Tầm vóc của Bùi Công Duy

20/03/2018 10:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nghệ sĩ vĩ cầm hàng đầu Việt Nam là Bùi Công Duy vừa trở lại với khán giả TP.HCM trong một chương trình tối 18/3/2018. Tất nhiên, anh luôn là cái tên được đón chờ.

Và, người ta đặt câu hỏi: Việt Nam có bao nhiêu ngón đàn tầm cỡ Bùi Công Duy? Nếu tài năng đẳng cấp nào cũng ra nước ngoài lập nghiệp, thì thế hệ tài năng trẻ tại nội địa sẽ càng chịu nhiều thiệt thòi hơn.

Đứng cạnh những gương mặt xứng tầm

Lần này, Bùi Công Duy trình diễn cùng dàn nhạc bản concerto cho violin số 1 cung sol thứ của nhà soạn nhạc Max Bruch. Đây là tác phẩm mang đậm vẻ đẹp trữ tình bay bổng, được yêu mến nhất trong ba bản cùng thể loại của Max Bruch. Tác phẩm đã làm rạng danh tên tuổi của Max Bruch khắp châu Âu.

Âm nhạc của Max Bruch thú vị bởi tính chất mơ mộng, du dương và quyến rũ; vui tươi, đầy màu sắc và tình cảm. Nhưng cũng có cả sự điềm đạm, trầm tĩnh, khúc chiết và đầy suy tư, chiêm nghiệm. Qua đôi tay tài hoa của Bùi Công Duy, thứ âm nhạc có phần xa lạ với người Việt đã vang lên đầy tình cảm, gần gũi và quyến rũ.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Bùi Công Duy

Đồng hành cùng Bùi Công Duy là nghệ sĩ khách mời nổi tiếng đến từ Nga, nghệ sĩ Dmitry Feygin, trình diễn concerto số 1 của Camille Saint-Saëns cho trung hồ cầm (cello). Thành công cả trong lĩnh vực biểu diễn và giáo dục, Dmitry Feygin hiện là nghệ sĩ uy tín bậc nhất tại Nga và Nhật Bản. Âm nhạc lãng mạn thế kỷ 19 với sự bứt phá mạnh mẽ về ngôn ngữ và phong cách đã được Camille Saint-Saëns khai thác xuất sắc cho trung hồ cầm.

Hồi cuối năm ngoái 2017, trong Giai điệu mùa Thu, Bùi Công Duy cũng đứng chung sân khấu với các nghệ sĩ vĩ cầm thành danh, mang đến cho khán thính giả đêm nhạc “tám mùa” lộng lẫy.

Vị thế người ở lại

Đã hơn 20 năm kể từ khi Bùi Công Duy mang vinh quang về cho Việt Nam, với giải Nhất và Huy chương vàng tại cuộc thi Tchaikovsky dành cho nghệ sĩ trẻ năm 1997. Sau giải thưởng gây chấn động này, Bùi Công Duy đã nhanh chóng có được sự nghiệp biểu diễn quốc tế đầy uy tín.

Được giới phê bình đánh giá cao về phong cách biểu diễn thanh thoát mà vẫn say đắm, mạnh mẽ, đầy kịch tính. Anh đã tham gia biểu diễn khắp các quốc gia như Italy, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Macedonia, Ba Lan, Anh, Croatia, Nga, Đan Mạch, Na Uy, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, cùng với những dàn nhạc danh tiếng.

Chú thích ảnh
Bùi Công Duy và dàn nhạc.

Với vô số giải thưởng ở nhiều cuộc thi trên thế giới, Bùi Công Duy nhanh chóng phát triển sự nghiệp của mình như một nghệ sĩ quốc tế, đồng thời là một nhà sư phạm âm nhạc đẳng cấp. Anh trở thành giám khảo của nhiều cuộc thi vĩ cầm quốc tế. Nghĩa là cơ hội làm việc ở nước ngoài không thiếu, nhưng vì sao anh trở lại Việt Nam?

Hỏi anh có ân hận về quyết định này? Bùi Công Duy trả lời: “Với vai trò thường xuyên đưa các tài năng trẻ Việt Nam đi thi quốc tế; đào tạo thế hệ tài năng tương lai, tôi không ân hận vì đã quyết định trở về. Nếu những người như tôi không về, không chấp nhận thiệt thòi, thì thế hệ tài năng tương lai của Việt Nam còn thiệt thòi nhiều hơn nữa”.

Thực tế đã cho thấy lời của Bùi Công Duy là đúng. Những nghệ sĩ tài năng như Stéphane Trần Ngọc, Nguyễn Hữu Nguyên và Nguyễn Hữu Khôi Nam, Trần Hữu Quốc, Vũ Việt Chương… đã phải ra nước ngoài để tạo dựng sự nghiệp. Nhiều nghệ sĩ từng tốt nghiệp những học viện âm nhạc danh giá trên thế giới nhưng khi về nước thì quá ít đất diễn.

Ở Hà Nội, dàn nhạc của Nhạc viện Hà Nội hầu như không hoạt động, dàn nhạc của Nhà hát Vũ kịch Việt Nam thì còn khá yếu, chỉ có Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam là hoạt động mạnh mẽ nhất, nhưng cũng luôn trong cảnh phải đi thuê địa điểm biểu diễn. Ở TP.HCM, chỉ có Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch là hoạt động thường xuyên, nhưng cũng vào cảnh nhà hát “không nhà”. Nghĩa là đất diễn và đất sống của nhạc hàn lâm vừa ít vừa hẹp.

Hơn nữa, tài năng, sự tinh tế trong nghệ thuật hàn lâm dường như vẫn khó có chỗ đứng trong lòng số đông khán giả, nơi cần nhu cầu giải trí nhiều hơn. Trong bối cảnh như vậy, việc chọn trở về của Bùi Công Duy cho thấy sự dũng cảm và hy sinh.

Hiện tiến sĩ - NSƯT Bùi Công Duy là Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, phụ trách hoạt động biểu diễn; đồng thời là Giám đốc nghệ thuật của Vietnam Classical Players và là Giám đốc điều hành của Vietnam Connection Music Festival từ năm 2015.
NSƯT Bùi Công Duy mang 'Hòa nhạc Hạnh phúc' đến TP HCM

NSƯT Bùi Công Duy mang 'Hòa nhạc Hạnh phúc' đến TP HCM

'Happiness Concert' (Hòa nhạc hạnh phúc) - chương trình hòa nhạc hỗ trợ phát triển các giá trị văn hoá nghệ thuật cộng đồng sẽ diễn ra tại hai thành phố lớn Hà Nội (ngày 11/1/2017) và TP HCM (ngày 1501/2017).

Thái Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm