Sao Mai 2017: Giọng ca nữ lại 'độc chiếm' đêm thi Dân gian

17/09/2017 07:26 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đêm chung kết Sao Mai phong cách dân gian tối 16/9 vừa qua tại FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa) tiếp tục cho thấy sự chênh lệch về chất lượng giữa các phần biểu diễn của các thí sinh.

Nếu như đêm thính phòng tuần trước đã mang đến cho khán giả cảm giác sang trọng, cổ điển thì các phần thi với phong cách dân gian tuần này được kỳ vọng sẽ “đong đầy” cảm xúc cho người xem bằng những làn điệu dân ca mộc mạc, trữ tình.

Tuy nhiên trên thực tế không nhiều thí sinh đạt được kỳ vọng đó, thậm chí có thí sinh còn lạm dụng kĩ thuật của thính phòng trong phần thi, khiến tiết mục vì quá sa đà vào kĩ thuật mà mất đi cảm xúc.

Đa dạng các thể loại dân gian đã được các thí sinh mang lên sân khấu Sao Mai trong đêm thi vừa qua, từ ca khúc mang âm hưởng miền Trung, miền núi Tây Bắc cho đến dân ca Bắc Bộ, tạo nên một bức tranh toàn cảnh về đất nước được vẽ bằng âm nhạc.

Chú thích ảnh
MC Danh Tùng và MC Mỹ Lan dẫn dắt đêm thi vừa qua

Phong cách dân gian tiếp tục cho thấy sự áp đảo của các giọng ca nữ với 4 cái tên xuất sắc nhất được xướng lên bao gồm: Phan Ngọc Ánh (SBD 19), Lương Hà Mỹ Anh (SBD 15), Sèn Hoàng Mỹ Lam (SBD 18) và Nguyễn Mai Thương (SBD 14).

Thí sinh Phan Ngọc Ánh đến từ xứ Nghệ gây ấn tượng khi thử sức mình với ca khúc mang âm hưởng ca trù Khúc xưa thành Thăng Long, phổ thơ Nguyễn Du bởi nhạc sĩ Ái Nhân, bài hát được cho là không hề “dễ xơi”, nhất là đối với một giọng ca còn khá trẻ bởi nó đòi hỏi kỹ thuật luyến láy, nảy hạt của ca trù một cách vừa phải, đồng thời người hát cũng cần có trải nghiệm nhất định để "thấm" được lời thơ. 

Chú thích ảnh
Phan Ngọc Ánh hiện đang theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Phan Ngọc Ánh đã khéo léo tạo điểm cộng cho phần thi của mình bằng cách kết hợp giữa thanh và sắc, cùng thế mạnh về ngoại hình sáng và kỹ thuật luyến láy ấn tượng.

Dù cho giọng hát của cô trong đêm hôm qua được đánh giá là không ở phong độ tốt nhất so với khả năng, nhưng có thể nói Ngọc Ánh đã hóa thân trọn vẹn vào vai một ả đào thành Thăng Long duyên dáng, ngọt ngào với những điệu múa uyển chuyển cùng với đàn tỳ bà.

Phan Ngọc Ánh cũng là thí sinh duy nhất trong đêm thi sử dụng điệu múa để bổ trợ, giúp tôn thêm hồn cho phần thi của mình.

Chú thích ảnh
Đàn tỳ bà và chiếu là 2 "đạo cụ" được Phan Ngọc Ánh sử dụng trong phần hóa thân vào cô ả đào Thăng Long của mình

Cô gái “dân tộc” Sèn Hoàng Mỹ Lam có một lựa chọn an toàn với bài hát mang âm hưởng dân ca vùng núi Tây Bắc Theo câu hát Sluong (điệu then của dân tộc Tày).

Lựa chọn an toàn này đã giúp Mỹ Lan có phần trình diễn khá tự nhiên, đưa đẩy và phô diễn được giọng nữ cao trong vắt của cô.

Chú thích ảnh
Thí sinh Sèn Hoàng Mỹ Lam đến từ Lào Cai

Người con của vùng đất quan họ Bắc Ninh, Nguyễn Mai Thương lại chọn cho mình ca khúc Chấp chới sông Lam mang đậm âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Với việc thể hiện bài hát về tình mẫu tử, phần thi của Nguyễn Mai Thương có thể coi là  mang đến nhiều cảm xúc nhất đối với khán giả trong suốt chương trình.

Chú thích ảnh
Thí sinh Nguyễn Mai Thương hiện là ca sĩ thuộc Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam

Phần thi để lại ít dấu ấn nhất trong top 4 có lẽ là của Lương Hà Mỹ Anh. Với ca khúc Câu hát quê hương (nhạc Hồ Hữu Thới, thơ Nguyễn Trọng Tạo) phần thi của Lương Hà Mỹ Anh cũng chỉ dừng lại ở mức ổn, thiếu sự đột phá mạnh mẽ...

Chú thích ảnh
Thí sinh Mỹ Anh

Cô gái đến từ Bắc Giang Nguyễn Minh Huế (SBD 13) thể hiện ca khúc Trên đỉnh Phù Vân của Phó Đưc Phương dù sở hữu một chất giọng đầy nội lực cùng nền tảng vững vàng, nhưng đáng tiếc giọng hát của cô lại thiếu đi sự ngọt ngào và luyến láy cần thiết của dân ca, nhất là ở những quãng cao. Nếu như lựa chọn một phong cách âm nhạc khác có lẽ Nguyễn Minh Huế sẽ tỏa sáng hơn.

Cũng rất đáng tiếc cho Phạm Dương Gia Hân (SBD 12) với ngoại hình đẹp và phong thái biểu diễn cuốn hút trong ca khúc Xúc cảm non thiêng mang hơi thở của Tuồng, khi mà cô lại chưa làm chủ được những quãng cao và vẫn còn để lộ âm sắc địa phương vùng Quảng Trị ở một số lời hát.

Chú thích ảnh
Thí sinh Đậu Thanh Tài

Chàng trai duy nhất Đậu Thanh Tài (SBD 20) đến từ Nghệ An đã thể hiện khá tốt cảm xúc khi hoà mình vào Ký ức dòng Lam.

Thế nhưng điểm trừ của chàng trai này là cách nhả chữ chưa được tròn trịa khiến nhiều chỗ lời bị dính và bị ảnh hưởng bởi âm sắc địa phương.

Một vài gương mặt khác cũng gây thất vọng khi không có được phần trình diễn hoàn chỉnh và giọng hát thật sự chất lượng như Nguyễn Linh Trúc Lai, Nguyễn Thị Tuyết Nga, Dương Linh Tuyết… Họ đều gặp vấn đề trong kỹ thuật xử lý bài hát và cho thấy sự hạn chế trong việc nắm bắt ca khúc mình lựa chọn.

Đêm thi còn có sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ khách mời là ca sĩ Tân Nhàn (giải Nhất Sao Mai phong cách Dân gian 2015) cùng phần song ca ấn tượng của ca sĩ Hồng Duyên (giải nhì Sao Mai phong cách Dân gian 2015) và Tạ Quang Thắng qua ca khúc Gió đánh đò đưa (sáng tác Chu Hoàng Thông) .

Chú thích ảnh
Ca sĩ Tạ Quang Thắng và Hồng Duyên

Ca sĩ Hồng Duyên và Tạ Quang Thắng chia sẻ rằng nhờ sự "mai mối" của nhạc sĩ Dương Cầm họ đang cùng kết hợp trong một album sắp ra mắt. Bất ngờ là dù đã thu âm xong bài song ca nhưng đây là lần đầu tiên họ... gặp nhau. Lý giải cho điều này Tạ Quang Thắng chia sẻ do anh bận lịch diễn ở Hàn Quốc nên 2 người đành phải thu âm riêng phần của mình rồi sau đó ghép lại. 

Hy vọng rằng trong đêm chung kết tiếp theo với phong cách nhạc nhẹ, các thí sinh sẽ có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng để đem đến một đêm thi thật sự chất lượng. Đêm chung kết Sao Mai phong cách nhạc nhẹ sẽ tiếp tục được THTT trên VTV6 vào 20h ngày 23/9.

Hà My. Ảnh: BTC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm