Tác giả Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh Lâm Quang Nới: Có duyên với tượng đài lãnh tụ

20/05/2015 06:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh phía trước UBND TP.HCM vừa khánh thành vào ngày 17/5 thay cho tượng Bác của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu tồn tại hàng chục năm nay. Tượng đài vừa khánh thành do nhà điêu khắc Lâm Quang Nới sáng tác trong một cuộc thi do TP. HCM tổ chức.

Năm 2010, khi TP.HCM tổ chức cuộc thi sáng tác mỹ thuật nhằm tìm kiếm món quà ý nghĩa tặng Thủ đô trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tác phẩm tượng đài “Bác Hồ - Bác Tôn” của Lâm Quang Nới cũng được chọn. Có thể nói nhà điêu khắc Lâm Quang Nới rất có duyên với các tượng đài, nhất là tượng đài lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Được tín nhiệm nhờ tay nghề

Điêu khắc gia LâmQuang Nới có nhiều tượng đài lớn được khánh thành, như: Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn, món quà do Đảng bộ và Nhân dân TP.HCM tặng Thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; tượng đài Bất khuất đặt trong khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng TP.HCM và tượng đài Dầu khí đặt tại TP. Vũng Tàu… Đến nay, ông đã có khoảng hơn 40 tượng đài đặt khắp các tỉnh thành trên cả nước. Câu chuyện về nghệ sĩ điêu khắc LâmQuang Nới không chỉ dừng lại ở những con số.


Các cháu thiếu nhi trong chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Lễ khánh thành. Ảnh: Trí Dũng –TTXVN

Ở nước ta, gần như tỉnh thành hay các di tích lịch sử cách mạng, nghĩa trang liệt sĩ lớn nào cũng đều có tượng đài. Thế nhưng, những nhà điêu khắc có số lượng tác phẩm được dựng thành những công trình bề thế chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong số những nhà điêu khắc có nhiều tượng đài đã được dựng như: Tạ Quang Bạo, Nguyễn Phú Cường, Phan Gia Hương, Nguyễn Xuân Tiên, Nguyễn Hải…, không thể không nói đến LâmQuang Nới, mà những tác phẩm của ông đều thể hiện đầy đủ để thấy uy tín và tay nghề của tác giả.

Hầu hết các tác phẩm của LâmQuang Nới đều trải qua các cuộc thi để được xây dựng ở những vị trí trang trọng. Chẳng hạn như Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn, LâmQuang Nới khăn gói ứng thí “sòng phẳng” với hàng chục nhà điêu khắc khác. Ban giám khảo đã thẩm định chất lượng nghệ thuật của từng tác phẩm và việc LâmQuang Nới thắng giải trong cuộc thi này cùng với hàng chục cuộc thi trước đó càng khẳng định ông làm tượng rất hiệu quả.

Hiểu lịch sử nhờ làm bảo tàng

Họa sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, nhận xét về tượng đài Bác Hồ của Lâm Quang Nới vừa khánh thành: “Tượng đài này có thể nói là đẹp nhất so với các tượng đài về Bác hiện có trên toàn quốc. Một hội đồng Quốc gia đã thẩm định và góp ý thêm cho tác giả Lâm Quang Nới chỉnh sửa trước khi thi công. Từ từng nét nhỏ trên gương mặt tượng đài Bác cũng được chăm chút để thể hiện được thần thái và tình cảm của Bác. Chưa kể, không gian đặt tượng Bác lần này có sự phối hợp giữa mỹ thuật và kiến trúc nên mọi vật xung quanh hài hòa hơn so với tượng cũ”.


Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới

Nhà điêu khắc LâmQuang Nới sinh năm 1950 tại Nam Định, nguyên là bộ đội pháo binh miền Đông Nam Bộ, năm 1975 xuất ngũ về học mỹ thuật đến năm 1982 ra trường. Tuy là tác giả nhiều tượng đài nổi tiếng, nhưng ít người biết LâmQuang Nới tốt nghiệp khoa Tranh lụa của ĐH Mỹ Thuật TP.HCM. Thật ra, LâmQuang Nới đến với điêu khắc từ năm 13 tuổi do yêu thích tượng trong các nhà thờ vùng Bùi Chu - Phát Diệm quê hương của ông. Sau này đi bộ đội, ông vẫn rèn “tay nghề” thường xuyên bằng cách lấy đất trong các ụ mối để làm tượng chiến sĩ giải phóng quân.

Sau 6 năm ròng học tập ở trường mỹ thuật, LâmQuang Nới về Bảo tàng Cách mạng TP.HCM. Ở đây ông làm công tác nghiên cứu trưng bày nên có thể nói ông thuộc nằm lòng các sự kiện lịch sử và tiếp xúc với nhiều nhân chứng. Sau này ông về Bảo tàng Phụ nữ rồi Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM - một cơ hội tốt để có chất liệu sáng tác tượng đài sau này. Lâm Quang Nới nói vui: “Nhờ tôi sống trong các bảo tàng nên hiểu được nhiều hơn về lịch sử và giúp ích khi làm nghề, nhất là làm điêu khắc tượng đài danh nhân”.

Tượng đài “Bác Hồ và thiếu nhi” do nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, từng ngự trị ở vị trí tượng Bác Hồ vừa khánh thành, hiện được bố trí lại ở Nhà văn hóa Thiếu nhi TP.HCM. Khuôn viên Nhà văn hóa Thiếu nhi TP.HCM hiện đang được cải tạo để đón tiếp tượng đài này. Theo nhiều nhà điêu khắc và kiến trúc sư, không gian Nhà văn hóa thiếu nhi TP.HCM rất phù hợp với tượng đài “Bác Hồ và thiếu nhi”.

Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm