Tối nay, khai ấn đền Trần: nhìn lại cuộc tranh cãi nhiều năm về 'ấn thiêng'

18/02/2019 16:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) -Tối nay, lễ hội khai ấn đền Trần sẽ diễn ra tại cụm di tích nhà Trần ở thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng (ngoại thành thành phố Nam Định). Và chắc ấn, việc mang về những lá ấn tại đây là nguyện vọng của nhiều du khách.

Lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) năm 2019: Đảm bảo đủ ấn phát cho nhân dân, du khách

Lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) năm 2019: Đảm bảo đủ ấn phát cho nhân dân, du khách

Lễ hội khai ấn đền Trần - Nam Định Xuân Kỷ Hợi 2019 sẽ diễn ra vào đêm 18/2 (ngày 14 tháng Giêng âm lịch), lễ phát ấn cho nhân dân, du khách bắt đầu lúc 5 giờ sáng 19/2 (ngày 15 tháng Giêng).

1. Lễ Khai ấn đền Trần bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm) ngày rằm tháng Giêng hàng năm. Theo tương truyền, đây là tập tục văn hóa bắt đầu từ thế kỷ XIII, khi triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ sau lần chiến thắng giặc Nguyên Mông

Thông thường, để dự buổi lễ khai ấn, các đại diện cao tuổi và người dân địa phường sẽ tập hợp trước đền Cố Trạch của cụm di tích nhà Trần. Đúng 12 giờ đêm, khi buổi lễ bắt đầu, một cụ già cao niên đứng ra thay mặt dân làng làm lễ. Tiếp đó, đoàn người rước hòm dấu đi theo nhịp trống nhịp chiêng dưới ánh sáng lung linh của đèn của nến tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ.

Chú thích ảnh
Lá ấn đền Trần

  Trong nhiều năm trước, tiếp sau phần lễ này là nghi thức được trông đợi nhất: phát các lá ấn. Đó là những dải vải màu vàng, được đóng lên bằng dấu son đỏ từ chiếc ấn được lưu giữ tại đền Trần. Trong đó, 4 chữ lớn được khắc trên ấn đền Trần là "Trần Miếu Tự Điển", có nghĩa là "Điển lễ tế tự ở miếu nhà Trần".4 chữ ở cạnh dưới của ấn đền Trần là "Tích Phúc Vô Cương", có ý nghĩa là việc ban phúc là không có bờ bến. Tương truyền, việc mang các dải ấn này về treo tại gia đình sẽ xua đuổi mọi rủi ro.

Tuy nhiên, trong nhiều năm, việc phát các lá ấn này cho du khách đã tạo nên cảnh hỗn loạn, khi luôn có hàng ngàn người chen chúc, xô đẩy nhau để tranh giành ấn. Do vậy, từ năm 2014, với sự tư vấn từ các chuyên gia văn hóa, việc phát ấn cho du khách đã được chuyển sang buổi sáng (ngày 15 tháng Giêng âm lịch) trên địa điểm rộng, với nhiều bàn phát ấn để tránh tình trạng mất trật tự.

2. Đáng nói, trong nhiều năm qua, một cách hiểu rất phố biến được truyền miệng: việc sở hữu lá ấn này sẽ giúp du khách không chỉ nhận về nhiều tài lộc mà còn “ thăng quan tiến chức” trên đường quan lộ. Đây cũng là một lý do khiến lượng người tới đền Trần tăng liên tục – trong khi nhiều nhà nghiên cứu lên tiếng phản đối tập tục này.

Đã có một số quan điểm khác nhau về tập tục phát ấn, cũng như vai trò của chiếc ấn đang được lưu giữ tại đền Trần. Tương truyền, sau nhiều biến động, chiếc ấn cũ tại đền không còn, và chiếc ấn hiện tại được vua Minh Mạng cho khắc lại vào năm 1822.

Chú thích ảnh
Đền Trần đã chuẩn bị sẵn sàng cho hội khai ấn

 Một trong những cách hiểu phổ biến được giới nghiên cứu tán đồng: bản chất của bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn là Nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dầy thì được hưởng lộc càng bền vững. Đấy là ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhất của việc ban ấn, chứ hoàn toàn không có chuyện “thăng quan tiến chức”.

Còn theo GS Ngô Đức Thịnh, bản chất của lễ khai ấn cũng hoàn toàn không có ý nghĩa cầu may. Theo nghiên cứu của ông, việc khai ấn chỉ là việc mở đầu công việc triều đình hằng năm. Về bản chất, khai ấn cũng tương tự như lễ khai canh, khai sơn (mở cửa rừng), mở hàng của người buôn bán, khai bút đầu xuân, động thổ - nghĩa là một việc làm đánh dấu thời điểm bắt đầu hoạt động trở lại sau khi nghỉ Tết của các đơn vị hành chính thời phong kiến. Vì thế, lá ấn không bao hàm ý nghĩa của việc phong chức hay ban lộc.

Đặc biệt, dù việc khai ấn có được ghi chép trong chính sử, nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, qua những nghiên cứu tư liệu địa phương chí, quốc sử các triều đại, hội điển được biên soạn vào thời Nguyễn, thế kỷ XIX cũng không tìm thấy chi tiết nào đề cập hoạt động phát ấn ở bất cứ di tích đền Trần nào trong lịch sử. Vì vậy, đã có những nghi ngờ, rằng về bản chất, việc đóng ấn tại đền Trần khi xưa chỉ là nghi thức mang tính tín ngưỡng của riêng nhà đền, và không hề liên quan tới hoạt động của vương triều Trần vào mỗi dịp năm mới.

Chú thích ảnh
Hi vọng, những cảnh chen lấn, giẫm đạp như thế này sẽ không tái diễn trong năm nay

  Nhìn chung, dù ở quan điểm nào, niềm tin rằng việc sở hữu lá ấn đền Trần sẽ mang lại “quan lộ hanh thông” cho du khách là điều thiếu căn cứ hợp lý. Do vậy, ở thời điểm hiện tại, du khách cũng chỉ nên nhìn việc phát ấn (và nhận ấn) như một nghi thức cầu may nhẹ nhàng theo tín ngưỡng dân gian , để rồi từ đó tránh đi những lộn xộn đáng tiếc khi tham gia lễ hội.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm