Tới 'Mùa Xuân phương Đông' gặp lại danh họa Lê Bá Đảng

09/01/2020 19:23 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lúc sinh thời, Lê Bá Đảng (27/06/1921 - 07/03/2015) đã thực hiện hàng trăm sự kiện sáng tạo và triển lãm tại vô số quốc gia, nhưng có lẽ ít có triển lãm cá nhân nào tại Sài Gòn - TP.HCM. Để rồi ngày hôm nay 9/1, vào lúc 18h tại khách sạn Sofitel Sài Gòn, triển lãm Mùa Xuân phương Đông với gần 30 tác phẩm của Lê Bá Đảng sẽ được nhà đấu giá Lý Thị tổ chức.

Khát vọng hòa bình trong Nghệ thuật Lê Bá Đảng

Khát vọng hòa bình trong Nghệ thuật Lê Bá Đảng

Chiều 8/10, Triển lãm “Khát vọng hòa bình trong Nghệ thuật Lê Bá Đảng” đã khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Huế phối hợp tổ chức, hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2019).

Sinh thời, riêng tại Mỹ, Lê Bá Đảng đã sáng tạo khoảng 200 mẫu tranh in đồ họa tổng hợp. Những tác phẩm được tuyển chọn cho triển lãm Mùa Xuân phương Đông lần này thuộc sở hữu của nhà sưu tập Thắng Trần (New York).

Thắng Trần hiện là kỹ sư chế tạo động cơ máy bay dân sự và quân sự. Anh cho biết việc sưu tập tác phẩm Lê Bá Đảng bắt đầu từ năm 2006, mục đích là chia sẻ niềm tự hào về văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, chia sẻ một mùa Xuân phương Đông trong quan niệm thẩm mỹ của Lê Bá Đảng.

Bậc thầy của hai thế giới

Như một câu thơ của Tản Đà: Con đường vô hạn, khách Đông Tây, xem tranh của Lê Bá Đảng cũng cho ta cảm giác như vậy. Ông là danh họa mang tầm vóc quốc tế, tác phẩm của ông hiện thuộc vô số bộ sưu tập tư nhân và bảo tàng ở vài chục quốc gia khắp năm châu. Ông được đánh giá là bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây, luôn nỗ lực mang các triết lý, các câu chuyện của Việt Nam hòa vào nhân loại.

Chú thích ảnh
Danh họa Lê Bá Đảng. Ảnh: TL

Sinh thời, ông từng chia sẻ: “Tôi không làm thứ thuộc về phương Đông hoặc phương Tây. Tôi làm cả hai có trong chính tôi. Tôi suy nghĩ như một người phương Đông nhưng lý lẽ như người phương Tây”.

Sự kết hợp lộ rõ trong các tác phẩm của ông từ đầu những năm 1960, đặc biệt trong các tranh in thạch bản và đồ họa tổng hợp từ thập niên 1970.

Xét về tuổi tác, Lê Bá Đảng cùng thế hệ với bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, nhưng ông không xuất thân từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cũng không xuất thân Tây học, mà là một lính thợ Đông Dương, sang Pháp từ năm 1939. Quê ông ở làng Bích La Đông, xã Triệu Đông (nay thuộc xã Triệu Thành), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sau Thế chiến thứ 2, ông mới đăng ký học mỹ thuật tại Học viện Nghệ thuật Toulouse, Pháp, và rất nhanh chóng, từ năm 1950 đã có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Paris. Từ đây ông liên tục sáng tạo, cách tân và trưng bày cho đến những năm cuối đời.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Quê nhà” (in đồ họa, 38cm x 75,5cm), bản in đánh số 114/260, tên tác phẩm này do nhà đấu giá Lý Thị tạm đặt

Xét về số lượng tác phẩm, so với ba bộ tứ danh họa thời kỳ đầu của Việt Nam, Lê Bá Đảng đồ sộ bậc nhất, có thể hơn 5.000 tác phẩm cho nhiều chất liệu. Số triển lãm cá nhân của ông có thể nhiều hơn 20 danh họa thời kỳ của Việt Nam cộng lại, với hàng trăm cuộc ở vài chục quốc gia. Có những chuyến triển lãm cá nhân kéo dài qua hàng chục thành phố của nhiều quốc gia trong một hai năm.

Tại Việt Nam, ông là tác giả hiếm hoi - không muốn nói là duy nhất - có đến hai bảo tàng riêng tại Huế, mà trong đó xét về kiến trúc và ngoại thất thì Không gian ký ức Lê Bá Đảng (Lebadang Memory Space) thuộc loại độc đáo trên thế giới. Hai nơi này trưng bày hơn 700 tác phẩm của Lê Bá Đảng.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Chốn cũ” (in đồ họa, 75cm x 55,5cm), bản in đánh số 122/160. Tên tác phẩm này do nhà đấu giá Lý Thị tạm đặt

Độc đáo tranh in đồ họa

Bước vào một phòng tranh bán tác phẩm của Lê Bá Đảng ở quốc tế, ta dễ thấy phổ giá rất rộng, từ vài chục USD cho đến hàng chục ngàn USD, thậm chí cả trăm ngàn USD.

Vì muốn tác phẩm của mình đến với mọi nhà và cũng để mưu sinh, từ rất sớm Lê Bá Đảng đã làm tranh in. Từ đầu thập niên 1970, ông chế tạo được loại giấy mỹ thuật riêng để in ấn, giúp tranh ông vừa độc đáo về vật liệu, vừa hiệu quả về chất liệu.

Năm 1978, phương pháp in đồ họa “kỹ thuật vàng” của ông được áp dụng thành công tại xưởng Circle Fine Art ở Chicago và New York, Mỹ, dưới tên gọi Lebadangraphy. Năm 1990, tranh in đồ họa của Lê Bá Đảng cùng lúc xuất hiện tại 33 phòng tranh ở Mỹ, bán chạy như “tôm tươi”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Rừng xưa đã khép” (in đồ họa, 35,5cm x 48,5cm), bản in đánh số 148/250. Tên tác phẩm này do nhà đấu giá Lý Thị tạm đặt

Năm 1989, ông được trao giải thưởng Nghệ sĩ có tài năng và tư tưởng nhân đạo tại Mỹ. Năm 1992, ông được bầu chọn là Người nổi tiếng toàn cầu tại Anh. Năm 1994 được trao tặng Huân chương văn hóa nghệ thuật tại Pháp… Năm 2006, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bàn giao biệt thự số 15 Lê Lợi để thành lập Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng. Ngày 24/6/2019, khai trương Không gian ký ức Lê Bá Đảng (Lebadang Memory Space) rộng khoảng 15.000 mét vuông, tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở làng Kim Sơn, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế.

Quan niệm về sáng tác của Lê Bá Đảng cũng khác người. Ông từng chia sẻ: “Có người bảo tôi điên vì tôi chỉ thích vẽ. Vẽ ra hình hay không ra chi mà cứ vẽ, đến lúc không thấy hình mà cứ tự tin là có thật. Những lúc trời hiền, gió tốt, tôi vẽ cho những ai có con mắt bề trong, có tâm hồn hé mở, có môi cười duyên dáng, vẽ cho chị Hằng trên cung trăng, cho mưa cho gió, cho linh hồn lai vãng trên không. Rồi có khi vẽ không màu sắc không hình thức chi hết mà cứ tin là đẹp. Nhưng không vẽ để nịnh hót con mắt người du lịch, cho mấy thằng viết lách lăng nhăng, thấy hươu, nói vượn, liếm lót quan quyền. Rồi một hôm có người điên, khen tranh tôi đẹp rồi đòi mua tất cả những gì tôi đã vẽ, cho đến những cái không hình thức chi cả mà cũng cứ đòi mua cho được. Tôi lưỡng lự, nhưng rồi phải bán. Bán để vợ có áo lành, con có cơm ba bữa. Bán để tiếp tục vẽ. Vẽ vè ve”.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm