Sẽ thu hồi danh hiệu nếu nghệ sĩ gây ảnh hưởng xấu?

29/06/2020 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bất cập trong việc quy đổi huy chương khi xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cùng đề xuất xem xét việc bổ sung quy định thu hồi danh hiệu trong trường hợp nghệ sĩ sau khi được phong tặng có những vi phạm phải xử lý hình sự, hoặc có những việc làm ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội, là những vấn đề được “mổ xẻ” nhiều nhất tại buổi Góp ý Dự thảo sửa đổi quy định xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú diễn ra tại Hà Nội ngày 25/6.

Tranh cãi không dứt về tiêu chí xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú

Tranh cãi không dứt về tiêu chí xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú

Hai năm một lần, Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú ở các lĩnh vực văn học nghệ thuật nhằm tôn vinh những đóng góp của các nghệ sĩ, những người góp phần bảo tồn, xây dựng, phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật giàu bản sắc dân tộc.

1. Theo dự thảo, đối với tiêu chuẩn giải thưởng của danh hiệu NSND, phải có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó phải có 1 giải Vàng của cá nhân) sau khi được phong tặng danh hiệu NSƯT. Đối với tiêu chuẩn giải thưởng của danh hiệu NSƯT, bổ sung quy định “có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia hoặc 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia, trong đó phải có ít nhất 1 giải Bạc cá nhân”. Song quy định này vẫn khiến nhiều nghệ sĩ băn khoăn vì những bất cập trong thực tế.

Ở lĩnh vực sân khấu, NSND Hoàng Dũng cho rằng: “Bây giờ ta đề cao việc phải có HCV cá nhân. Trong quy chế chấm giải thưởng của Bộ không có giải cho đạo diễn. Mà cùng lắm cả một hội diễn có khoảng 30 vở HCV thì chọn ra một đạo diễn xuất sắc nhất. Thì đạo diễn xuất sắc ấy được tính như một HCV, nếu vở diễn của anh ta cùng được giải Vàng thì nó cũng không được tính quy đổi nữa…. Đạo diễn muôn đời không có giải thưởng cá nhân. Mà thực sự thành bại là ở đạo diễn rất nhiều. Thế thì rất thiệt thòi!”.

Trung tá Phạm Quốc Việt, Nhà hát Công an Nhân dân, thắc mắc: Cần có những quy định cụ thể về chuyện quy đổi huy chương, giải thưởng để việc áp dụng chính xác hơn. “Bộ Công an sắp tới tổ chức Liên hoan Sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ công an. Vậy mức quy đổi giải thưởng, huy chương sẽ được tính 100% như ở các Liên hoan sân khấu toàn quốc hay chỉ 50% theo cách tính với Liên hoan sân khấu của lực lượng công an? Bởi ở Liên hoan này các đơn vị chuyên nghiệp tham gia còn đông đảo hơn các đơn vị công an...”. Ông Việt cũng cho rằng cần xem xét lại việc bỏ đi chức danh chỉ đạo nghệ thuật, người làm âm nhạc, âm thanh ánh sáng. Bởi ở thời đại công nghệ 4.0, vai trò của người làm âm thanh, ánh sáng rất quan trọng.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị-Hội thảo. Nguồn: Báo điện tử Quân đội nhân dân

Đề cập đến vướng mắc trong tiêu chuẩn xét tặng NSƯT, đạo diễn phim tài liệu, NSND Lê Hồng Chương đề nghị cần bàn thảo các giải pháp cho phù hợp giữa tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu và thực tế các giải đang chấm. Bởi hiện nay trong các giải thưởng điện ảnh không có giải bạc cá nhân.

Một nội dung cũng được xem xét, sửa đổi trên cơ sở thực tế của 2 mùa xét tặng danh hiệu là tỷ lệ phiếu bầu đồng ý của thành viên Hội đồng. Quy định “được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng có mặt tại cuộc họp bỏ phiếu đồng ý”, theo Nghị định cũ để thực hiện rất khó khăn. Tại dự thảo, Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi thành tỷ lệ 80% cho phù hợp với thực tiễn công tác xét tặng danh hiệu... Tuy nhiên, NSƯT Bùi Quang Toàn, Giám đốc Nhà hát chèo Hải Dương dẫn trường hợp NSƯT chèo Mạnh Thắng (Nhà hát chèo Hải Dương) có thêm 2 HCV và 1 HCB sau khi được phong tặng NSƯT, thời gian cống hiến đủ năm đủ tháng. Song vẫn không đủ lá phiếu đồng thuận khi xét danh hiệu NSND tại hội đồng cấp trên. Ông Toàn không tránh khỏi bức xúc “giảm % người bỏ phiếu, thật ra giảm hay không giảm là do cái tâm của người cầm lá phiếu. Cả cuộc đời phấn đấu của nghệ sĩ không thể dùng bút gạch một cái như thế là xong!”.

2. Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89 cho biết, Ban soạn thảo nhận được đề xuất đáng chú ý về việc thu hồi danh hiệu đối với nghệ sĩ vi phạm, sai phạm mà bị xử lý hình sự, hoặc có hành động, việc làm ảnh hưởng xấu ở phạm vi rộng đến cộng đồng, xã hội. Đây cũng là điều mà cả công chúng và các nghệ sĩ quan tâm khi trong thực tế đã có những nghệ sĩ hành xử, phát ngôn không đúng mực sau khi được phong tặng danh hiệu.

Chú thích ảnh
NSND Hoàng Dũng phát biểu tại Hội nghị

Nhấn mạnh một trong những tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu là trung thành với Tổ quốc, phẩm chất đạo đức tốt, NSND Hoàng Dũng cho rằng nếu nghệ sĩ vi phạm pháp luật, thì việc tước bỏ danh hiệu ấy hoàn toàn đúng đắn. “Để nhắc nhở những người sau khi được phong danh hiệu, ngoài việc cống hiến cho chuyên môn cũng phải có ý thức hơn với đất nước, với xã hội” - ông Dũng nói thêm.

Đưa ra quan điểm cho rằng nghệ sĩ là gương mặt, là hình ảnh, vì thế bên cạnh các hoạt động chuyên môn cũng cần xét tới yếu tố tham gia tích cực với cộng đồng, NSƯT Xuân Bắc đồng ý bổ sung điều khoản xử lý, thu hồi để đảm bảo tính cao quý của danh hiệu. “Tuy nhiên, để mọi việc được minh bạch, rõ ràng thì cần có hội đồng trước khi đưa ra quyết định đối với việc thu hồi danh hiệu...” - NSƯT Xuân Bắc nhấn mạnh.

Đối với một số loại hình nghệ thuật truyền thống, có không ít nghệ sĩ tuổi đã cao, có đóng góp nhiều cho nghệ thuật truyền thống ở các địa phương, nhưng xét về tiêu chuẩn lại thiếu về chỉ tiêu huy chương, bằng cấp hoặc giải thưởng… Nhiều ý kiến đề cập đến nội dung đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các “trường hợp đặc biệt”, hoặc tiêu chí được coi là trường hợp đặc biệt để Hội đồng các cấp xem xét, đánh giá đạt các danh hiệu NSND, NSƯT, từ đó Hội đồng xét tặng có cơ sở xem xét, biểu quyết và trình Thủ tướng Chính phủ, tránh việc lạm dụng, bổ sung quá nhiều trường hợp đặc biệt.

Ngân Lượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm