'Thi' uống rượu: Nỗi buồn 'tửu vương'

22/08/2019 06:53 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày nay, dư luận đang dành khá nhiều lời chê cười cho cái gọi là cuộc thi hay cuộc tranh tài “Tửu vương chi bảo” diễn ra trong bữa tiệc của một doanh nghiệp. Cuộc thi “tửu vương” này (sau được giải thích là thi “uống bia nhanh”), nghe cũng hơi giống với mấy cuộc thi từng có trong phim kiếm hiệp cũ.

Sống chậm cuối tuần: 'Tiếng ồn' bia rượu

Sống chậm cuối tuần: 'Tiếng ồn' bia rượu

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia vừa được trình Quốc hội dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều, làm nóng cả nghị trường lẫn dư luận xã hội.

Theo giải thích của lãnh đạo doanh nghiệp, cuộc thi ấy mang tính chất tự phát và được một số người khởi xướng trong bữa tiệc. Nghĩa là do cao hứng bốc đồng, chứ không phải là... tổ chức có chuyên nghiệp (!).

Hiện sự việc vẫn đang được làm rõ. Nhưng dù thế nào, ở “cuộc thi” ấy, cũng như ở nhiều bữa tiệc khác ngoài đời, vẫn có một sự thật: nhiều người luôn tự hào về khả năng bia rượu của mình và coi đó là thước đo bản lĩnh.

Lần đầu tiên trong đời tôi uống rượu là Tết năm 1985, lúc mới 16 tuổi. Tôi và mấy đứa bạn đến chúc Tết một thầy giáo bộ môn mới về trường. Vì quý cái tình của học trò, thầy lấy chai rượu quốc lủi trên nóc tủ xuống và rót ra mấy chén gọi là thầy trò chúc mừng năm mới. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái cảm giác khi đưa chén rượu lên môi, mùi như mùi cồn, nhấp vào miệng thấy đắng và cái cay xộc lên mũi. Tôi nhắm mắt nhắm mũi nuốt vào bụng mặc dù thấy rất ngang, trong đầu thì nghĩ chả thấy “vị ngon” gì cả, sao mọi người lại thích thú nhỉ?

Chú thích ảnh
Đây là 2 cúp "Tửu vương chi bảo 2019" gây xôn xao dư luận về chuyện ăn nhậu của doanh nghiệp nhà nước - Ảnh: Bửu Đấu/Báo Tuổi trẻ

Rồi đến dịp Hè, khi bố tôi cho thử nhắm bia hơi kèm bánh đa, cảm giác của tôi vẫn vậy, vị đắng kèm theo mùi hơi khai khai của bia khiến cho tôi mất hết hứng thú với thứ đồ uống này. Đặc biệt hơi thở có mùi “hồng xiêm chín” của những người đã uống bia làm tôi ngán nhất.

Đó cũng là những trải nghiệm đầu tiên dẫn tới việc sau này tôi không hào hứng với chuyện rượu bia. Nhiều dịp có sự kiện quan trọng, tôi cũng chỉ lịch sự nhấp môi, cụng ly thôi, chứ với cơ địa của mình, chỉ một ly là tôi nằm ngủ cả ngày.

Chuyện ép nhau phải uống rượu, uống bia thì khi tôi đi làm mới bắt gặp. Câu nói “Trai vô tửu như kỳ vô phong” luôn được mọi người đưa ra làm lý do để ép nhau phải uống, không uống là thế này thế kia. Chính tôi cũng không ít lần bị đổ rượu lên đầu ướt như chuột vì mọi người gán cho cái tội không hết mình, khinh thường anh em. Nói thật, lúc đó tôi thấy rất khó chịu, cũng không hiểu tại sao mọi người lại ủng hộ những chuyện như thế trong những dịp gặp mặt, những bữa tiệc vui.

Đọc một số truyện ngắn xưa, thấy hay kể những người bạn tri kỷ cùng nhau hàn huyên bên cút rượu nhỏ, kèm theo đĩa lạc hay là một vài thứ đồ nhắm, nhiều bác lớn bảo với tôi rằng như thế mới đúng với câu “rượu ngon phải có bạn hiền”. Nhưng đấy là cùng nhau thưởng thức chứ không ai ép ai cả, đó cũng là một nét văn hóa xưa. Văn hóa rượu bia phải gắn với nét nhẹ nhàng lịch sự, không xô bồ. Cái gì cũng có giới hạn thì mới hay.

Còn nhớ thời kỳ làm việc ở Bình Dương, một vài người bạn ở miền Tây Nam Bộ hay kể cho tôi nghe tục lệ uống rượu ở vùng quê các anh khi có đám cưới. Theo đó, nhà gái bố trí người đứng xếp hàng ép chú rể phải uống hết rượu mời thì mới được vào rước dâu. Rồi những bữa nhậu với nhau, mọi người còn chơi trò xóc đầu gà. Cái đầu gà luộc đặt trên đĩa được úp bát xóc lên, khi mở ra hướng vào ai thì người đó phải uống hết chén của mình.

Ngoài Bắc thì có một số nơi, khi tiếp khách lần đầu luôn luôn ép nhau phải uống hết, uống xong rồi thì quay ra bắt tay. Ai không uống thì bị quây lại ép phải uống hết nếu không thì phạt, bị chê là thế này thế kia, thậm chí còn kích bác vào lòng tự trọng của người không uống.

Ngẫm lại từ khi đi làm đến nay, tôi cũng chưa thấy ai có tửu lượng cao được mọi người kính nể hay trọng vọng. Nó không phải là một thứ gì đó quý giá hay đáng tự hào. Chưa kể những người uống rượu bia nhiều còn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, thậm chí sau mỗi lần uống là lại phải lo lắng chuyện đi về, rồi có đủ tỉnh táo để hôm sau tiếp tục công việc.

Bia rượu chỉ hay khi nó được sử dụng vừa phải và có văn hóa. Ngược lại, nếu trở thành trò thách đố, thi thố về tửu lượng, đó lại là câu chuyện của sự kém văn hóa và thiếu văn minh mất rồi.

Trong cuộc sống hiện đại, có rất nhiều cách để cùng nhau chia sẻ niềm vui trong tiệc tùng - sao cứ phải chạy theo một thói quen lạc hậu và thiếu văn minh như thế?!

Xuân An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm