Triển lãm sách quý hiếm từ trước 1945: Có thủ bút và chữ ký của Ngô Tất Tố, Huy Cận, Nhượng Tống...

26/11/2016 08:54 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 25-27/11, tại Đường sách TP.HCM diễn ra triển lãm Sự tinh tế song hành cùng tri thức. Triển lãm quy tụ 33 đầu sách đặc biệt với các tiêu chí quý hiếm được ấn hành từ trước 1945 đến nay.

Các ấn bản sách được trưng bày lần này do Quán sách mùa Thu, là đơn vị có chuyên môn về sách xưa và sách quý hiếm tổ chức từ chính bộ sưu tập của mình, cùng với sự hỗ trợ của các nhà sưu tập uy tín như Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Vũ Hà Tuệ, luật sư Nguyễn Anh Tuấn…


Lều chõng của Ngô Tất Tố, Mai Lĩnh in năm 1941, bản đặc biệt, giấy dó, có thủ bút và chữ ký của tác giả

Trong hoạt động xuất bản, ngoài các bản in thông thường được phát hành rộng rãi, các đơn vị xuất bản thường thực hiện ấn bản đặc biệt dành cho các đầu sách có giá trị, để sách không những hay mà còn phải đẹp và quý, có thể bảo quản và lưu giữ lâu dài.

Ấn bản đặc biệt được thực hiện hướng đến sự hoàn hảo từ nội dung đến hình thức, thường được giới hạn trong một số lượng bản in rất hạn chế, in trên giấy tốt, đóng bìa cứng, ghi dấu riêng, đánh số thứ tự, có kèm chữ ký, triện son, thủ bút của tác giả và những phụ bản (tranh ảnh, tư liệu…) mà bản in thông thường không có.


Hề chèo, do Hà Văn Cầu sưu tầm, NXB Văn Hóa in năm 1977. Bản đặc biệt in trên giấy dó lụa, bìa cứng, có 2 phụ bản của Bùi Xuân Phái

Từ trước 1945 hay thời bao cấp, khi ngành in sách còn nhiều khó khăn, thì vẫn có những bản sách đặc biệt được in trên giấy tốt nhất có thể. Những năm gần đây, loại bản sách đặc biệt này đã được nhiều đơn vị xuất bản trở lại và được giới sưu tập sách đón nhận.

Trong đó sách in trước năm 1945 có 11 cuốn tại triển lãm, như: Quê ngoại, của Hồ DZếnh, XB năm 1943, bản thượng hạng, giấy láng, mịn và dai; Việt Nam cổ văn học sử, Nguyễn Đổng Chi, XB năm 1941 (bản đặc biệt),  giấy gió lụa rất dày, có chữ ký của tác giả; Lều chõng, Ngô Tất Tố, Mai Lĩnh xuất bản năm 1941, bản đặc biệt, giấy dó, có thủ bút và chữ ký của tác giả, có 2 phụ bản tranh; Phan Đình Phùng, một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời, Đại La Hà Nội xuất bản năm 1936, bản đánh số, in trên giấy thuần dó...


Quê ngoại, của Hồ DZếnh, XB năm 1943, bản thượng hạng, giấy láng, mịn và dai

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Phó Trưởng Ban điều hành Đường Sách TP.HCM cho biết: “Đây là đợt triển lãm quy tụ những bản in đặc biệt nhất của các đầu sách đã từng được xuất bản tại Việt Nam từ trước đến nay.

Các ấn bản này thể hiện cái tâm và một tinh thần làm nghề đáng quý, hướng đến sự chỉn chu, hoàn hảo từ nội dung đến hình thức, của những người làm sách qua các thời kỳ.

Sự chăm chút, tỉ mỉ và chu đáo của những thế hệ đi trước, như chúng ta có thể thấy rất cụ thể qua các ấn bản được trưng bày lần này, là tấm gương và động lực cho các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực xuất bản nói riêng và văn hóa nói chung hiện nay tự hoàn thiện mình, đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của xã hội".


Bài thơ cuộc đời, của Huy Cận, NXB Văn học in năm 1963. Bản đặc biệt có bút tích Huy Cận tặng Nguyễn Xuân Sanh và Cẩm Thạnh

Điểm nhấn của đợt triển lãm này là buổi tọa đàm Ấn bản đặc biệt - Nàng thơ của người sưu tập vào lúc 8h30 ngày 27/11. Sau tọa đàm, là phiên đấu giá sách gây quỹ từ thiện Một quyển sách – một hạt gạo cho khúc ruột miền Trung với dự kiến hai cuốn sách: Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý của GS Hoàng Xuân Hãn do Đại học Vạn Hạnh xuất bản năm 1966, ấn bản đặc biệt; và cuốn Lê Mạt Sự Ký của Nguyễn Duy Chính. Độc bản có triện son, chữ ký và thủ bút đặc biệt của tác giả.

Thanh Kiều

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm