Triển lãm các kiệt tác bị 'lãng quên' của Ấn Độ tại Anh

12/02/2020 08:06 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ấn Độ là một trong những quốc gia đa dạng về tôn giáo và dân tộc nhất trên thế giới. Bởi vậy, nền văn hóa của nước này được nhắc đến không chỉ ở châu Á mà còn lan rộng khắp thế giới. Tại The Wallace Collection (Anh), cuộc triển lãm về những tác phẩm được cho là một trong những kiệt tác vĩ đại nhất của hội họa Ấn Độ đang được diễn ra.

Khai mạc Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sỹ tiêu biểu châu Á

Khai mạc Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sỹ tiêu biểu châu Á

Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu hàng đầu châu Á tại Hà Nội – Việt Nam 2019 đã khai mạc ngày 5/11 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) Hà Nội với sự tham dự của các nghệ sỹ trong nước và quốc tế.

Forgotten Masters - Indian Painting for the East India Company tập trung vào các nghệ sĩ bị “lãng quên” từ thời Đế quốc Anh. Người phụ trách triển lãm này, nhà sử học William Dalrymple (55 tuổi), cho rằng họ nên được tôn vinh như “những nghệ sĩ lớn có tài năng nhất”. Triển lãm giới thiệu một loạt các bức tranh tinh xảo của các họa sĩ bậc thầy của Ấn Độ (thế kỷ 18 và 19) được chia làm các danh mục, tài liệu và biên niên.

Đòi lại “công bằng” cho các nghệ sĩ

Từ năm 1815 đến 1914 là khoảng thời gian mà các sử gia coi là "thế kỷ đế quốc" của Anh, họ mở rộng lãnh thổ của mình thêm 26 triệu km2 cùng với khoảng 400 triệu người.

Vào thời điểm đó, East India Company (Công ty Đông Ấn) đã cùng tiến hành mở rộng lãnh thổ cho Đế quốc Anh tại châu Á. Sau trận Buxar năm 1764, Công ty Đông Ấn đòi được quyền dân sự về hành chính ở Bengal (Ấn Độ) đã đánh dấu sự khởi đầu của công cuộc cai trị chính thức, giữ độc quyền về thương mại tại đây. Vào những năm 1850, Công ty Đông Ấn gần như đã kiểm soát hết các tiểu lục địa Ấn Độ bấy giờ.

Chú thích ảnh
Bức Sáu tân binh (Ghulam Ali Khan, 1815)

Do vậy, những tác phẩm ra đời vào thời kỳ này không được ghi nhận là sáng tạo của người Ấn Độ. Thay vào đó, các quan chức của Công ty Đông Ấn đã ủy thác chúng và trở thành các tác phẩm không tên tuổi. William Dalrymple nhấn mạnh sự bất công đó và mong muốn khôi phục quyền tác giả của một số tác phẩm lịch sử được ông cho là vĩ đại nhất mọi thời đại.

Mặc dù đã hơn 200 năm tuổi, nhiều tác phẩm về động vật hoang dã của những họa sĩ này vẫn giữ được sự sống động. Tiêu biểu là bức tranh tuyệt đẹp về chim sả rừng Ấn Độ trên nhánh gỗ đàn hương (1779) của danh họa Sheikh Zainuddin - một nghệ sĩ Hồi giáo người Bengal thời kỳ Công ty Đông Ấn và là một trong những nghệ sĩ địa phương đã nổi lên dưới sự bảo trợ của châu Âu tại British Raj (Raj thuộc Anh). Với sự pha trộn màu sắc ngọc lam và nâu độc đáo cho bộ lông của chim sả rừng Ấn Độ, đây được xem như những gợn sóng tinh tế thể hiện cả phong cách lịch sử tự nhiên châu Âu và truyền thống hội họa của triều đại Mughal ở Ấn Độ.

Chú thích ảnh
Bức Chim sả rừng Ấn Độ trên nhánh gỗ đàn hương (Sheikh Zainuddin, 1779)

Được biết, hội họa Mughal là sự kết hợp giữa phong cách Hồi giáo, Ba Tư và Ấn Độ. Nó được phát triển trong suốt thế kỷ 16 - 19 dưới sự cai trị của triều đại Mughal. Do vậy, các họa tiết có thể được nhìn thấy trong các bức họa Mughal là những đám mây cuồn cuộn, các thiên thần có cánh, cảnh chiến đấu, cây cối, chim chóc và động vật trong hình dạng hiện thực.

“Đáng chú ý là sự tinh tế của những bức tranh như vậy bị phủ nhận. Sau sự sụp đổ của Đế quốc Anh, người Anh đã quên đi những tác phẩm tuyệt vời này và coi nó như một thứ bỏ đi” - William Dalrymple chia sẻ với BBC News.

Một điều thú vị khác của những kiệt tác này là câu chuyện theo sau nó. Những bức họa Mughal không chỉ thể hiện hệ thực vật đa dạng của Ấn Độ mà còn thể hiện cuộc sống của những người cai trị hay bị đô hộ.

Chú thích ảnh
Một bức tranh khác về chim và sâu bướm trên cây táo (Sheikh Zainuddin, 1780)

Những câu chuyện lịch sử đằng sau kiệt tác

Ở đầu triển lãm, sẽ thấy bức tranh một anh chàng trong trang phục truyền thống Mughal. Đến cuối cùng, một bức tranh khác khắc họa anh ta với trang phục quân sự châu Âu - Skinner's Horse (1815 -1816). Đó là bức tranh về Kala, người đã trở thành bạn thân với chủ nhân của mình - sĩ quan William Fraser, bảnh bao trong chiếc áo khoác kiểu Napoleon, đôi bốt Jodhpur nhưng vẫn giữ được một vài nét văn hóa dân tộc của mình. Đó là hình ảnh mặt trăng - biểu tượng vị thần Hindu, thần Shiva được trang trí trên chiếc mũ của Kala.

Chú thích ảnh
Bức tranh về Kala (Ghulam Ali Khan, 1815 - 1816)

Bức tranh và câu chuyện về Kala là một ví dụ điển hình, cái nhìn thực tế nhất về cuộc sống của người dân Ấn Độ trong thời kỳ trên. Những người như Kala là một phần ít trong số lớn các tân binh hỗ trợ các sĩ quan của Công ty Đông Ấn. Phần nào vẫn giữ vững được ý thức mạnh mẽ của bản thân, không hề bị mai một dù đang chịu áp bức từ đô hộ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự “thao túng” cũng là câu chuyện quen thuộc của các họa sĩ Ấn Độ dưới thời kỳ cai trị của Công ty Đông Ấn. Khi những người dân Ấn Độ bị đế chế tàn nhẫn này “bóp nghẹt”, họ dần trở thành những người “thèm khát” sự giàu có của Anh.

Phần cuối của triển lãm, các họa sĩ Ấn Độ chủ yếu vẽ theo phong cách châu Âu. Ví dụ điển hình là bức The Great Gun of Agra (Súng Đại bác Agra) của Sita Ram (1815), gợi nhớ đến nhiều bức tranh về vùng nông thôn Anh của danh họa nổi tiếng John Constable (1776 - 1837). Những tác phẩm của triển lãm này dường như đã mang đến một cái nhìn toàn cảnh về quá trình phát triển hội họa cũng như con người Ấn Độ ở một giai đoạn lịch sử nhất định.

Đối với William Dalrymple, phần lớn các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm này đều là tác phẩm cuối cùng còn sót lại của hội họa Ấn Độ, là dấu ấn cuối cùng của truyền thống 2.000 năm - trước sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân. Đây cũng là niềm đam mê, nhiệt huyết và tự hào mà ông muốn nói đến để tôn vinh các nghệ sĩ của những tác phẩm trên.

Cuộc triển lãm hé lộ một thế giới nghệ thuật bị “lãng quên” và hiểu lầm trong nhiều thế kỷ. Theo William Dalrymple đây được cho là cách “giải cứu” các nghệ sĩ Ấn Độ bị “bỏ rơi”. Triển lãm Forgotten Masters - Indian Painting for the East India Company kết thúc vào ngày 19/4 tới.

Thành Quách

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm