Sống chậm cùng Nguyễn Trương Quý (kỳ 1): Tiếng guốc, tiếng còi

03/07/2020 11:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - (LTS) Nguyễn Trương Quý năm nay mới ngoài 40, nhưng anh đã viết tản văn, du khảo về Hà Nội được gần 20 năm với những đầu sách độc đáo như: Ăn phở rất khó thấy ngon, Hà Nội là Hà Nội, Mỗi góc phố một người đang sống, Xe máy tiếu ngạo... Ở đó hiện lên một Nguyễn Trương Quý dường như không có tuổi, vừa có nét tài hoa, phiêu lãng như "trai phố cổ", lại vừa có sự chững chạc, uyên thâm của một cụ già.

Tác giả Nguyễn Trương Quý: Giá trị Hà Nội nằm ở sự tự trọng và tiết chế

Tác giả Nguyễn Trương Quý: Giá trị Hà Nội nằm ở sự tự trọng và tiết chế

Sinh năm 1977, Nguyễn Trương Quý là tác giả của những cuốn sách rất “già” về Hà Nội:Còn ai hát về Hà Nội, Dưới cột đèn rót một ấm trà, Tự nhiên như người Hà Nội, Ăn phở rất khó thấy ngon, Hà Nội là Hà Nội, Xe máy tiếu ngạo…

Trong anh lại có cái nhìn thuần khiết như trẻ thơ đối với cuộc sống, có lẽ bởi thế anh luôn tìm được những điều dịu êm, lắng đọng lại giữa dòng thời gian cuồn cuộn. Việc anh được trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2019 với cuốn Một thời Hà Nội hát cũng là việc đương nhiên. Và cho đến nay, danh xưng "Nhà Hà Nội học" đến với tuổi ngoài 40 của anh cũng rất tự nhiên.

Nguyễn Trương Quý đã chầm chậm sống, chầm chậm nghĩ về Hà Nội như thế nào? Bắt đầu từ số báo này, chuyên mục "Sống chậm Cuối tuần" sẽ khởi đăng loạt bài về đời sống Hà Nội do chính anh chọn lựa.

1. “Đô thị hợp lý là nơi có những không gian trống, là những khoảng âm giữa các khối dương, tạo ra sự cân bằng tâm sinh lý cho cộng đồng. Chúng là nơi tiếng vọng của những âm thanh ồn ào lắng xuống, là nơi người ta có thể nhìn được đường viền đô thị hay đường chân trời của thành phố. Chúng chính là nơi giảm ức chế và căng thẳng của triệu người đô thị hiệu quả nhất.

Chúng là những mặt hồ, dòng sông, những mảng xanh, những bãi trống tưởng chừng “phí phạm” nếu so với việc quy ra diện tích bất động sản.

Chú thích ảnh
Mưa bay mặt hồ. Ảnh: Đỗ Huân - một trong những người chụp nhiều về Hà Nội thời trước và sau 1954, tạo nên một cách nhìn Hà Nội còn kéo dài đến nay

Ở Hà Nội của tôi, phóng bạt mạng trên đường là không thể, vì tắc đường liên tục có hệ thống. Dĩ nhiên cũng có kẻ phóng bạt mạng, ấy là những đám choai choai đua xe a dua mừng đội tuyển bóng đá vô địch Đông Nam Á lúc nửa đêm. Nhưng từ lâu rồi, lấy đâu ra thú vui chơi âm thanh như Jean Tardieu, ông ta vào cửa hàng guốc trên phố cổ, lần lượt gõ 40 đôi guốc lên vỉa hè để thử xem khác nhau ra sao.

Cả Tây lẫn Ta đều cười, những đứa trẻ và bà già vui vẻ trước sự hớn hở của một ông “thực dân” da trắng về thứ âm thanh phát ra từ sự va đập giữa gỗ và gạch. Tiếng guốc trở thành ẩn ức về không gian bình an, thong thả. Nó kéo dài đến gần 30 năm sau, âm thanh hằn trong trí nhớ của người nhạc sĩ tha hương cũng vẫn là “thanh bình tiếng guốc reo vui” (Hướng về Hà Nội- Hoàng Dương).

Đầu thế kỷ 21, không khí Hà Nội lút giữa bầu âm thanh của còi xe và tiếng ồn máy đầm bêtông từ các công trình xây dựng. Cho nên người ta không lấy làm ngạc nhiên khi nghệ sĩ âm thanh đương đại bây giờ lấy chất liệu từ tiếng ồn. Mách có chứng, “noise music” trở thành hẳn một loại hình sắp đặt âm thanh của một số nhạc sĩ-họa sĩ như Vũ Nhật Tân, Nguyễn Mạnh Hùng.

Tất nhiên, năm thì mười họa thưởng thức các tác phẩm đó cũng vui, chứ phải nói người Hà Nội thần kinh thép, chịu đựng được cả một hệ thống tiếng ồn liên tu bất tận. Không những vậy, nhiều kẻ lại khoái thứ tiếng ồn vốn chỉ dùng cho tình huống cấp cứu. Chẳng hạn, dù bạn có đi xe “ghẻ” mà muốn lắp còi báo động, xin mời ra phố Huế là có.

Hà Nội ngày xưa có một đoạn phố Hàng Bồ có tên là Hàng Dép, chuyên bán guốc dép, cái thứ tạo âm thanh khiến các tao nhân Tây Ta ngẩn ngơ nửa đầu thế kỷ trước vừa nói ở trên. Căn cứ theo quy mô buôn có bạn, bán có phường, nửa cây số khúc dưới phố Huế bây giờ phải đáng được gọi là phố Hàng Còi. Còi xe, tiếng ống xả xe máy, nhạc chuông điện thoại, với người Hà Nội giờ là những âm thanh của đời sống thường nhật “thanh bình”. Tiếng còi to là một âm thanh nhân tạo thay cho giọng nói để báo hiệu và giành đường đi, đã góp phần biến đổi cách ứng xử của thị dân.

Chú thích ảnh
Trẻ em Hà Nội đi guốc (1958)

2. Trong công thức xây dựng thuộc địa, Đông Dương trở thành một mẫu Liên bang đầy màu sắc và Hà Nội trở thành thể nghiệm xinh xẻo để tái hiện một Paris. Nếu xem bản đồ quy hoạch của Ernest Hébrard năm 1924 và của Louis Pigneau 1943, ta sẽ thấy từ Đông sang Tây thành phố là những chuỗi đại lộ nối với nhau bằng những quảng trường ngôi sao, những ngã 6 đường như hoa nở, những đường song song bố trí đẹp mắt thành từng cụm mật độ đều nhau.

Thời Tardieu, Hà Nội chỉ có 120 nghìn người, ít hơn cả Hải Phòng (130 nghìn). Hà Nội chưa trở thành một trung tâm công nghiệp hay sản xuất lớn, mà chỉ như một tỉnh lẻ Pháp, nhưng cái bóng dáng Paris ngả lên đó, gây cho những trí thức Pháp tha hương một sự so sánh. Niềm vui của một anh cử nhân văn học đi làm nghĩa vụ quân sự ở xứ thuộc địa là được thưởng thức một vở kịch của người bạn - nhà văn Roger Martin du Gard, người sau này sẽ được giải Nobel văn học năm 1937 - tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với giám đốc nhà hát đóng vai chính.

Nhưng không ai ngờ rằng đằng sau bức màn nhung êm ả của sân khấu thuộc địa là một xã hội dự báo những biến động long trời lở đất chỉ vài năm sau. Chắc hẳn nhiều trí thức Pháp có mặt ở Hà Nội cùng thời Tardieu cũng cảm nhận tương tự với ông về việc họ không bao giờ có thể được bình đẳng chia sẻ niềm vui con người không phân chia màu da, giai cấp. Nhưng Tardieu nhận ra, sự khép kín của người bản xứ ngoài việc e sợ, còn phản ánh “sự hạ cố” của tâm lý Nho giáo khi phải tiếp xúc với thứ ngoại bản. Trở đi trở lại trong những trang viết ấy là một môi trường sống hài hòa tuyệt đối với thiên nhiên, con người hiển hiện trong đó cũng nhịp nhàng với con người trong tranh Victor Tardieu hay các họa sĩ học trò trường Đông Dương. Sức hấp dẫn của đời sống ấy là do một môi trường còn khá gần với nông nghiệp, như những bức tranh in khắc mà Henry Oger cho thực hiện năm 1908.

Cái bí ẩn của đời sống một thành phố có bề dày lịch sử ẩn sau cái vẻ lành hiền đầy cây xanh và tiếng chim kia, đi quá một cây số là thấy ruộng đồng ao chuôm, gây cho tác giả người Pháp một mối cảm nhận càng ngày càng rõ nét về không gian văn hóa của nó, với những nghệ sĩ mà ông làm bạn hay làm quen như họa sĩ Lê Phổ, Nam Sơn. Tardieu không biết rằng, bên cạnh những người như cha của ông đang gieo những cái hạt nghệ thuật cho xứ sở xa lạ này, thì ông đang can dự vào việc hình thành nên cái nền tảng văn hóa đô thị mà 80 năm sau ở đây người ta đang tìm lại.

Tấm bưu thiếp xinh đẹp có 2 mặt về Hà Nội một thời, một mặt là khu phố cổ và những di tích cũ, một mặt là khu phố Pháp, là hình ảnh đã và đang đóng khung một gu thẩm mỹ cho người Hà Nội. Sự phá vỡ của hình trạng những khung cảnh trên cũng là sự rạn nứt của guthẩm mỹ trên.

Tiếng guốc thay bằng tiếng còi, nhà ngói thấp tầng thay bằng nhà ống bê tông nhôm kính, biệt thự Pháp thay bằng cửa hiệu kiểu kiosque, xe đạp thay bằng xe máy... những hình ảnh trong tranh phố của Bùi Xuân Phái trở thành lịch sử là những chuyển dịch vật chất. Từ vật chất ấy, một tinh thần cũng thay đổi”...

Tiếng guốc trở thành ẩn ức về không gian bình an, thong thả. Nó kéo dài đến gần 30 năm sau, âm thanh hằn trong trí nhớ của người nhạc sĩ tha hương cũng vẫn là “thanh bình tiếng guốc reo vui”.

(Còn tiếp)

Nguyễn Trương Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm