Sư tử đá: Văn hóa lai căng bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết

23/09/2014 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện sư từ đá tràn lan ở Hà Nội chỉ trong vài năm trở lại đây đặt ra hàng loạt câu hỏi, chúng trở nên phổ biến từ khi nào, có tác dụng gì và nếu xử lý như yêu cầu của thành phố Hà Nội thì chúng sẽ đi đâu?

Những câu hỏi này được chúng tôi gửi đến TS Nguyễn Văn Vịnh, giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Phó viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục và là người nghiên cứu về phong thủy để chúng ta có một cái nhìn đầy đủ hơn về cái được cho là văn hóa lạ đang nở rộ tại Hà Nội.

Dùng linh vật ngoại lai là hoàn toàn cảm tính

* Thưa Tiến sĩ, sư tử đá đang được nhiều người, nhiều doanh nghiệp coi là vật linh. Điều đó xuất phát từ đâu?


- Thời gian qua, sự phát triển, mở cửa trao đổi buôn bán và cả văn hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra rất cởi mở. Xuất hiện rất nhiều cửa hàng về phong thuỷ, vấn đề này cũng được người ta nói rất thoải mái, công khai trên các diễn đàn, thậm chí có hẳn 1 kênh truyền hình về phong thuỷ. Như vậy là chỉ riêng câu chuyện về tín ngưỡng và các vật phẩm về phong thủy đó thì sư tử đá ngoại lai nằm trong mạch của loại văn hoá này.


TS Nguyễn Văn Vịnh

Người ta có thể nhìn thấy đèn lồng đỏ, một vật phẩm treo lên được cho là để trừ tà và bất cứ đâu trên thế giới này, cứ thấy treo đèn lồng đỏ là thấy đặc trưng người Trung Quốc. Ngoài ra người ta có thể thấy thêm những thứ như gương bát quái trừ ma, tì hưu cầu tài, sư tử đá bảo vệ tài sản... Xung quanh những vật phẩm này người Trung Quốc vẽ ra rất nhiều chuyện như phải khai quang thần tượng, điểm nhãn... Câu chuyện ở đây là văn hoá người Trung Quốc là đa thần giáo, nếu theo trình tự của họ không biết có biết bao nhiêu vị thần. Trong quá trình giao lưu văn hoá, người Việt đã tiếp thu phần nào điều đó.

Theo tôi, có một thực tế là ở Trung Quốc cũng không có nhiều sư tử đá lắm đâu. Nếu tính mật độ xuất hiện thì ở bên họ còn không có nhiều và bị lạm dụng như ở Việt Nam hiện nay. Lúc đầu nó xuất hiện dưới dạng 1 số sản phẩm điêu khắc, sau đó với nguồn đá khá sẵn ở Việt Nam, người thợ Việt Nam bắt đầu sản xuất. Khi có thông tin cho rằng sư tử đá bảo vệ tài sản, các công ty ăn nên làm ra lập tức mua, thậm chí là chạy theo mốt, đua nhau sắm về.

Nhưng cũng cần phải nhắc đến chuyện những người khá giả biếu tặng, cống cho nhà chùa sư tử đá. Theo tôi họ có vấn đề về văn hoá mặc dù họ nghĩ rằng họ có thiện ý. Nếu họ biết rằng những con sư tử đá về mặt thẩm mỹ thì phản cảm, chẳng có tác dụng gì cả thì chắc sẽ không có tình trạng như hiện nay.

* Có thể họ chỉ muốn trang trí cho chùa? Là một giảng viên của trường đại học về mỹ thuật, ông có thể nói gì về tính mỹ thuật ở tượng sư tử đá?


- Nếu xét về góc độ trang trí thì tất cả các loại tượng đều có 1 tác dụng trang trí nào đó. Như ở các công viên, nơi công cộng có tượng, tranh... nhưng nó phải mang tính nghệ thuật. Ở đây, sư tử đá chủ yếu biểu trưng cho quyền lực và thậm chí tin tưởng ở khả năng trừ tà, xua đuổi ma quỷ, mang lại điều may mắn, thậm chí là tăng uy quyền cho chủ sở hữu nên yếu tố nghệ thuật đã mất đi. Với những chuyện như thế, xuất phát từ thiếu hiểu biết một phần, cộng thêm lòng tham dẫn đến những hành vi không phù hợp.

Bản thân các bức tượng thường được sáng tác theo một xu hướng nào đó. Có thể là tả thực, có thể là cách điệu... Nhưng ngay cả những con vật được đưa vào trang trí trong kiến trúc thường sẽ được thể hiện rất thân thiện. Thực tế người Việt đã có tranh thờ ngũ hồ, tranh Hàng Trống nhìn cũng có gì đó thân thiện chứ không hề dữ dằn. Trong khi ở sư tử đá người ta cố thể hiện nó dữ dằn nhất có thể. Từ sắc thái cho đến móng vuốt, tư thế đứng cho đến nhe răng dọa nạt. Ma quỷ sợ hay không chưa biết, nhưng rõ ràng khi đặt ngay trước cửa, nơi khách đến thì nó vô tình đã tạo ra một sự bất an cho con người.

Ở mặt thẩm mỹ thì rõ ràng không thể gọi đó là đẹp được. Nó được làm chi tiết, tỉ mỷ, bóng bảy nhưng nó giống như một ác thần. Có thể ở các chùa có thờ ác thần, nhưng để cân bằng lại, bên đối diện lại là một vị thiện thần. Ở đây họ phóng tác rất "buồn cười", có 1 con thì phải có 2 con. Có con đực thì lại phải có con cái. Có đực cái rồi thì phải có con con. Ai mong giữ của thì sư tử đặt chân lên đống tiền. Ai mong quyền lực thì đặt chân lên hẳn quả địa cầu. Có thêm thắt thì là sự dữ dằn, là một số điểm khác dựa theo nhu cầu của người đặt mua. Nó giống như câu chuyện vẽ rắn thêm chân vậy. Những kiểu suy luận như vậy nó không dựa trên cơ sở nào cả, hoàn toàn cảm tính.

Về Mỹ thuật, hãy thử nhìn tổng thể chùa Việt sẽ thấy nổi bật là gam nâu. Cụ thể là sân gạch đỏ, gỗ nâu, mái ngói nâu pha chút rêu phong của thời gian. Sự chuyển màu của chùa Việt rất nhẹ nhàng như thế thì mọi sự thêm bớt cần phải chấp nhận được vào tổng thể của ngôi chùa. Nếu đặt 1 con sư tử trắng vào đó thì rõ ràng rất buồn cười. Riêng mặt thẩm mỹ và bố cục thì không gian của chùa đã bị phá vỡ rồi.

Nhưng vì sao chùa Trung Quốc lại chấp nhận được? Vì chùa của họ hoàn toàn khác chùa Việt. Chùa Trung quốc rất sặc sỡ vì phải đủ 5 màu nên ai nhìn vào cũng thấy rất tưng bừng. Trong khi đó chùa Việt Nam rất trầm, nhẹ. Vì vậy nhà chùa cần hiểu điều đó để tránh nhận những vật phẩm được biếu nhưng không phù hợp với không gian.

Cặp sư tử đá dữ dằn trước cổng một ngôi chùa lớn ở Hà Nội

Không để Việt Nam thành quốc gia sư tử đá

* Vậy có thể họ nghĩ nó tốt về mặt phong thủy?


- Chúng ta chỉ hiểu đơn giản thế này, phong thuỷ, dương trạch của người Á Đông nó thực ra là nghệ thuật kiến trúc của Á Đông. Nếu xét trên khía cạnh khoa học thì nó cũng giống phương Tây thôi. Mục tiêu Kiến trúc ở đây chính là tạo ra một sự thuận lợi tốt nhất cho nhà ở. Không có gì quá kỳ bí ở đây cả.

Cho nên những khái niệm đó được người ta sử dụng từ phong thuỷ nghe có vẻ mơ hồ thực ra là sắp xếp kiến trúc mà thôi. Ví dụ như kiến trúc Tứ Thú là Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ thì thực ra nó là khái niệm đằng trước, đằng sau, bên phải, bên trái. Đó chính là khái niệm để phân chia không gian. Nhiều người trầm trọng hóa nó lên thì lại thành điều gì đó thần linh, bí hiểm.

Về phương diện văn hoá, chúng ta không đánh giá nó tốt hay xấu, nhưng từ tín ngưỡng, tôn giáo không rõ ràng đến với mê tín lại rất gần. Sự du nhập, lai căng mà nghe đã thấy có gì đó mông muội thì rất dễ thành mê tín.

Trong chuyện này thì tôi nghĩ việc để sư tử đá ở chùa hay ở đâu đó thì tất nhiên họ có quyền. Nhưng khi đã thành phong trào, ở đâu cũng để thậm chí nếu không có không chịu được thì mọi chuyện đi quá xa mất rồi. Đó chính là mê tín. Đó không phải là trưng bày một tác phẩm nghệ thuật, nó cũng không tạo ra một cát khí. Bởi mục đích đặt là mong tăng quyền lực, tăng tiền bạc. Mà rõ ràng sư tử đá không làm được điều đó. Cũng như ở Việt Nam, có những cơ quan chẳng liên quan gì đến làm ăn cả cũng có bàn thờ thần tài.

* Vậy chúng ta nên giải thích câu chuyện này thế nào?

- Trước tiên chúng ta phải nói về mặt truyền thông. Thời gian gần đây, hình như một số trang mạng không có gì để nói hay sao đó nên cứ viết những thứ hư hư thực thực, thậm chí có cả bói toán. Rõ ràng, cái mạch chảy, xu hướng tín ngưỡng, tôi thấy có một phần trách nhiệm, chức năng của báo chí. Những gì liên quan đến văn hoá thì tất nhiên là khó sửa nếu không có sự chỉ dẫn rõ ràng, nhất quán. Vậy nên mới có chuyện Việt Nam thành quốc gia sư tử đá. Từ ngoài đường phố cho đến nông thôn, những vùng sản xuất vật phẩm từ đá.

* Nếu nói về linh vật truyền thống, chúng ta có gì?

Linh vật của người Việt dễ gặp có thể kể đến là chó đá. Tượng chó đá người Việt trông đẹp lắm. Bởi nó cũng không thật là chi tiết, tinh tuý nhưng rất nghệ thuật. Chó đá có thể nhỏ, có thể to nhưng khi đặt ở nhà nhìn rất đáng yêu. Về sau người ta có làm chó thạch cao nhưng nó giống chó thật quá thì không nói vì nó không có gu về thẩm mỹ.

Tiếp nữa là ở đình chùa thì có con nghê, chạm khắc thì có lân, ly, quy, phượng. Ở văn hoá người Việt, chúng ta có thể thấy con nghê chạy trên mái nhà, ở đầu đao, hoặc 2 con nghê nho nhỏ ở trước cửa. Đó là những trang trí thêm hoà nhập được với khung cảnh.

Sự có mặt của các loại con thú trong đời sống văn hoá chuyện bình thường, dân tộc nào cũng có. Nơi thì có rắn, nơi có bò, nơi lại dùng con ngựa làm vật linh. Và điều đó cho thấy chúng ta không cần đến sư tử đá, nhất là khi nó không phù hợp với không gian văn hóa Việt.

* Thành phố Hà Nội đã quyết gỡ bỏ những "linh vật ngoại lai" này ra khỏi những khu vực văn hóa, công sở. Chúng sẽ đi đâu?


- Phải nói thật là những bức tượng đó đắt lắm chứ không rẻ chút nào. Vứt đi đúng là cả một sự lãng phí lớn. Đã có người đề xuất, nhà ai có vườn rộng, có xu hướng làm bảo tàng thì xin hoặc mua lại giá rẻ để tập hợp vào 1 nơi, biến đó thành bảo tàng. Bảo tàng này như một sự ghi nhận một thời kỳ lịch sử mà con người đã tin vào một điều gì đó thật xa lạ, thật mông lung. Ý tưởng đó cũng khá thú vị.

* Ngoài khu vực văn hóa, công sở thì nhiều nhà dân cũng có đặt sư tử đá trước cửa. Tuy nhiên nhà dân không nằm trong diện phải di dời?

- Việc nhà dân còn tồn tại sư tử đá thì khó có quy định xử lý được bởi họ thích để gì thì để, đó là chuyện cá nhân. Nhưng nếu đã có một quy định về không gian văn hoá, nơi công cộng không được trưng bày thì nơi sản xuất sẽ ngừng làm, sư tử đá không còn phổ biến ở nơi công cộng, nó từ từ sẽ mai một. Và khi người ta nhận thức được vấn đề của câu chuyện thì rồi người dân cũng theo đó mà thôi không bày ra nữa.

Cảm ơn ông!

Cao Mạnh Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm