Tản mạn về kịch Sài Gòn

03/07/2012 13:47 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Bên cạnh niềm vui thấy sân khấu xã hội hóa là địa chỉ văn hóa tin cậy của khán giả Sài Gòn, tôi chợt buồn khi nghĩ về Thành Lộc, Ái Như, Lê Văn Định, Võ Trọng Nam… Năm rồi, Thành Lộc không làm đơn nên vẫn chỉ là NSƯT; Ái Như, Võ Trọng Nam và Lê Văn Định vẫn là những đạo diễn, họa sĩ tài năng không danh hiệu…

Sài Gòn đang là mùa mưa. Mỗi chiều một trận mưa. Xối xả. Quyết liệt như muốn dằn hắt và xua đi cái nóng thiêu đốt thành phố suốt một ngày. Là người từng bươn chải trên khắp mọi miền đất nước, tôi luôn có ấn tượng với những trận mưa đá ở Điện Biên, mưa mù trời ở đất mũi Cà Mau hoặc trên dàn khoan Bạch Hổ, bởi nó có mối quan hệ mật thiết với cái nghề của những nghệ sĩ biểu diễn.

Nhưng thật lạ kỳ, bất chấp trời mưa, người Sài Gòn vẫn hăm hở đến rạp. Cả ba lần tôi đến sân khấu kịch IDECAF ở số 7 Trần Cao Vân để xem kịch đều trong những buổi chiều mưa. Mới đây nhất khi xem Tình yêu nổi loạn ở kịch Thế giới trẻ và Nửa đời ngơ ngác ở kịch Hoàng Thái Thanh cũng trong một những buổi tối trời mưa. Sân kín xe máy của khán giả, rạp không còn một chỗ trống. Khán giả reo hò hưởng ứng trước một lời nói hay, một diễn xuất gây ấn tượng như đi xem đá bóng và vỗ tay ào ào khi Ái Như, Thành Lộc, Thành Hội, Hồng Vân… xuất hiện.



Poster kịch Làm…

1. Cách đây một năm, khi so sánh “sức xem” của khán giả Hà Nội và Sài Gòn, tôi có ý kiến trên báo Người lao động TP.HCM về việc sân khấu kịch miền Bắc sẵn nong sẵn né mà không hát được, còn sân khấu xã hội hóa phía Nam phải đi thuê mướn các nhà văn hóa quận rồi bỏ tiền ra cải tạo để làm chỗ hát mà vẫn không phục vụ hết người hâm mộ. Tôi không đồng ý với việc lý giải rằng, sự thờ ơ của khán giả Hà Nội vì sân khấu không nằm trong sự lựa chọn giải trí thường xuyên của họ, rằng người Hà Nội ưa suy tưởng nên chọn giải pháp nằm nhà, đắm chìm trong cõi lặng để đối thoại với tư duy và khẳng định mình nên không đến rạp, còn người Sài Gòn thích tụ tập, thích tranh luận để tìm ra mình giữa sự ồn ã của đám đông nên thích đi xem hát.

Tôi nhận thấy, trong khi ý thức kinh doanh nghệ thuật của các đơn vị xã hội hóa tại Sài Gòn được ông, bà bầu vốn là những nghệ sĩ nổi tiếng nhưng có đầu óc kinh doanh hoạch định rất rõ ràng. Các tác phẩm hướng ra thị trường của họ trước khi xây dựng được điều tra, nghiên cứu, tiếp thu “gu” của khán giả, rút kinh nghiệm từ kết quả của những tác phẩm trước để “cung” giải quyết thỏa đáng “cầu” của khán giả. Ví dụ, khi cảm thấy hài kịch không còn hấp dẫn, họ đã xây dựng những vở tâm lý xã hội, kinh dị - hài, tạo ra đời sống vững bền cho tác phẩm thì ngược lại, mặc dù không thiếu những nghệ sĩ tài năng tâm huyết với nghề, đã xây dựng được nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, thẩm mỹ mang hơi thở của thời đại, bám sát mục tiêu chính trị, nhưng, từ khi đất nước đổi mới, sân khấu Hà Nội lại chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả qua việc các tác phẩm làm ra diễn không có khách vì mang nặng tính giáo huấn mà thiếu tính giải trí, chưa nói được tiếng lòng của khán giả.

2. Thật buồn khi vở diễn bị ế khách. Bao nhiêu sức lực và tâm huyết của nghệ sĩ bị khán giả thờ ơ khiến bao tài năng bị thui chột vì không có người hâm mộ.

Tuy nhiên, đừng vội trách khán giả vô tâm, quay lưng lại sân khấu mà hãy tự vấn xem tác phẩm của mình làm ra đã hấp dẫn họ chưa hay chỉ là món hàng lỗi mốt, tồn kho bán hạ giá mà chẳng ai mua.   

Nhớ một thời kịch Bắc làm mưa làm gió ở Sài Gòn khiến đoàn kịch Cửu Long Giang và đoàn Kim Cương đành thúc thủ. Những gương mặt Trần Kiếm, Trần Vân, Minh Trang, Hoàng Dũng, Hoàng Cúc, Minh Hòa, Tiến Đạt, Trọng Khôi, Anh Dũng, Lê Khanh, Đức Hải, Anh Tú, Ngọc Huyền… là thần tượng của nghệ sĩ và khán giả Sài Gòn trong “một thuở yêu người”. Giờ các đoàn kịch Bắc gian nan khi diễn ở Sài Gòn, ngượng nghịu trước mặt các “đại gia” sân khấu Kịch 5B, IDECAF, Phú Nhuận, Phước Sang, Nụ cười mới và Hoàng Thái Thanh.

Tôi đã chứng kiến các ông bà bầu và các diễn viên ngôi sao và các nhân viên hậu đài đều dùng bữa bằng một hộp cơm như nhau, không hề có sự phân biệt. Bà bầu kiêm đạo diễn Hồng Vân ngồi bên cạnh đủ thứ túi, vừa dỗ con vừa ăn ngô luộc vừa dàn dựng kịch. Phải chăng chính những con người đó đang giữ lửa cho sân khấu Sài Gòn và thôi thúc khán giả bỏ tiền mua vé vào rạp?

(TP.HCM, 1/7/2012 - một ngày mưa)

Nhà viết kịch Chu Thơm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm