Trí - Lân - Vân - Cẩn: Những tiếng ca tự tôn về bản sắc dân tộc

18/06/2019 07:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khi công nhận Bảo vật quốc gia (ký ngày 30/12/2013), ngay đợt 2 với 37 bảo vật đã có bức Vườn Xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí, bức Hai thiếu nữ và em bé của Tô Ngọc Vân, bức Em Thúy của Trần Văn Cẩn. Một thông tin để thấy vị trí quan trọng của Trí - Lân - Vân - Cẩn trong nền mỹ thuật và văn hóa Việt Nam.

Mỹ thuật Việt liên tiếp 'được giá' trong và ngoài nước

Mỹ thuật Việt liên tiếp 'được giá' trong và ngoài nước

Chiều qua (28/5), tại nhà Christie's Hong Kong, tác phẩm sơn mài 'La Moyenne Région' của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung đã tạo nên một cú hích vô cùng ngoạn mục ở phiên đấu 'Asian 20th Century Art'.

Về tuổi tác thì xếp như sau: Nguyễn Tường Lân (1906-1946), Nguyễn Gia Trí (1908-1993), Tô Ngọc Vân (1908-1954), Trần Văn Cẩn (1910-1994). Số lượng tác phẩm hiện hữu thì xếp như sau: Trí, Cẩn, Lân, Vân (không xét ký họa). Nhưng trong giới mỹ thuật lâu nay vẫn mặc định là Trí - Lân - Vân - Cẩn. Sinh thời, khi một tạp chí nước ngoài hỏi nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân lý giải về thứ tự này, ông trả lời ban đầu chắc xếp theo “thuận miệng” thôi, chứ không có ý phân cao thấp, trước sau, vì họ đồng đẳng cấp và có những đóng góp riêng.

Đóng góp lớn lao nhất của bộ từ này là khả năng vận dụng quan niệm vẽ tranh kiểu Tây phương vào tâm hồn Việt Nam, vào tư tưởng, kỹ thuật, chất liệu Đông phương một cách nhuần nhị, tạo ra được những tác phẩm tiêu biểu, độc sáng. Họ cũng như Nguyễn Phan Chánh, Lương Xuân Nhị… và bộ tứ ở Paris là Phổ - Thứ - Lựu - Đàm, đã biết cất tiếng ca tự tôn về bản sắc cá nhân và dân tộc trước ngưỡng cửa của “thế giới đại đồng”. Như chính lời Tô Ngọc Vân: “… ngay từ lúc đi học đã mơ xây dựng một nền hội họa Việt Nam có tính chất dân tộc, phản ứng lại sự lan tràn của hội họa Pháp sang ta và để giành một địa vị mỹ thuật trọng yếu cho dân tộc trên thế giới”.

Chú thích ảnh
Từ trái sang: Trí - Lân - Vân - Cẩn

Người đứng sát thị trường

Trong bộ tứ này, người gần gũi thị trường mỹ thuật nhất là Trí, xa nhất là Lân, do ông Lân chết sớm, tác phẩm hư hại và bị hủy hoại phần lớn. Vân và Cẩn thì gần như song hành đi vào thị trường, nhưng Vân gây bất ngờ nhất bộ tứ này vì bức Les Désabusées (Vỡ mộng, lụa, 92,5cm x 57cm, 1932) vừa bán hơn 1,1 triệu USD (khoảng 27 tỷ đồng) hồi tháng 5/2019.

Nguyễn Gia Trí học sơn mài với thầy cô người Pháp, sớm định hình phong cách riêng từ giữa thập niên 1930. Ngoài khía cạnh nghệ thuật độc đáo, tác phẩm của ông gần như lập tức gây sức hút lớn với thị trường. Từ triển lãm chung ngày 11/1/1939 do Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tổ chức, tranh của ông đã có người sưu tập. Ông bán tranh qua Pháp và ra nước ngoài ngay từ đầu thập niên 1940, liên tục cho đến khi di cư vào miền Nam năm 1954.

Chú thích ảnh
Bức “Les Désabusées” (Vỡ mộng, lụa, 92,5cm x 57cm, 1932) của Tô Ngọc Vân bán hơn 1,1 triệu USD  hồi tháng 5/2019, trở thành tác phẩm có giá bán công khai cao nhất của bộ tứ Trí - Lân - Vân - Cẩn

Tại Sài Gòn trong giai đoạn 1954-1975, tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí tiếp tục chu du đến nhiều nước, sang tận Nam Mỹ, Nam Phi… bằng con đường sưu tập. Nhưng cũng còn nhiều bức tranh quan trọng còn lại trong nước, trong đó có kiệt tác Vườn Xuân Trung Nam Bắc là do Nguyễn Gia Trí cố ý giữ lại, hoặc làm chậm quá người đặt hàng không kịp lấy. Nếu không thì chúng đã “định cư” tại nước ngoài.

Ông là họa sĩ sớm vẽ theo đơn đặt hàng, nhưng không bị cuốn theo thị trường, mà biết từ chối và cân nhắc trước khi nhận lời. Nếu cuốn theo thị trường thì: “Tôi có thể thành triệu phú, nhưng tôi quý trọng tự do hơn tiền bạc”, lời của Nguyễn Gia Trí. Thái độ này có thể thành tấm gương cho nhiều họa sĩ trẻ, bởi nhìn lại, nhiều người vốn có tài nhưng đã bị thị trường làm vong thân, mất bản sắc.

Chú thích ảnh
Bảo vật quốc gia - kiệt tác sơn mài “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” trước khi bị tai nạn do vệ sinh

Quý hồ tinh

Ngày nay, tác phẩm của Nguyễn Tường Lân còn lại rất ít, khó nhận ra chúng ở khía cạnh nghệ thuật và thị trường. Nói nôm na muốn xem cũng khó, chứ đừng nói muốn mua. Tiểu sử nghệ thuật của ông cũng còn khá mơ hồ, chỉ vài dòng là hết. Chính vì vậy mà nhiều người tự hỏi vì sao ông lại được xếp vào bộ tứ huyền thoại này?

Sau khi tốt nghiệp khóa 4 (1928-1933) Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Tường Lân nhanh chóng mở xưởng vẽ tại Hà Nội, dư thừa tiện nghi làm việc và không thiếu mẫu đẹp. Đương thời, nhiều họa sĩ tìm đến xưởng của ông để được mục kích mô hình chuyên nghiệp này, cũng như tìm dịp “vẽ ké các siêu mẫu” sẵn có. Ông Lân phóng khoáng, dễ chia sẻ, lại thuần thục hầu hết các vật liệu từ lụa, sơn mài, khắc gỗ, bột màu, chì sáp, chì than… cho đến sơn dầu. Ông cũng sáng tác rất nhiều, từng có triển lãm cá nhân rất thành công tại Bắc Kinh vào tháng 7/1945, phần lớn tác phẩm được bán.

Có lẽ nhờ thái độ chuyên nghiệp, sẵn sàng chia sẻ cả về chuyên môn và phương tiện làm việc mà Nguyễn Tường Lân được nhiều đồng nghiệp yêu mến. Ông cũng được giới nghiên cứu và báo giới liên tục ca ngợi. Điểm đặc biệt nữa, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, dù những tác phẩm còn lại là rất ít, nhưng chúng vẫn thể hiện được cốt cách bậc thầy.

Chú thích ảnh
Bức lụa “Trong chùa” (50cm x 75cm, 1935) của Nguyễn Tường Lân từng bán tại Christie’s Hong Kong hồi 23/11/2014 với giá 1,3 triệu đô-la Hong Kong, gần 3,9 tỷ đồng. Nhìn bố cục tân kỳ và cách xử lý vật liệu hoàn hảo có thể thấy được tay nghề bậc thầy của họa sĩ

Nhà giáo nhiều dấu ấn

Hy sinh ở độ tuổi trung niên, khi sức làm việc và sáng tạo đang dài rộng, nhưng Tô Ngọc Vân vẫn có những tác phẩm làm nên cột mốc lớn. Ngoài bảo vật quốc gia Hai thiếu nữ và em bé (1944), Thiếu nữ bên hoa huệ (1943) còn được ví như Mona Lisa của Việt Nam vì vẻ hoàn mỹ của nó. Vẻ hoàn mỹ này còn nhìn thấy ở khả năng sử dụng sơn dầu - vật liệu Tây phương - một cách tinh tế, nhuần nhụy. 

Trong vai trò thầy giáo mỹ thuật, Tô Ngọc Vân dạy học nhiều nơi, để lại dấu ấn chuyên môn trên nhiều thế hệ học trò. Riêng khóa kháng chiến (1950 -1954) tại Việt Bắc, Tô Ngọc Vân đã có nhiều học trò tên tuổi như Lê Huy Hòa, Lưu Công Nhân, Nguyễn Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu, Lê Lam, Ngô Minh Cầu, Đặng Đức, Ngọc Linh, Đào Đức, Mai Long, Ngô Mạnh Lân... Khóa này cũng kịp hình thành một bộ tứ là Hòa (Lê Huy Hòa) - Nhân (Lưu Công Nhân) - Hậu (Trần Lưu Hậu), Kiệm (Nguyễn Trọng Kiệm).

Chính những ảnh hưởng đã tạo ra trong quá trình dạy học và tinh thần “nhất tự vi sư”, dấu ấn của Tô Ngọc Vân luôn được ghi nhớ, tôn vinh. Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định: “Là một họa sĩ nổi tiếng, nhưng tác phẩm lớn nhất của thầy Tô Ngọc Vân chính là những học trò - những thế hệ họa sĩ tên tuổi hàng đầu của Việt Nam hiện nay”.

Ấn tượng các lần đầu

Trần Văn Cẩn là thủ khoa khóa 7 (1931-1936) của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, với bức sơn mài Tiễn anh khóa đi thi hương, hay còn gọi là Lều chõng. Nhưng từ 1934, tác phẩm sơn mài Mẹ tôi đã được tham dự triển lãm ở Paris. Từ 1935 đến 1945, ông liên tục gây ấn tượng tại các triển lãm chung, đoạt các giải thứ hạng cao, nên được nhiều người chú ý.

Chú thích ảnh
Bảo vật quốc gia - kiệt tác sơn dầu “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn

Có thể nói, Trần Vân Cẩn rất có duyên với việc có tính lần đầu, từ thể nghiệm sơn mài đến sử dụng sơn dầu, cách tân lụa và tranh khắc gỗ. Điểm chung của những kiệt tác như Em Thúy (sơn dầu), Chợ Tết (lụa), Gội đầu (khắc gỗ), Hai cô gái trước bình phong (lụa)… đều ở khả năng bắc nhịp cầu giữa Đông và Tây, ở vấn đề cách tân vật liệu và chất liệu nghệ thuật.

“Trần Văn Cẩn là một trong những họa sĩ đa năng đầu tiên của nước ta. Cho dù vẽ lụa, sơn dầu hay làm tranh khắc gỗ, tranh sơn mài thì ông cũng đều đã sớm có những sáng tác đỉnh cao không thể chối cãi” - nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt nhận định.

Từ khía cạnh thị trường, ngoài các kiệt tác giờ đã “có nơi có chỗ” ổn định, khó có thể giao dịch, nhìn chung giá tác phẩm của Trần Văn Cẩn vẫn còn khá thấp so với 3 họa sĩ còn lại trong bộ tứ này. Tuy nhiên tình hình này sẽ nhanh chóng thay đổi, vì các nhà sưu tập lớn được tiếp cận và sở hữu cùng lúc nhiều tác phẩm của ông Cẩn, việc tái định giá và đẩy giá chỉ là một sớm một chiều.

Những “bộ tứ” xương sống của mỹ thuật Việt

Mỹ thuật hiện đại Việt Nam có thể tính từ trước khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập (1924), với những tên tuổi “tiên phong” như: Nguyễn Văn Nhân (sinh trong khoảng 1830-1840), vua Hàm Nghi (1871-1944), Lê Văn Miến (1874-1943), Nguyễn Nam Sơn (1890-1973), Thang Trần Phềnh (1895-1973)… Đây là chưa nói các họa sĩ, nhà điêu khắc quốc tế sống, giảng dạy, sáng tác tại Đông Dương.

đó, mỹ thuật Việt Nam có những bộ tứ danh giá như: Trí - Lân - Vân - Cẩn, Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, Phổ - Thứ - Lựu - Đàm… Nhưng để tạo nền tảng cho các bộ tứ này, rõ ràng mỹ thuật hiện đại Việt Nam (hội họa và điêu khắc) còn có cả chục tên tuổi quan trọng, ở đây tạm xếp họ vào hai “bộ tứ tiền thân”, đó là Hàm Nghi, Lê Văn Miến, Nguyễn Nam Sơn, Thang Trần Phềnh (tạm gọi là Nghi - Miến - Sơn - Phềnh) và 4 điêu khắc gia: Minao Ishikawa, Paul Ducuing, Évariste Jonchère, Georges Khánh.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm