Steve Jobs - 'nhạc trưởng' văn hóa đại chúng

06/10/2016 20:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu thực sự coi nền văn hóa đại chúng là một môn thể thao đồng đội, chắc chắn Steve Jobs sẽ chơi ở vị trí "nhạc trưởng", với nhiệm vụ làm chủ nhịp độ và quan sát toàn sân.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn năm 1996, Steve Jobs chia sẻ rằng ông không nhìn nhận bản thân như người sáng lập ra một công ty công nghệ cao và đã kiếm được cả tỷ USD.

"Những điều tôi đã làm được trong cuộc đời mình giống như thành tích trong môn thể thao đồng đội" – Jobs nói. – "Đó không phải là điều một cá nhân đơn lẻ có thể làm”.

Từ điện ảnh...

Từ iTunes, sáng chế giúp Apple mở ra mảng kinh doanh hoàn toàn mới là âm nhạc, cho tới việc sản xuất bộ phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới được dựng hoàn toàn bằng máy tính Toy Story (của Pixar) vào năm 1995, Jobs đã đặt dấu ấn không thể xóa nhòa của mình lên ngành công nghiệp giải trí toàn cầu.

Những món "đồ chơi" khác, mà ông góp phần tạo ra như iPod, iPhone và iPad, không chỉ thay đổi cách thế giới sử dụng phương tiện truyền thông, mà còn đưa cả tên tuổi của Jobs lẫn Apple lên “bảng vàng” những thành tố quan trọng tạo nên thế giới giải trí ngày nay.


Steve Jobs bên biểu tượng “trái táo cắn dở” huyền thoại

“Dù Jobs được biết đến nhiều hơn với những đổi mới gắn với các kĩ thuật công nghệ cao, mọi người cũng ca ngợi ông vì đã có những bước đi đầy táo bạo, khiến Hollywood mãi mãi thay đổi” - biên tập viên Lisa Respers của CNN nhận định.

Với vai trò chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của hãng Pixar, Jobs đi đầu trong việc kết hợp giữa khả năng vô hạn của công nghệ với sự quyến rũ đầy mê hoặc của ngành công nghiệp giải trí.

Thế giới thậm chí còn chưa từng nghe nói về những hình ảnh do máy tính tạo ra (CGI) vào năm 1991, cho tới khi Pixar đạt một thỏa thuận với hãng phim Walt Disney về việc thực hiện và phân phối ba bộ phim hoạt hình thời lượng dài. Sản phẩm đầu tiên trong số này, Toy Story, đã “hớp hồn” khán giả với câu chuyện về những cuộc phiêu lưu của một nhóm đồ chơi.

Toy Story trở thành phim đạt doanh thu cao nhất vào năm 1995, với 192 triệu USD thu về từ các phòng vé nội địa Mỹ và 362 triệu USD trên toàn thế giới. Thành công của bộ phim, và cũng là của các ứng dụng công nghệ cao mà đội ngũ sản xuất áp dụng, đã thúc đẩy quá trình sản xuất 2 phần tiếp theo, cộng với những công viên chủ đề được dựng lên và vô số món đồ chơi ăn theo được đưa ra thị trường.

Những bộ phim được áp dụng công nghệ tương tự cũng nổi tiếng sau đó có thể kể tới A Bug's Life (Thế giới côn trùng), Monster's Inc. (Công ty quái vật), hay Finding Nemo (Đi tìm Nemo ) The Incredibles (Gia đình siêu nhân), hai phim đã vinh dự giành giải Oscar cho Phim hoạt hình hay nhất.

... tới âm nhạc

Một trong những sự kiện gây tiếng vang lớn nhất mà Jobs mang tới cho nền văn hóa đại chúng là ra mắt iTunes Music Store năm 2003, điều được xem là cuộc cách mạng trong thế giới nhạc số.

"Các công ty khác đã bán nhạc kỹ thuật số trước Apple" - Bill Werde, tổng biên tập của Billboard cho biết trong một tuyên bố - "Các công ty khác đưa nhạc số tới máy tính và điện thoại kỹ thuật số cũng như sử dụng chúng trong các mẩu quảng cáo. Cái tài của Apple, và chắc chắn là của Steve Jobs, là việc biến quá trình này trở nên thú vị, đơn giản và hấp dẫn hơn".

Sự ra đời chiến lược "bán 99 xu/ca khúc" của Apple cũng tiếp tục thay đổi cách vận hành của hình thức bán nhạc. Cụ thể, những người yêu nhạc không còn phải bỏ tiền mua cả album chỉ vì yêu thích một vài ca khúc trong số đó.Và khả năng lưu trữ hàng nghìn bài hát của iPod, (và sau này là iPhone hay iPad) cũng giúp người hâm mộ không bao giờ còn phải rời xa các giai điệu yêu thích của họ.

"Cảm ơn ông  vì đã cho phép tôi mang cả bộ sưu tập đĩa CD của mình trong túi" - Sebastian Bach, cựu thủ lĩnh ban nhạc heavy metal Skid Row đã tweet sau khi nghe tin về cái chết của Steve Jobs - "Ông đã khiến cho những chuyến bay dài thú vị hơn nhiều".

"Bạn sẽ khó mà tìm thấy nhà điều hành âm nhạc uy tín nào không đồng ý với quan điểm rằng tầm nhìn và sự kiên trì của Jobs đã thắp sáng con đường mòn và tạo ra ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số như chúng ta biết ngày nay" - Werde của Billboard nói - "Không có gì phải nghi ngờ, khi chúng ta nói về đỉnh caocủa ngành kinh doanh âm nhạc, nói về những nhà tiên phong như Ahmet Ertegun và Jerry Wexler, Clive Davis hay Jimmy Iovine, Steve Jobs cũng xứng đángsở hữu một vị trí nổi bật của riêng mình".

Người tạo dựng đế chế Apple

Steve Jobs (25/2/1955-5/10/2011) là doanh nhân kiêm nhà sáng chế nổi tiếng người Mỹ. Từ nhỏ, Steve Jobs sớm bộc lộ niềm đam mê với đồ điện tử. Ông gặp gỡ Steve Wozniak (khi đó 19 tuổi) từ năm 14 tuổi và cả hai đã cùng nhau mầy mò và tạo ra chiếc máy tính Apple đầu tiên trong ga-ra nhà Jobs.

Công ty Apple được chính thức thành lập năm 1980 và nhanh chóng được biết tới rộng rãi. Tài sản ròng của Steve Jobs khi đó đã lên tới 200 triệu USD.Ông rời khỏi công ty năm 1985 và trở lại vào năm 1996 với vai trò CEO.

Duy An (theo CNN)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm