Tết này

07/02/2014 08:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trước Tết kéo dài hàng tháng, rét chồng rét. Không ai nghĩ năm nay được mùa đào, đào nở đúng dịp.

Đúng mùng 1 Tết trời nắng trong như đầu mùa Hè, ra đường không phải bù xù áo đơn áo kép, đàn ông bộ complet là đủ. Phụ nữ có thể áo dài thêm cái áo len khoác là vừa đẹp. Thời tiết năm nay quả là đẹp hiếm gặp, dù thiếu một chút mưa bụi làm duyên.

Nhìn trên thị trường thì giáp Tết, thực phẩm thịt thà giá không cao quá, rau cỏ thì bất ngờ giá rẻ chưa từng thấy. Cứ như người dân ai cũng có vườn rau trồng lấy, không cần tới chợ. Mùng 6 Tết, cây lơ xanh gần một kí giá chỉ mười ngàn đồng, cân cà chua bột loại ngon nhất giá rao mười ngàn, có người chỉ mua bảy ngàn. Ba củ su hào chừng cân rưỡi giá có năm ngàn mà còn mua hớ. Nếu theo chỉ số thống kê thì đó là thành tích kinh tế tuyệt vời…

Nói ra thì thấy nhiều người chậc lưỡi: tại năm nay kinh tế sa sút. Hình như trong đầu dân ta có thói quen đơn giản hay tìm chỗ để đổ thừa, chứ củ su hào, quả cà chua là thức ăn tối thiểu hằng ngày cơ mà. Cái tối thiểu ấy mà không cần sao được.

Có bao giờ cây quất thế cao lút đầu người đủ tứ quí mà có hai trăm ba trăm ngàn bán không chạy. Người trồng quất méo mặt. Vì cây cỡ ấy mọi năm phải triệu đến hai triệu, có bán tống thì cũng dăm trăm. Năm nay ai bán đào quất sớm thì còn được, để giáp Tết đều mất giá. Mà vào vườn chọn trước lấy trước từ 23 Tết thì chỉ những nhà khá giả. Lúc ấy quất vài triệu, đào thế thuê 10-15 triệu/ gốc như mọi năm là chuyện thường.

Đáng thương cho đào núi đưa về chợ hoa. Năm nay đào cành sơn cước đẹp từ cành đến hoa. Vậy mà khách mua cứ lơ lửng con cá vàng đứng ngắm nghía rồi đi. Chiều ba mươi còn cả đống cành đào núi lấp kín một số đoạn hè đường Lạc Long Quân để đêm 30 khổ cho xe môi trường, công nhân dọn ốm!

Chú em tôi, mỗi năm trong ngày Tết, trên bàn phải có bát thủy tiên. Chiếc chum sành to vật vã góc nhà được ngậm gốc đào to bằng bắp chân, cắm đào vào rồi vẫn phải có dây néo cành vào cầu thang cho vững vì cành đào vươn ra phủ kín phòng khách. Vậy mà năm nay bàn không hoa, chum sành ngơ ngác. Hỏi thì chú bảo là năm chẳng có tí lộc lá nào. Có cũng không vui. Rốt cuộc Tết chay luôn!

Nhưng, có một nơi lại đông đúc lạ thường. Đó là một số khu vực chùa chiền. Ở Hà Nội từ sáng mùng 1 đến chiều, chùa Kim Liên, chùa Trấn Quốc khách đến lễ Phật đông nườm nượp...

Những đồng tiền lẻ từ một đến mười nghìn được khách đi chùa nhét vội vào hòm công đức hoặc gài lên cánh tay Phật sau khi xuỵt xoạt khấn vái xin Đức Phật chở che. Đi chùa có khi là mốt, có khi là tâm thái có gì bất an nên tìm cửa Phật thổ lộ để tìm kiếm an bình chăng…

Cũng chỉ là đoán mò thôi.

Chiều mùng 6 Tết… theo thông lệ dân gian, tôi làm mâm cúng hóa vàng, tiễn tổ tiên. Đêm trời lây phây mưa, con gái bảo: lập Xuân có mưa là tốt quá bố ạ. Tôi loay hoay mang lịch của Công ty Vạn Xuân ra xem, thì ra năm nay lập Xuân vào mùng 4. Đúng là sau lập Xuân có mưa là thời tiết thuận hòa. Tờ lịch của công ty này đáp ứng đủ yêu cầu của mọi người, từ các ngày lễ, ngày kỉ niệm trong năm đến du lịch, thêm vào ngày tốt xấu, giờ hoàng đạo để cho cân nhắc đi đứng chọn ngày chọn giờ. Ngày 17 tháng 2 ghi chú rõ là ngày Biển quốc tế nhưng lại quên ghi ngày chống quân bành trướng là sự kiện cần ghi nhớ hơn…

Một năm đã qua, lại chờ một Tết mới. Năm nay thiên thời được, còn địa lợi, nhân hòa chúng ta cùng chờ xem. Những án đại án sẽ tiếp tục xử trong năm Giáp Ngọ này có là một bước xoay chuyển cách kinh tế đất nước bằng tấn công vào sào huyệt tham nhũng hay không chúng ta còn phải chờ…

Những hy vọng về một sự thay đổi trong năm Giáp Ngọ còn đầy những thách thức gian nan…

Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm