Sách tranh 'Chiếc dép thất lạc': Khơi dậy tình yêu thương nơi trẻ từ những đồ vật nhỏ

27/05/2022 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Trong số 8 tác phẩm lọt vào Vòng chung kết - chấm điểm của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 3 - 2022 có một cuốn sách đặc biệt của tác giả nước ngoài viết về trẻ em Việt Nam. Đó là ấn phẩm song ngữ Việt - Anh Chiếc dép thất lạc - The lost sandal (NXB Kim Đồng) của 2 tác giả Geralda De Vos (Bỉ) và họa sĩ Sofia Holt (Thụy Điển) do Kim Ngọc dịch.

'Dắt mẹ đi chơi' - Lời tâm sự chan chứa yêu thương

'Dắt mẹ đi chơi' - Lời tâm sự chan chứa yêu thương

Bằng ngôn ngữ trong trẻo, nhẹ nhàng và dung dị, bộ sách thơ "Dắt mẹ đi chơi" (NXB Văn học) của Mai Quyên đã gợi tinh thần gắn kết và tình yêu thương chan chứa giữa những người làm mẹ, làm cha với con trẻ.

Chiếc dép thất lạc mở ra một không gian rất Việt Nam, với một câu chuyện đơn giản về hành trình tìm lại chiếc dép thất lạc của cô bé Linh. Câu chuyện nhỏ xinh nhưng có khả năng gợi mở nơi người đọc nhiều cảm xúc sâu sắc về giá trị sống, về tình cảm giữa người với người, và giữa con người với những đồ vật thân thương. Để hiểu hơn về cuốn sách đặc biệt này, Thể thao &Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với tác giả Geralda De Vos.

Câu chuyện từ sở thích nhặt dép rơi trên đường…

* Được biết, “Chiếc dép thất lạc” kể về hành trình đi tìm lại chiếc dép bị mất của một cô bé với những câu chuyện hết sức hài hước. Tại sao bà lại chọn viết về chiếc dép mà không phải một đồ vật nào khác?

- Tôi thích nhặt nhạnh những thứ mà tôi tìm thấy trên đường phố. Ở Việt Nam, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy rất nhiều đôi dép bị mất. Trong khi, ở châu Âu mọi người thường không bị mất giày dép như vậy. Họ cũng không lái xe máy và chỉ đi dép vào mùa Hè.

Tôi đã do dự một thời gian dài có nên bắt đầu thu nhặt những chiếc dép rơi trên đường phố hay không. Bởi, tôi đã quen với việc thu nhặt những món đồ nhỏ bé hơn như những tấm thẻ. Nếu thu nhặt hàng trăm chiếc dép, tôi e ngại chúng sẽ chiếm khá nhiều không gian. Nhưng sau đó, khi đã bắt đầu thu nhặt chúng, tôi không thể ngừng lại.

Chú thích ảnh
Cuốn sách tranh song ngữ Việt - Anh “Chiếc dép thất lạc” (NXB Kim Đồng)

* Rõ ràng, câu chuyện “Chiếc dép thất lạc” đã được khơi nguồn từ chính sở thích nhặt những chiếc dép rơi trên đường phố của bà khi ở Việt Nam. Xin bà chia sẻ thêm, câu chuyện được bắt đầu như thế nào?

- Vào mùa Thu năm 2019, tôi đã tham gia Khu lưu trú Nghệ sĩ “live.make.share” (một chương trình lưu trú cho nghệ sĩ và trao đổi văn hóa) ở gần Hà Nội, với ý tưởng tiếp cận bộ sưu tập dép của mình thông qua các góc độ và lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Tại đây, tôi bắt đầu chế tác mẫu “dép tổ ong” huyền thoại bằng gốm sứ. Tôi làm những chiếc đĩa in dấu dép, những chiếc “dép tổ ong” phiên bản in màn hình. Và tôi đã xây dựng một cửa hàng bán rong trên một chiếc xe đạp với những chiếc dép thất lạc mà mình đã thu nhặt.

Vào thời điểm đó, cuộc sống của tôi xoay quanh những chiếc dép.

Chú thích ảnh
Tác giả Geralda De Vos (trái) và họa sĩ Sofia Holt. Ảnh: NVCC

Tôi mong muốn có vài dòng ngắn giải thích về chiếc xe đạp chở đầy những chiếc dép bị thất lạc này. Tôi đã bắt đầu viết và hình dung ra một người chuyên sưu tập dép đi trên chiếc xe đạp đó. Rất nhanh sau đó, tôi nhận ra mình đã viết quá nhiều, nhưng tôi không thể ngăn trí tưởng tượng của mình. Bất cứ khi nào nhặt được một chiếc dép của trẻ em, tôi lại tự hỏi: “Ai làm mất dép thế nhỉ?”, và “Liệu cô bé hay cậu bé đó có đang tìm dép hay không?”. Trong lúc đang lái xe máy từ Hà Nội đến Khu lưu trú Nghệ sĩ ở Hiên Vân (Bắc Ninh), tôi đã tưởng tượng ra cảnh Linh bị mất chiếc dép và gặp Gingerella. Đột nhiên sau đó, trong đầu tôi nảy ra một câu chuyện.

Sau đó, tôi kể câu chuyện cho cậu con trai út của mình, tôi bắt đầu tạo ra những tình tiết mới và mở rộng một số phần của câu chuyện vì thấy cậu con trai của mình thích thú. Vài ngày sau, tôi viết ra tất cả. Đó là phiên bản đầu tiên của cuốn sách Chiếc dép thất lạc.

Chú thích ảnh

* Sáng tác một cuốn sách cho trẻ em vẫn luôn là thách thức đối với nhiều tác giả. Bà có khó khăn khi viết cuốn sách này?

- Câu chuyện về Linh cứ thế hiện ra tự nhiên trong đầu tôi. Có lẽ vì tôi bị mê hoặc bởi những chiếc dép, việc thu thập chúng và tạo ra nhiều thứ bằng dép đã trở thành một phần trong con người của tôi. Thực tế, vào thời điểm trước đây, tôi không có tham vọng viết một cuốn sách, làm việc trực tiếp với những chiếc dép dễ dàng hơn rất nhiều khi viết một câu chuyện.

Khi chúng tôi xuất bản cuốn sách đầu tiên này, tôi đã quyết tâm viết thêm nhiều cuốn sách khác dành cho thiếu nhi Việt Nam. Tôi có nhiều “bộ sưu tập rác” khác và mỗi bộ sưu tập có thể sẽ trở thành một câu chuyện chăng? Nhưng viết truyện với mục đích tạo ra một cuốn sách dường như khó khăn hơn nhiều so với việc chỉ tưởng tượng trong khi lái xe máy.

Một cuốn sách rất Việt Nam

* Để cuốn sách trở nên sinh động, hấp dẫn hơn về mặt thị giác, chắc chắn không thể thiếu những minh họa của họa sĩ Sofia Holt. Bà có thể chia sẻ thêm về quá trình làm việc với Sofia?

- Việc thực hiện cuốn sách là một sự hợp tác tuyệt vời giữa Sofia, tôi và Elise Luong - Giám đốc nghệ thuật đứng sau hậu trường. Elise đã chủ động tìm một họa sĩ minh họa và cũng là động lực đằng sau Khu lưu trú nghệ sĩ “live.make.share”, nơi tôi đã viết câu chuyện này. Cô ấy rất xuất sắc trong việc tạo ra một không gian mà ở đó các nghệ sĩ có thể phát triển và phát huy tối đa thế mạnh cũng như tài năng của họ.

Chú thích ảnh
Tác giả Geralda De Vos và chiếc xe đạp với những chiếc dép thất lạc trên đường phố Hà Nội. Ảnh: NVCC

Cùng với Sofia tài năng, sự hợp tác này giống như một “đội hình trong mơ”. Tôi cảm thấy rất vinh dự và may mắn khi có thể làm việc với họ.

Nhìn vào những bản phác thảo đầu tiên Sofia gửi cho chúng tôi, tôi biết rằng cô ấy sẽ giúp nâng câu chuyện lên một nấc mới và bổ sung vào đó các yếu tố mới. Và đó là cách một họa sĩ minh họa làm việc, không chỉ vẽ những gì được viết mà còn tưởng tượng và vẽ những thứ chưa được viết. Bất cứ khi nào cô ấy gửi cho chúng tôi một bản phác thảo mới, tôi rất vui mừng về cách giải thích và hình dung của cô ấy về câu chuyện. Tôi thích sự hài hước trong các bản vẽ của cô ấy và tôi yêu bầu không khí ấm cúng tỏa ra từ những bức tranh màu nước của cô ấy.

* Cầm trên tay cuốn sách “Chiếc dép thất lạc”, có lẽ bất cứ độc giả nào cũng sẽ thấy xuất hiện rất nhiều hình ảnh mang đậm nét đặc trưng của Việt Nam. Còn riêng bà nghĩ sao về tranh minh họa của Sofia?

- Sofia thích vẽ chi tiết và tôi rất thích thú với hình vẽ minh họa của cô ấy. Các minh họa chi tiết là một cách để chúng tôi trân trọng tất cả những điều đã trải nghiệm và học hỏi ở Việt Nam. Có lẽ các hình minh họa cũng là một cách để cho mỗi người Việt Nam thấy đất nước và nền văn hóa của mình độc đáo như thế nào. Đối với mọi người trên khắp thế giới, đó là một cách tốt và không mất phí để đi du lịch đến châu Á chỉ bằng cách đọc cuốn sách này.

Nhiều người Việt Nam trên toàn thế giới đã mua cuốn sách và đọc nó cho con cái của họ, và có lẽ họ sẽ có cảm giác như được “về nhà”. Cuốn sách cho người đọc thấy rất nhiều những nét đặc trưng của Việt Nam mà không cần giảng dạy hay giải thích. Thay vào đó, chỉ cần đọc, xem và trầm trồ.

Chia sẻ của họa sĩ Sofia Holt

“Với tư cách là một họa sĩ minh họa, tôi rất ấn tượng với những góc nhìn trực quan ở Việt Nam. Thật thú vị khi tôi được thấy rất nhiều điều ấn tượng, mới mẻ mà tôi chưa từng thấy ở đất nước của mình. Ở Việt Nam có rất nhiều màu sắc, sự sáng tạo của các dân tộc, những hiện vật lịch sử, thiên nhiên,... Cách người Việt Nam kết hợp tất cả những điều này là một sự pha trộn hài hòa, khác với những quan niệm của chúng tôi ở Scandinavia (vùng Bắc Âu) thường hướng đến sự tối giản và biểu hiện “càng đơn giản càng đẹp”. Sống ở TP.HCM trong nhiều năm đã mở ra nhiều khám phá mới và những kỷ niệm truyền cảm hứng cho quá trình sáng tạo nghệ thuật của tôi sau này.

Khi tôi vẽ minh họa cuốn Chiếc dép thất lạc, tôi đã sử dụng những khám phá, cảm hứng từ cuộc sống hàng ngày của chính tôi ở TP.HCM và những chuyến đi đến các ngôi làng ở nông thôn. Tôi cũng dựa vào những bức ảnh mà Geralda chụp trong những chuyến thăm các ngôi làng người dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc. Những bức ảnh này là một cơ sở rất tốt cho bối cảnh và chi tiết của các bản vẽ trong cuốn sách.

Ví dụ, có những minh họa được lấy cảm hứng từ những hình ảnh thân thuộc trong cuộc sống của người Việt Nam. Chúng tôi đã sống ở Việt Nam trong nhiều năm, nên chúng tôi biết rất rõ về “vị khách” quen thuộc trong nhà của người Việt Nam chính là: “con gián”. Vì vậy, chúng tôi đã chọn đặt một con gián trên mỗi trang của cuốn sách. Những độc giả nhí thích chơi trò chơi sẽ có thể cố gắng tìm con gián ẩn ở đâu đó trong cuốn sách, có thể trên giỏ xe đạp hoặc bất kỳ đâu trong cuốn sách.

Công Bắc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm