Rồng Việt Nam từ khởi nguồn đến hiện đại

23/01/2012 12:49 GMT+7 | Văn hoá

Theo GS sử học Lê Văn Lan, hình tượng rồng Việt Nam mỗi thời mang dáng dấp riêng. Thời Lý rồng hồn nhiên, đến thời Trần được thổi vào vẻ mạnh khỏe, thời Lê thì quan liêu hách dịch và thời Nguyễn trở nên cứng nhắc.

Ngày cuối năm Tân Mão, trong căn nhà nhỏ trên phố Nguyễn Văn Tố (Hà Nội), GS sử học Lê Văn Lan say sưa nói về con rồng, biểu tượng của năm mới Nhâm Thìn. Theo ông, hiện có rất nhiều quan điểm và cái nhìn về rồng ở Việt Nam. Tuy nhiên, để tìm hiểu được sâu sắc và tổng quan về con vật linh thiêng này cần bắt đầu từ ngôn ngữ học.

Rồng bắt đầu bằng phụ âm rung là "r". Từ "rồng" về mặt cấu trúc ngôn ngữ học là sự đơn âm tiết hóa (tức là làm cho từ gốc đa âm tiết của tiếng Việt cổ thành đơn âm) và được bảo lưu ở vùng Tây Nguyên. Ở đó người ta chỉ con sông là Krông, có 2 phụ âm kép K và R, nguyên âm "ông". Ví dụ Đăk - Krông nghĩa là nước sông; Krông Ana là thủy điện xây trên sông Ana. "Krông" khi đơn âm tiết hóa và bảo lưu lại phần phụ âm rung, cộng nguyên âm "ông" thì chính là "rồng".

Hình tượng rồng thời Lý với thân tạo hình dòng sông.

"Do đó rồng có nguồn gốc tượng hình của con sông", GS Lan khẳng định và dẫn chứng thêm, nếu leo lên cao chụp lại các khúc uốn của con sông thì đó hoàn toàn là hình ảnh con rồng. Các biểu tượng rồng nghìn năm hiện nay cũng chính là hình ảnh dòng sông. Từ xa xưa, khi nào cần nước thì người dân cầu khấn rồng. Rồng sẽ phun nước cung cấp nguồn sống cho mùa màng. Rồng là một vị phúc thần.

"Nhiều người cho rằng rồng chỉ gắn với vua chúa. Rồng là vua với các từ như long nhan (mặt vua), long thể (người vua), long sàng (giường vua)... Nhưng đó là một suy nghĩ hạn chế bởi rồng không chỉ gắn bó mà còn đồng nhất, đùa cợt, chơi đùa với dân", GS Lan nói.

Ông dẫn chứng, nếu tìm các mảng điêu khắc đình làng, nơi chứa tinh hoa nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 17-19 sẽ gặp một loạt hình tượng rồng gắn bó với dân. Có ông cụ rồng đeo kính dạy học cho lũ rồng con, có ổ rồng trong đó con rồng mẹ đang quấn quít cùng rồng con. Đặc biệt có cả cảnh các cô gái làng tắm trần nhưng ở thế tắm chung với rồng, vuốt râu rồng, thậm chí cưỡi lưng rồng...

GS Lan cho hay, trong văn hóa học, nơi nào là xuất phát của văn hóa thì gọi là "bình phát", còn nơi tiếp nhận gọi là "bình chứa". Ở Việt Nam lưu hành ý kiến văn hóa Việt thường xuyên là bình chứa, nhưng thực chất có thời kỳ chúng ta là bình phát, có sự giao lưu hai chiều.

Cũng trong ngôn ngữ học, âm rung là ngôn ngữ phương Nam, còn Hán ngữ không có phụ âm đầu rung. Chính vì thế nên Trung Hoa biến tất cả âm rung thành âm lưỡi, âm "l". Ví dụ trong xướng âm chúng ta có đồ, rê, mi, pha, son, Trung Hoa lại biến thành tồ, lê, mi, pha, xô. "Rê" thành "lê", đó là quy luật biến âm rung thành âm lưỡi.

"Việc rồng biến thành long là hoàn toàn đúng quy luật. Vì Trung Quốc có thời đã lấy rồng từ Việt Nam và biến thành long", GS Lan nói và khẳng định Việt Nam nên tự hào là khởi hình cho rồng Trung Hoa, táp vào các đặc điểm hình thể để tạo nên long.

Vị giáo sư sử học phân tích thêm, con rồng gốc Trung Hoa trên vùng Hoàng Hà, từ Đường, Lục triều, Hán thì chính là sư tử. Về sau, cùng với sự bành trướng xuống phía Nam, gặp Dương Tử giang đã tiếp nhận chữ "giang", âm viết là "công" chính là âm "K" trong từ Việt cổ "Krông" - một kênh tiếp nhận thêm các yếu tố rồng của Việt Nam. Từ thân là con thú sư tử thành thân dòng sông, thân rắn. Như vậy ít nhất một nửa rồng Trung Quốc là của Việt Nam.

"Ở Việt Nam còn tồn tại tư duy đèn xếp, gấp hết tất cả nếp văn hóa, thời gian lại và gọi chung là rồng Việt Nam. Nhưng ta có rồng Lý, rồng Trần, đến Lê, Nguyễn", GS Lan nói.

GS Lê Văn Lan khẳng định, Việt Nam là khởi nguồn của hình tượng rồng thể hiện rõ trong ngôn ngữ học. Ảnh: Hoàng Thùy.

Rồng thời Lý uyển chuyển, thậm chí hồn nhiên, giữ nguyên khởi hình là con rắn. Nhiều người thấy hình vẽ thu nhỏ trên con tem, trông rất giống con giun thì gọi là rồng giun. Tuy nhiên, trước đây Viện trưởng Viện bảo tàng Mỹ thuật đầu tiên, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, thấy ai gọi là rồng giun thì có thể ngất vì giận.

"Đó là rồng rắn, con giun thì hèn hơn rắn nhiều và không thể uốn thân lượn sóng được. Con rồng này còn được lưu giữ ở trong những câu đồng dao như trò chơi dân gian rồng rắn lên mây", GS Lan cho hay.

Hình ảnh con rồng thời Lý thích hợp với chính sách nhà Lý lúc bấy giờ, mềm mại, uyển chuyển, xuất hiện những ông vua hiền. Cũng từ thời Lý, hình tượng rồng vua - rồng dân cũng có nét phân biệt, rồng vua có 5 móng, còn rồng dân chỉ 4 móng.

Thời Trần dùng nguyên hình ảnh rồng thời Lý nhưng táp vào đó hào khí Đông A. Hào khí thời Trần thấm vào con rồng khiến nó trở nên mập mạp. Nếu rồng Lý bị nhầm với giun thì rồng Trần không thể nhầm được vì nó khỏe mạnh, lực lưỡng.

Rồng Lê lại bị ảnh hưởng dội ngược từ Trung Hoa. Hình ảnh con rồng thời này vẫn còn lưu giữ trong điện Kính Thiên, đó là con rồng do vua Lê Thánh Tông cho làm vào ngày 15/8/1467 (âm lịch). Tạo hình con vật này hợp với thời phong kiến thịnh trị. Nó bệ vệ oai nghi trườn từ điện Kính Thiên xuống, dương vây dương vảy, tỏ vẻ nghênh ngáo đắc ý.

Nếu rồng thời Lý còn chân chim ưng xòe ra rất hồn nhiên vì gắn với tự nhiên thì rồng trong điện Kính Thiên thò tay ra quặp lấy râu, vuốt râu. Rồng thời Lê vì thế trở thành quan liêu, dương dương tự đắc. Nó không còn hồn nhiên như thời Lý, khỏe mạnh như thời Trần mà trở thành một thế lực ung dung tự tại, nghênh ngang, hách dịch.

Đến rồng thời Nguyễn thì hoàn toàn xơ cứng, thể hiện rõ bước thoái trào của chế độ phong kiến. Nó chịu ảnh hưởng ngược của rồng Trung Hoa, trở nên cứng ngắc, đầy vẻ dọa nạt giống con rồng thời Minh, Thanh. Rồng ở cung đình, đền miếu lúc này như một thế lực đe dọa chứ không đùa giỡn với mọi người. Nó đi qua bước hồn nhiên thời Lý, khỏe mạnh thời Trần, quan liêu thời Lê và trở nên cứng nhắc thời Nguyễn.

"Ngày nay, trong thị hiếu của thời đại mới thì hình tượng rồng càng phức tạp, lòe loẹt, chứ không sâu sắc mang ý nghĩa như ngày xưa. Đặc biệt khi ta đang muốn 'hóa rồng' thì cần chú ý chọn mô hình nào để mà 'hóa", GS Lê Văn Lan nói.

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm