Tác giả 'Hạt cơ bản' Michel Houellebecq: 'Tiên đoán' về một nước Pháp Hồi giáo

11/01/2015 10:13 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Trang bìa tờ Charlie Hebdo ngày bị tấn công (7/1) có in tranh biếm họa nhà văn Michel Houellebecq, tác giả cuốn tiểu thuyết viễn tưởng mới ra mắt, nói về nước Pháp nằm dưới sự thống trị của Hồi giáo vào năm 2022.

Liệu trang bìa có phải là nguyên nhân để tờ báo bị tấn công? Tờ Bloomberg từng đặt câu hỏi về khả năng này, nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Cuốn tiểu thuyết mang tên Soumission (tiếng Pháp), Submission (tiếng Anh), có nghĩa Phục tùng, là tác phẩm thứ 6 của Houellebecq, quái kiệt văn chương Pháp, một trong những tác gia lớn nhất của văn học đương đại.

Các yếu tố khiêu dâm, thô tục, phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc thường đầy ắp trong các tác phẩm của Houellebecq, trong đó có những tiểu thuyết đã được dịch ở Việt Nam như: Hạt cơ bản, Bản đồ và vùng đất. Với Submission, thêm một yếu tố nóng không kém là tôn giáo, cụ thể là Hồi giáo.

Lời tiên đoán của nhà thông thái Houellebecq

Đã vài ngày kể từ vụ tấn công vào trụ sở tờ báo châm biếm Charlie Hebdo tại Paris, Pháp hôm 7/1 khiến 12 chết, trong đó có 4 họa sĩ biếm và tổng biên tập của tờ báo. Báo chí những ngày này tràn ngập tranh biếm họa và thông tin về tờ báo, những người đã chết, việc truy tìm thủ phạm…

Ở một góc khuất hơn, là Michel Houellebecq và tác phẩm văn học ra đời cùng lúc với vụ thảm sát (ngày 7/1). Nhà văn cùng cuốn tiểu thuyết Submission nằm trong tâm bão, nhưng lặng lẽ hơn so với những thông tin xung quanh vụ thảm sát. Trên bìa tờ Charlie Hebdo là Houellebecq, với cái mũi được phóng đại, đầu sắp hói, bụng phệ, mặc đồ như phù thủy và cầm một điếu thuốc.

Bức tranh có lời tựa “Lời tiên đoán của nhà thông thái Houellebecq”. Nhân vật trong tranh nói: “Năm 2015, tôi mất răng. Năm 2022, tôi dự lễ Ramadan”, chỉ tháng lễ lớn của đạo Hồi.

Cuốn sách của Houellebecq, tác gia nổi tiếng quái chiêu, đã giễu cợt nỗi sợ Hồi giáo trong xã hội phương Tây, khi đạo Hồi ngày càng có ảnh hưởng. Trong sách, Houellebecq đã tưởng tượng ra một đảng chính trị có tên “Huynh đệ Hồi giáo" đã chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Pháp, trước đảng Mặt trận Quốc gia và đảng UMP của ông Nicolas Sarkozy.

Vị Tổng thống hư cấu Mohammed Ben Abbes, khi lên nắm quyền đã ban lệnh cấm phụ nữ Pháp đi làm, áp dụng chế độ đa thê và phổ cập đạo Hồi sâu rộng đến các trường học. Xã hội Pháp trở nên đậm chất tôn giáo và người dân chấp thuận điều đó, theo trí tưởng tượng của Houellebecq.

Nhà văn Michel Houellebecq ngoài đời (trái) và tranh biếm họa ông trên bìa tờ Charlie Hebdo hôm 7/1.

“Hư cấu nhưng sẽ thành sự thật”?

“Một trò hề cảm động và khiêu khích” là cách tờ Liberation nhận xét về cuốn sách hôm 4/1, nhưng cũng chê kỹ năng viết của Houellebecq đã “có dấu hiệu hết thời”. Tờ Le Parisien nhẹ nhàng hơn, cho cuốn sách là một tác phẩm “châm biếm thông minh” và vẫn là văn chương, không phải sách chính trị.

Houellebecq cũng không ngần ngại bê cả lãnh tụ Marine Le Pen của đảng Mặt trận Quốc gia ngoài đời vào sách. Nói về cuốn sách trên đài phát thanh France Info hôm 5/1, Le Pen cho rằng “sách là hư cấu nhưng sẽ trở thành sự thật một ngày nào đó”.

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng bình luận về cuốn sách trên đài France Inter, nói cuốn sách “sẽ tạo ra một cuộc tranh cãi lớn”. Ông Hollande, đối tượng châm biếm thường xuyên của tờ Charlie Hebdo, cũng cảnh báo rằng nước Pháp luôn có xu hướng thiên về “suy tàn, phủ nhận và chủ nghĩa bi quan gượng ép” hàng thế kỷ nay rồi.

Còn trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình France 2 tối 6/1, đêm trước cuộc thảm sát, Houellebecq phủ nhận việc cuốn sách phao tin đồn nhảm gây hoang mang. “Tôi không nghĩ đạo Hồi như mô tả trong sách là thứ khiến mọi người sợ hãi” – ông nói. “Tôi sẽ không tránh né một chủ đề chỉ vì nó gây tranh cãi”.

Hư cấu của Houellebecq cũng dựa trên thực tế ở chỗ Pháp là quốc gia châu Âu có lượng người theo đạo Hồi đông nhất, hơn 5 triệu trên tổng số 65 triệu dân. Tỷ lệ này sẽ còn tăng do con cháu của người theo đạo Hồi hiện rất đông đảo và sẽ mang tới cho Pháp cũng như châu Âu nhiều dấu hỏi phải trả lời, bao gồm việc làm sao để giảm sự phân biệt đối xử với những người này.

Houellebecq, chuyên gia khiêu khích Houellebecq (56 tuổi) không xa lạ với chuyện khiêu khích bằng văn chương nghệ thuật. Tên tuổi của ông nổi như cồn năm 1998 khi ra mắt tiểu thuyết Atomised (Hạt cơ bản). Năm 2002, nhà văn được xử trắng án sau một vụ kiện phân biệt chủng tộc. Sách mới Submission được đặt theo tên một phim tài liệu của nhà làm phim kiêm nhà văn Đan Mạch Theo Van Gogh, ra mắt hồi năm 2004. Bộ phim chỉ trích cách phụ nữ bị đối xử ở thế giới Hồi giáo. Cùng năm đó, Van Gogh bị một người theo đạo Hồi ám sát. Houellebecq.jpg: Nhà văn Michel Houellebecq ngoài đời (trái) và tranh biếm họa ông trên bìa tờ Charlie Hebdo hôm 7/1.


Chuyên đề: Vụ tấn công tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris xem TẠI ĐÂY

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm