Thách thức với Cánh diều cũng là thực tế của thị trường phim ảnh

16/04/2018 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tối qua (15/4) giải Cánh diều 2017 đã diễn ra tại Hà Nội, chọn trao cho những phim nổi trội hơn của thị trường phim ảnh. Năm 2017 thật khó có phim nào đáp ứng trọn vẹn các tiêu chí: “có dấu ấn sáng tạo nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”.

Tiêu điểm và sức ảnh hưởng của Cánh diều 2017 vẫn là sự tranh giải của các phim chiếu rạp. Tuy hạng mục này có 13 phim của tư nhân sản xuất, nhưng do có 4 phim làm lại (remake), nên chỉ còn 9 phim có cơ hội tranh giải phim xuất sắc nhất.

Trong 9 phim này, nổi trội hơn về khía cạnh giải trí có Em chưa 18, Cô gái đến từ hôm qua, về khía cạnh nghệ thuật có Đảo của dân ngụ cư, về khía cạnh nhân văn có Dạ cổ hoài lang, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Cô Ba Sài Gòn. Các phim yếu hơn về nhiều mặt có Giấc mơ Mỹ, Mẹ chồng, Ở đây có nắng.

Cánh diều không tự no gió

Đây là giải thưởng nghề nghiệp thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam, nhưng hội thì ít trực tiếp làm phim nên thật khó đặt để dấu ấn và tiêu chí riêng vào đó. Năm 2014 có 17 phim, 2015 có 18 phim, 2016 có 19 phim, còn năm nay (2017) chỉ có 13/39 phim gửi về dự giải, đó là thực tế đời sống và sức hút của Cánh diều.

Tại cuộc họp báo khởi động giải, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam) nói rằng đa số không tự tin dự thi, vì họ nói mình sản xuất vì mục đích thương mại là chính. Nếu quá tách bạch thương mại với nghệ thuật thì chắc các năm tới sẽ còn nhiều phim chấp nhận rút lui ngay từ đầu. Đây cũng là một thực tế mà giải Cánh diều đang phải đối diện.

Chú thích ảnh
Nhã Phương nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh (phim “Yêu đi, đừng sợ!”)

Nếu mở rộng hơn tiêu chí nhận diện về nghề nghiệp, thì rõ ràng làm phim thương mại cũng có cái khó và công phu riêng của người làm nghề. Đành rằng làm cho có nghệ thuật là khó, là đáng trân quý hơn, nhưng làm cho ra dáng thương mại, có đông đảo người xem cũng không hề đơn giản.

Nếu quyết liệt đối chiếu theo tiêu chí Cánh diều thì trong 39 phim đã ra rạp năm 2017 khó có phim nào đáp ứng trọn vẹn. Những phim đáp ứng được một trong các tiêu chí đề ra cũng khó vượt quá con số 5. Như vậy là, phim chiếu rạp đang quá thiên về khía cạnh giải trí, thương mại, trong khi đó tiêu chí mà Cánh diều hướng đến lại là những phim theo chiều hướng khác.

Xét theo tiêu chí, đạo diễn Vũ Xuân Hưng (ban giám khảo) cho rằng tình trạng phim được cái này mất cái kia đang là phổ biến, không có phim hoàn chỉnh. “Trong số 3 ngày chấm thi thì có tới 2 ngày thảm họa” - đạo diễn Nhuệ Giang phát biểu tại buổi tọa đàm “Nhìn lại sáng tác điện ảnh, phim truyền hình năm 2017” do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức.

Sự vắng mặt của một số phim như Lôi Báo (đạo diễn: Victor Vũ), Khi con là nhà (đạo diễn: Vũ Ngọc Đãng), Lô tô (đạo diễn: Huỳnh Tuấn Anh)… cũng làm cho Cánh diều 2017 thiếu những chọn lựa phong phú.

Chú thích ảnh
Đại diện ê kíp "Cô Ba Sài Gòn" nhận giải Cánh diều vàng 2017 hạng mục phim điện ảnh

Ứng xử thế nào với phim làm lại?

Có 4 phim làm lại (remake) được tranh các giải cá nhân, điều này cũng chứng tỏ sự cập nhật và nới lỏng thể lệ của Cánh diều 2017. Trong đó có hai phim nổi trội hơn là Yêu đi, đừng sợ! Bạn gái tôi là sếp, hai phim yếu hơn là Sắc đẹp ngàn cân Ngày mai Mai cưới.

Trả lời vov.vn, đạo diễn Đào Bá Sơn (ban giám khảo) nói: “Không chấm phim làm lại vì sự sáng tạo gần như không có. Thậm chí nhiều phim làm lại bắt chước phim gốc đến cả góc quay, tạo hình nhân vật. Mặc dù khán giả có nhiều lựa chọn hơn, nhưng về mặt học thuật thì phim làm lại có thể ví như bản photocopy”.

Ý kiến của Đào Bá Sơn nghe có vẻ khắt khe, nhưng phản ánh khá đúng thực trạng của đa số phim làm lại trên thế giới. Gần như không có phim làm lại nào xuất phát từ mục đích nghệ thuật, mà chủ yếu là chỉ để bán vé.

Những phim giàu yếu tố sáng tạo và nghệ thuật thì thường mang nhiều dấu ấn riêng. Nếu có ai đó làm lại một phim nghệ thuật thì cũng làm theo hướng lấy cảm hứng, chứ không bê nguyên xi.

Thế nhưng, thực tế thì Việt Nam đang có nhiều phim làm lại vì mục đích bán vé, nên Cánh diều các mùa tới sẽ còn nhiều sự hiện diện của chúng. Mùa này có gần 1/3 là phim làm lại, lỡ như một mùa giải nào đó có hơn một nửa là phim làm lại, thì việc chấm giải chắc còn khó khăn hơn rất nhiều. Có lẽ đã đến lúc ban tổ chức Cánh diều cần tìm ra một tiêu chí linh hoạt và phù hợp hơn với phim làm lại.

Các giải thưởng hạng mục Phim truyện điện ảnh

- Cánh diều Vàng: Cô Ba Sài Gòn

- Cánh diều Bạc: Em chưa 18, Cô gái đến từ hôm qua

- Bằng khen: Dạ cổ hoài lang, Đảo của dân ngụ cư, Mẹ chồng

- Giải cá nhân:

1. Biên kịch xuất sắc: Kay Nguyễn & A Type Machine (phim Cô Ba Sài Gòn)

2. Đạo diễn xuất sắc: Lê Thanh Sơn (phim Em chưa 18)

3. Quay phim xuất sắc: NSND Lý Thái Dũng (phim Đảo của dân ngụ cư)

4. Họa sĩ thiết kế xuất sắc: Trịnh Thiên Thanh (phim Yêu đi, đừng sợ!)

5. Âm nhạc xuất sắc: Đức Trí (phim Dạ cổ hoài lang)

6. Âm thanh xuất sắc: Võ Trung Nhân & Nguyễn Trọng Thanh (phim Ngày mai Mai cưới)

7. Nam diễn viên chính xuất sắc: Kiều Minh Tuấn (phim Em chưa 18)

8. Nữ diễn viên chính xuất sắc: Nhã Phương (phim Yêu đi, đừng sợ!)

9. Nam diễn viên phụ xuất sắc: Nhan Phúc Vinh (phim Đảo của dân ngụ cư)

10. Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Midu (phim Mẹ chồng)

11. Diễn viên triển vọng: Hà My (vai Tiểu Ly, phim Cô gái đến từ hôm qua)

Cánh diều 2017: Cô Ba Sài Gòn đoạt Cánh diều vàng; Nhã Phương nghẹn ngào khóc khi nhận giải

Cánh diều 2017: Cô Ba Sài Gòn đoạt Cánh diều vàng; Nhã Phương nghẹn ngào khóc khi nhận giải

Nữ diễn viên không giấu nổi xúc động khi lên nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho vai Phương phim Yêu đi đừng sợ tại Cánh diều 2017 lễ trao giải Cánh diều 2017. Cô Ba Sài Gòn đã vượt qua hai đề cử Em chưa 18 và Cô gái đến từ hôm qua giành giải Cánh diều vàng 2017 hạng mục phim điện ảnh.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm