Tâm thức Hà Nội ngưng đọng nơi mặt hồ

11/10/2014 06:50 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Còn hồ, còn những “màn sương” truyền thuyết huyền thoại, còn những di tích ẩn chứa bao thông điệp quá khứ, còn những lễ hội, nghi lễ dân gian được thực hành tiếp nối từ cha ông. Hồ mất dần, những tiếng vọng ngàn xưa khép lại, chúng ta chỉ còn những câu chuyện cơm áo gạo tiền quanh những quán cà phê, trong nồi lẩu... Tâm thức Hà Nội sâu lắng kết tinh cả ngàn năm cũng vì thế mà không còn như xưa...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến, chủ nhân hạng mục Tác phẩm của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2012, tỏ ra lo lắng trước sự thu hẹp, biến mất của sông hồ Hà Nội. “Khi người Pháp chiếm Hà Nội, sông hồ mất dần để làm các công trình công cộng phục vụ cho việc ổn định công cụ khai thác thuộc địa. Sau khi thủ đô được giải phóng năm 1954 tới nay, dân số thành phố tăng vọt. Điều này gây sức ép tới giao thông, xây dựng. Nhiều hồ đã bị lấp đi để phục vụ nhu cầu phát triển.

Như người ta vẫn nói, mảnh đất nào sẽ sinh ra những con người như thế, những kiểu cách văn hóa như thế. Sông hồ mất, văn hóa sông hồ cũng bị biến dạng. Cách ứng xử giữa người với người ở Hà Nội cũng không còn hòa quyện, thanh thản như xưa. Những xung đột cuộc sống cũng không còn được hòa hoãn bởi không gian thư thái của hồ” - ông Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ.

Cũng theo nhà nghiên cứu, sông hồ bị san lấp để thay thế bằng những tòa nhà chọc trời có thể coi là sản phẩm của lịch sử. Chúng ta hiện không thể thay đổi nhưng cần nhìn nhận để giữ cho được những hồ còn lại, không để người dân san lấp, không phá vỡ không gian hồ bằng kiểu thức kiến trúc không phù hợp. Nhưng theo ông, phải để người dân hòa mình vào cảnh quan hồ, con người thành phố mới có được tinh thần khỏe khoắn, khoáng đạt.

“Và nữa, như tôi đã nói, hồ ở Hà Nội đều được bao phủ bởi một màn sương huyền thoại, truyền thuyết dân gian dày đặc. Khi con người có chung những niềm tin, những ước vọng, giá trị sống, con người mới thực sự gắn kết, đồng lòng” - ông nói thêm - “Tính chất văn hóa vùng Đông Á khác với Đông Nam Á. Những người phía Nam vẫn muốn tìm những điểm tựa thiêng để kết nối. Tôi rất đồng cảm với câu nói của cố GS Trần Quốc Vượng. Đó là: “Không chỉ có tâm thức Việt Nam mà còn có cả tâm thức Hà Nội”. Một tâm thức chung, mang tính phổ quát, đặc trưng”.

“Lễ hội đua thuyền trên sông Tô Lịch nức tiếng kinh kỳ xưa nay trở thành một câu chuyện tiếu lâm của người hiện đại. Và đó là nỗi đau của những người nghiên cứu về Hà Nội.

Tuy nhiên, ta cũng không nên quá bi quan rằng sông hồ mất thì mọi lễ hội cũng biến mất hoàn toàn. Vì việc lấp cái hồ cụ thể rất nhanh và dễ, song “lấp” mặt hồ trong tâm thức cộng đồng không đơn giản” - ông Nguyễn Ngọc Tiến thẳng thắn.

Chia sẻ quan điểm khi nhiều hồ nhân tạo xuất hiện ở một số công viên ở Hà Nội, ông Tiến cho rằng: “Tôi nghĩ đây là tín hiện tích cực và nên ủng hộ, khuyến khích mở rộng mặt nước ở thủ đô.

Đầu tiên về kiến trúc đô thị, có thêm hồ là thêm khoảng không sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thủ đô. Hơn thế, lịch sử là quá trình bồi đắp những câu chuyện. Những cái hồ mới xây đó không có thông điệp từ quá khứ, nhưng tôi tin nó sẽ có thông điệp của thế hệ này tới tương lai.

Mỹ Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm