Sách 'Tiếng thét Yên Bái': Tái dựng bức tranh cuộc khởi nghĩa Yên Bái

14/04/2020 17:37 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khảo sát, bổ chú thông tin từ những bài báo của thập niên 1930 để dựng lại bức tranh sinh động về cuộc khởi nghĩa Yên Bái, đó là hướng tiếp cận của nhà nghiên cứu Tạ Thu Phong trong Tiếng thét Yên Bái, cuốn sách vừa được NXB Thế giới phát hành nhân kỷ niệm 90 năm diễn ra sự kiện này.

Ra mắt sách ảnh '90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2020)'

Ra mắt sách ảnh '90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2020)'

Sách ảnh “90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2020)” do Nhà xuất bản Thông tấn thuộc Thông tấn xã Việt Nam biên soạn, xuất bản và ấn hành đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020) và mừng Xuân Canh Tý 2020.

Là nhà sưu tập tư liệu và sách báo cổ có uy tín tại Hà Nội, tác giả chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

- Tôi sinh ra ở Lâm Thao (Phú Thọ), một trong những địa điểm nổ ra cuộc khởi nghĩa. Ở đó có làng Ngọc Tỉnh, như lời kể tại địa phương, làng mang tên một nhà cách mạng bị người Pháp xử tử trong sự kiện này. Tò mò từ nhỏ, tôi đã gắng tìm trong sách giáo khoa, sách lịch sử để tìm hiểu về thân thế ông Ngọc Tỉnh nhưng không có kết quả. Những gì tôi tìm được là các thông tin ít ỏi về khởi nghĩa Yên Bái và những gương mặt như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính...

Bởi thế, từ lâu tôi vẫn mong có dịp được hiểu thêm - thậm chí là có được một bản danh sách đầy đủ- về đồng đội của những nhà cách mạng đã lĩnh xướng cuộc nổi dậy đặc biệt ấy. Rồi sau này, khi có điều kiện tiếp xúc nhiều với nhiều công trình nghiên cứu khác, tôi càng mong có thêm nguồn tư liệu khả dĩ khách quan để tham chiếu về một cuộc khởi nghĩa đã từng làm người Pháp hoảng sợ - khi nó được chuẩn bị để diễn ra trên khắp Việt Nam.

Chú thích ảnh
Tác giả Tạ Thu Phong

Một lần tình cờ đọc mẩu tin về cuộc “khởi loạn” tại đồn binh Yên Bái trên tờ Trung Hòa nhật báo số tháng 2/1930, tôi tin rằng những tờ báo có tuổi đời ngót thế kỷ kia có thể là điểm khởi đầu cho công việc của mình. Và việc nghiên cứu, biên soạn tư liệu được bắt đầu từ năm 2002, với hy vọng cuốn sách sẽ được hoàn thành vào năm 2020 này, thời điểm cuộc khởi nghĩa diễn ra tròn 90 năm...

* Nhận xét của anh về những nghiên cứu hiện có quanhcuộc khởi nghĩa này?

- Do đam mê, và cũng là một nhà sưu tập, tôi có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn tư liệu về vấn đề này. Nhìn chung, các nghiên cứu trước đây chỉ gói gọn lại trong một phạm vi hẹp và thường bị chi phối bởi những quan điểm khác nhau – khi một số học giả hoặc thiên về ca ngợi, hoặc có sự xét nét, khắt khe trong đánh giá.

Chú thích ảnh
Cuốn sách “Tiếng thét Yên Bái”

Ngoài ra, các công trình trước đây đều chưa thỏa mãn những độc giả vốn rất tò mò và ham tìm hiểu: Những gì đã diễn ra tại phiên tòa đề hình xử vụ án này? Các nhà cách mạng đã thật sự nói gì trước Hội đồng Đề hình? Số phận của họ sau này thế nào? v.v…

Viết cuốn sách này, tôi hy vọng sẽ cung cấp thông tin một cách tiệm cận sự thật nhất để lấp vào khoảng trống tư liệu về khởi nghĩa Yên Bái và hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng giai đoạn đó, đồng thời hiệu đính lại một số thông tin chưa chính xác trong vài nghiên cứu trước đó. Đặc biệt, nhiều danh tính của các nhà cách mạng này lần đầu tiên được thống kê chi tiết, để những người yêu nước đó mãi không bị hậu thế lãng quên.

Chú thích ảnh
Trang 8 báo “Phụ nữ Tân Văn”, số 58 (ngày 26/6/1930)

* Cuốn sách được biên soạn dựa trên những nguồn tư liệu nào?

- Như đã nói, tôi dựa nhiều vào lượng báo chí thập niên 1930 - tư liệu vô cùng quan trọng để tiếp cận diễn biến các phiên tòa xét xử lãnh tụ Nguyễn Thái Học và đồng đội. Tuy nhiên, chỉ trông cậy vào nguồn tư liệu báo chí và các biên bản hỏi cung là chưa đủ, bởi điều này còn liên quan tới các vấn đề về hệ thống hình phạt và tòa án thời Pháp thuộc.

Cần nhắc lại, hệ thống xét xử thời Pháp thuộc là tòa án ba cấp (tòa đệ nhất, đệ nhị và đệ tam). Tuy nhiên, xét xử các chiến sĩ Yên Bái thì thực dân Pháp áp dụng loại tòa án đặc biệt có tên Hội đồng Đề hình. Đây là dạng tòa án cơ động có nhiệm vụ chuyên xét xử các việc liên quan đến gây rối, lật đổ chính phủ. May mắn, tôi là một luật sư nên có kiến thức về vấn đề này, đồng thời biết cách khảo cứu bổ sung khi cần thiết.

Chú thích ảnh
Tin hành hình Nguyễn Thái Học trên trang 7 báo “Phụ nữ Tân văn”, số 58 (ngày 26/6/1930)

* Ngoài nhóm nhân vật đã được biết đến rộng rãi, cuốn sách của anh còn nhắc tới một hệ thống rất rộng các gương mặt khác, với những câu chuyện khá thú vị về vai trò, phát ngôn, phẩm chất cá nhân hay sự bi tráng khi hy sinh. Anh có thể chia sẻmột vài ấn tượng của mình?

- Tôi ấn tượng với một số nhân vật ít được biết đến như Lương Ngọc Tôn, Nguyễn Quang Triệu, Lê Hữu Cảnh. Chẳng hạn, Lê Hữu Cảnh là người đại diện cho xu hướng cải tổ và phản đối cuộc bạo động của Nguyễn Thái Học nên suýt bị thanh trừng. Dù vậy, ông không hề bất mãn mà vẫn tìm cách khôi phục lại lực lượng sau khởi nghĩa Yên Bái cho đến lúc hy sinh.

Hoặc, Lương Ngọc Tôn là người bị xử chém cùng Đoàn Trần Nghiệp trước cửa nhà tù Hỏa Lò. Là người lên máy chém cuối cùng, ông được chứng kiến cái chết của 3 đồng chí nhưng vẫn bình thản “nhổ điếu thuốc cháy dở ra xa rồi mới từ từ đưa đầu vào máy chém”. Chi tiết mộc mạc ấy khiến tôi rất xúc động về bản lĩnh của một nhà cách mạng trên đoạn đầu đài...

Chú thích ảnh
Chân dung những người “gây ra cuộc biến động ngoài Bắc” trên trên trang 15 báo “Phụ nữ Tân Văn”, số 44 (ngày 20/3/1930)

* Có vẻ, anh rất tôn trọng tới tính xác thực của tư liệu. Điển hình, cuốn sách bỏ qua một số phát ngôn vẫn được lưu truyền là của các nhà cách mạng trước tòa đại hình - chẳng hạn như câu “Chúng mày về nước mà kéo đổ tượng Jeanne d’Arc” của Cô Bắc hay “Đại sự không thành chết là vinh” của Phó Đức Chính. Và ngược lại, anh cũng không bỏ sót các gam màu xám của khởi nghĩa Yên Bái nhưviệc tùy tiện thanh trừng nội bộ, đánh cướp tống tiền, hay sự bạc nhược, hèn yếu của một số gương mặt trong phiên xét xử...

- Vâng, là luật sư tôi nên chú trọng đến chứng cứ. Trong quá trình sưu tầm tư liệu, đặc biệt là các bài báo tường thuật những phiên xét xử này, tôi không hề thấy bất kỳ tờ báo nào hoặc tư liệu bản án nào trích dẫn những câu nói đó. Rất có thể, đó là sự thêm thắt của thế hệ sau để làm nổi bật cái tráng khí và chủ nghĩa anh hùng của họ.

Ngược lại, với “những gam màu xám”, tôi nghĩ rằng phẩm chất quan trọng nhất của mỗi công trình khảo cứu lịch sử là sự trung thực. Nói như lời tựa của nhà báo Yên Ba, cuộc khởi nghĩa là dịp để Việt Nam Quốc dân Đảng bộc lộ toàn bộ những mặt mạnh, yếu về đường lối, tổ chức cũng như con người. Ở đó, có người mãi được nhìn nhận với vị thế của một anh hùng vị nước vong thân, nhưng cũng không thiếu người để lại những tư cách đáng quên.

Chú thích ảnh
Phiên hành quyết 4 vị lãnh đạo của cuộc bạo động bằng máy chém tại nhà pha Hỏa Lò (Hà Nội) sáng 9/3/1931, bao gồm Nguyễn Văn Nho (em trai Nguyễn Thái Học), Nguyễn Quang Triệu, Ký Con (Đoàn Trần Nghiệp) và Lương Ngọc Tôn (cai tôn). Ảnh Tư liệu

* Cuối cùng, một chút nhận xét của anh cuộc khởi nghĩa này, sau khi hoàn thành cuốn sách?

Thành thật, tôi rất khâm phục những người khởi xướng cuộc bạo động chống Pháp này. Biết thất bại, biết sẽ hi sinh nhưng họ vẫn xúc tiến khởi nghĩa với mong muốn thiết tha: chết đi cho dân tộc này được sống và cho người sau nối bước. Khi đọc tư liệu, nhiều lúc tôi không thể kìm chế cảm xúc trước khí phách can trường, ngạo nghễ của Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp, Lương Ngọc Tôn hay nhiều người khác.

Tuy nhiên, khi gấp cuốn sách, bình tâm suy nghĩ thì tôi nhận thấy họ- dù là những người yêu nước và vô cùng dũng cảm - nhưng rất khó thành công bởi phương pháp cách mạng, cũng như cách tổ chức thiếu phù hợp, thiếu hiệu quả của mình. Đó là điều vô cùng đáng tiếc không chỉ cho cá nhân những lãnh tụ khởi nghĩa mà cho cả lịch sử cận đại Việt Nam.

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện.

Tên gọi Tiếng thét Yên Bái của cuốn sách được lấy cảm hứng từ 2 câu thơ trong bài Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc: Vạch trời thét một tiếng vang/Cho thân tan với giang san nước nhà.

Hoàng Nguyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm