Tác giả Nuage Rose (Hồng Vân): Từ 'Ba áng mây...' đến thời bao cấp Hà Nội

25/05/2017 07:24 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nữ tác giả người Pháp gốc Việt Nuage Rose (Hồng Vân) vừa trở về Việt Nam nhân dịp Ba áng mây trôi dạt xứ bèo ra mắt. Mang dáng dấp tự truyện, cuốn sách gắn với nơi chôn nhau cắt rốn của chị: Hà Nội.

"Hà Nội với tôi thời nào cũng đẹp. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đó là thành phố của tôi" – Hồng Vân bắt đầu cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) – "Kể cả hôm nay, nếu chịu khó gạt bỏ những ô nhiễm, tiếng ồn để nhìn Hà Nội với con mắt sâu sắc hơn, ta thấy Hà Nội vẫn đẹp".

Chị cho biết thêm:

- Với tôi, Hà Nội là thành phố duy nhất vẫn còn giữ được cái hồn, cái chất riêng mà mỗi người một khi đã ghé thăm đều có được những kỉ niệm. Dù cho việc phát triển, xây dựng có thể làm thay đổi bộ mặt của Hà Nội, nhưng theo tôi, Hà Nội vẫn còn đó vẻ đẹp nguyên bản, khó có thể thấy ở những thủ đô phát triển khác trên thế giới.

Chú thích ảnh
Nữ tác giả Hồng Vân tại Hà Nội

Những ngày trở về, ban ngày tôi sống với Hà Nội hiện đại. Nhưng đến đêm xuống, tôi lại trở về với một Hà Nội của quá khứ yên ả, không có âm thanh gì khác ngoài tiếng ve sầu, của mùi hoa sữa nguyên sơ không pha tạp, của những buổi tối dạo phố với bạn bè dưới ánh trăng sao. Tất cả vẫn còn trong tôi nguyên vẹn, mà chỉ chờ đến thời điểm về đây là trỗi dậy".

* Hình ảnh nào của Hà Nội trước đây mà chị nhớ nhất?

- Hà Nội trước đây rất tĩnh lặng. Và Hà Nội trong quá khứ đã phải chịu đựng quá nhiều. Trước là thực dân Pháp, rồi đến Nhật. Chúng ta bị kìm kẹp, cấm đoán nhiều thứ rất phi lí. Người Việt Nam mà sáng thứ Hai đầu tuần lại phải chào cờ Pháp, hay có những nơi trên chính đất Hà Nội mà lại cấm người Việt Nam vào. Người dân thời ấy khắc khổ. Nhưng trong sự khắc khổ ấy là vẻ đẹp của sự nhẫn chịu rất kiên cường.

Thế nên, tôi cũng như bao người Hà Nội khác sẽ luôn nhớ tới hình ảnh là cờ Việt Nam được kéo lên thay thế cho cờ Pháp trong ngày độc lập. Tôi vẫn xúc động, dù là khi kể câu chuyện ấy cho bạn bè.

Chú thích ảnh
Cuốn “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo”

  * Các con của chị có "kế thừa" tình yêu Hà Nội của chị không?

- Những nét văn hóa, lề thói cũ của Hà Nội vẫn còn, nhưng lại co cụm theo từng nhóm, theo từng gia đình. Tôi đang cố gắng lưu giữ những nét đẹp ấy và truyền lại cho con cháu mình. Nhưng tất nhiên là truyền một cách tự nhiên, để con cháu tiếp thu dần dần và thoải mái nhất.

Tôi muốn con mình luôn hướng về tương lai nhưng không được bỏ quên quá khứ. Việc các con tôi chọn quay trở về Việt Nam sống, tôi nghĩ là do tôi đã truyền cho các con, không phải bằng cách trực tiếp, qua giáo dục mà chính cảm hứng từ tình yêu Việt Nam của tôi. Tôi dạy con nói tiếng Việt, dẫn con đến những nơi chứa đầy kí ức của tôi, kể những câu chuyện khi tôi sống ở Việt Nam. Và chúng yêu Việt Nam một cách tự nhiên như vậy đấy.

* Chị sẽ viết tiếp về Hà Nội chứ?

- Cuốn sách thứ 2 của tôi vẫn tiếp tục về Hà Nội, đã hoàn thành xong bản tiếng Pháp. Tôi rất mong cuốn sách này có thể được dịch ra tiếng Việt.

Ở cuốn sách này, tôi viết về những năm tháng “đóng cửa” của Hà Nội, hay người ta vẫn gọi là thời bao cấp. Trong đó tôi có đặt ra một câu hỏi mà mình nhận thấy: Tại sao khi cuộc sống khó khăn, khi nghèo khổ tưởng như “không có gì để mất” tình đoàn kết của chúng ta lại lớn đến như vậy - để rồi khi cuộc sống phát triển, dường như chúng ta lại “xa cách” nhau hơn?

Những gì tôi viết ra trong các cuốn sách, cả cuốn Ba áng mây trôi dạt xứ bèo trước đây đều dựa trên những gì thuộc về tôi, cảm nhận và kí ức của cá nhân tôi. Do đó tôi rất bất ngờ và đặc biệt hạnh phúc khi nhiều độc giả chia sẻ với tôi rằng họ có thể tìm thấy một khúc của đời mình qua các câu chuyện của tôi, dù cho tôi chỉ đang tự sự về chính mình.

* Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện.

Ba áng mây... vào trường quốc tế Pháp

Tác giả Nuage Rose (tên thật là Bùi Thị Hồng Vân) sinh năm 1960 tại Hà Nội. Tốt nghiệp thạc sỹ Pháp ngữ, chị sang định cư tại Pháp và đã trải qua nhiều công việc, trong đó có vị trí  như Tùy viên kinh tế thương mại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; Tổng Thư ký văn phòng ASEAN của Đại sứ quán Pháp tại Singapore.

Cuốn Ba áng mây trôi dạt xứ bèo của Hồng Vân được Hội Nhà văn Pháp trao giải Tác phẩm được yêu thích nhất (2013) và được  Trường quốc tế Pháp tại Việt Nam đưa vào chương trình giảng dạy (lớp 11 và 12, tại trường Marguerite Duras, TP HCM; lớp 9 và 10, tại trường Alexandre Yersin, Hà Nội).

Hà My (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm