn khá chậm chạp, vẫn cần nhân tố mới, sự đột phá mới để mang lại hiệu quả nhiều hơn.

Nếu nhìn từ quy mô và phạm vi hoạt động của một hội nghề nghiệp như Hội Mỹ thuật TP.HCM, thì Triển lãm tranh sơn mài truyền thống 2020 lại là một tín hiệu tích cực, cần nhận rộng hơn nữa. Bởi nếu không có đủ sự quyết tâm làm mới, đổi mới, thì cũng giống như nhiều hội nhóm khác, cứ “im lìm hoạt động”,không làm triển lãm, sự kiện, cuộc thi... cho thêm cực.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Đất xanh” của Lâm Huỳnh Linh

Tiền đề cho thành công bước đầu này là Triển lãm tranh sơn mài truyền thống 2019, từngdiễn ra hồi tháng 9/2019, bày 49 tác phẩm của 39 tác giả - đa số lấy từ các trại sáng tác và sáng tác trong năm 2019. Mục tiêu của triển lãm năm 2019 là bước chuẩn bị để các họa sĩ đến với triển lãm tranh sơn mài khổ lớn hơn, dự kiến khai mạc tháng 4/2020, nhưng do đại dịch Covid-19, nên đến nay mới diễn ra. Quả thật về kích thước, nhiều bức tại Triển lãm tranh sơn mài truyền thống 2020 là khá ưu trội.

Họa sĩ Uyên Huy (Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM) cho biết: “Để triển lãm có chất lượng và sự đa dạng, Ban tổ chức không quy định cụ thể nội dung đề tài, miễn sao thể hiện được sự bắc nhịp cầu từ kỹ thuật sơn mài truyền thống mà sáng tạo. Chúng tôi hy vọng càng về sau sẽ có các tác phẩm độc đáo, táo bạo và mới mẻ hơn nữa, vì ý niệm sáng tạo cho chất liệu này còn rất phong phú, rộng lớn, chỉ sợ không đủ tài năng và sự dũng cảm để đột phá mà thôi”.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm