Tiếp viên hàng không hoàn toàn có thể mặc áo dài nam

19/11/2017 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dù chỉ là một gợi ý, nhưng ý kiến của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo đã nhận được nhiều lời tán thưởng trong cuộc tọa đàm có tên "Áo dài nam truyền thống và tính ứng dụng trong đời sống đương đại".

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày Di sản Việt Nam (23/11), cuộc tọa đàm được Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức vào chiều 18/11 với 3 diễn giả chính: nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức và nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo.

Nhà nhiếp ảnh từng đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2017 đưa ra gợi ý trên sau những phân tích về vai trò của tấm áo dài nam trong đời sống lịch sử Việt Nam. Theo phân tích của ông, cũng như của 2 diễn giả còn lại, tấm áo dài nam giới đã từng được sử dụng khá nhiều trong đời sống văn hóa Việt Nam, với những đường nét rất sáng tạo và tinh tế.

Chú thích ảnh
Trang phục áo dài nam, được nhóm Đình làng Việt giới thiệu
tại Trung tâm văn hóa phố cổ

Như lời nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo, cho đến giai đoạn cuối thế kỷ XIX, áo dài nam vẫn là trang phục phổ biến với một bộ phận tầng lớp trí thức, hoặc có địa vị trong xã hội. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của người Pháp, cộng cùng cuộc xung đột giữa văn hóa phương Tây và văn hóa bản địạ, tà áo dài này dần bị đẩy lùi bởi những bộ âu phục “tân thời” cho nam giới. Tiếp đó, vì sự thiếu thuận tiện trong đời sống công sở,cũng như vì lý do “gắn với phong kiến”, loại trang phục này ít được sử dụng ở miền Bắc giai đoạn sau 1954 và mai một dần…

Chú thích ảnh
Cả 3 diễn giả (từ trái qua) Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Hữu Bảo và Nguyễn Mạnh Đức đều tham dự tọa đàm với tấm áo dài nam cách điệu

Trong khi đó, tà áo dài nữ may mắn không rơi vào cảnh ngộ như vậy và được tiếp nối sáng tạo dần qua từng thời kỳ, để trở thành một trang phục dân tộc điển hình cho phái nữ như hiện nay. Còn, tà áo dài nam hiện đã được sử dụng lại trong một số năm qua, nhưng vẫn tạo cảm giác ngần ngại, xa lạ với một số đông…

“Với xã hội hiện đại, việc phổ cập áo dài nam trong đời sống hàng ngày có thể không phù hợp. Nhưng, sẽ rất ý nghĩa và hợp lý, nếu trang phục ấy xuất hiện trong những sự kiện đặc thù gắn với văn hóa Việt như lễ tết, giỗ tổ, hoạt động giao lưu văn hóa hay sử dụng cho các tiếp viên hàng không…” – nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo nói. “Tất nhiên, để làm được điều ấy, chúng ta cũng không nên dập khuôn, bắt áo dài nam phải giống hệt hình dáng cũ, mà cần có thêm những sáng tạo, cách điệu phù hợp.”

Không tôn vinh áo dài nam thì thật có lỗi!

Không tôn vinh áo dài nam thì thật có lỗi!

Mỗi chiếc áo dài nam đều có nguồn gốc, điển tích, lễ nghĩa… riêng, nếu không giữ được những giá trị lịch sử cho áo dài nam sẽ rất có lỗi - họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, thành viên ban tổ chức, chia sẻ.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm