Quỳnh Hương - Nỗi đau của ngoại

14/09/2021 10:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - NSƯT Quỳnh Hương nổi tiếng đóng vai già từ khi... còn rất trẻ. Chị đóng bà mẹ, bà ngoại trong rất nhiều vở cải lương và kịch nói. Và trong số đó có một bà ngoại nghèo đã “đốn tim” khán giả ở vở Diều ơi, khiến cả khán phòng ngập tràn nước mắt.

Những khoảnh khắc đẹp trên sân khấu kịch nói (Kỳ 1): NSND Hoàng Yến - 'Yêu là thoát tội'

Những khoảnh khắc đẹp trên sân khấu kịch nói (Kỳ 1): NSND Hoàng Yến - 'Yêu là thoát tội'

Vở kịch "Yêu là thoát tội" do Nhà hát Thế Giới Trẻ sản xuất, chính xác hơn là do “bà bầu” NSND Hoàng Yến bỏ vốn ra đầu tư, đã gây ấn tượng rất mạnh về một cách làm kịch văn học - sử nghiêm túc và thẩm mỹ cao.

1. Sân khấu 5B dựng vở Diều ơi với nhiều diễn viên được tăng cường từ cải lương, như NSƯT Hữu Quốc (tác giả lẫn đạo diễn, diễn viên), NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Quỳnh Hương. Cả 3 người này đóng vai chính quanh bi kịch của một đời người. Đó là cô Nhớ (Thoại Mỹ) bị gã đàn ông (Hữu Quốc) lừa tình đến nỗi mất trí, phải sống tựa vào bà mẹ già (Quỳnh Hương) nơi góc quê nghèo. Bà mẹ vừa vất vả mưu sinh, vừa vất vả chăm sóc đứa con khùng khùng dại dại, và chăm cả đứa bé còn đỏ hỏn gọi là cháu ngoại cho tới lúc bé lên 7 tuổi.

Chú thích ảnh
NSƯT Quỳnh Hương vai bà ngoại, NSƯT Thoại Mỹ vai cô Nhớ, bé Gia Hân vai bé Diều trong vở “Diều ơi”. Ảnh: H.K

Vừa làm đàn ông, vừa làm đàn bà, vừa làm mẹ, làm bà ngoại, làm tất cả các vai trò trụ cột trong gia đình, gánh nặng đè lên đôi vai gầy guộc của bà. Quỳnh Hương với vóc dáng mảnh mai, mặc chiếc áo bà ba màu tối, đã tạo hình nhân vật thành công ngay từ khi khán giả nhìn thấy lần đầu trong vở diễn. Bây giờ không dễ mà có một nghệ sĩ mang vóc dáng như Quỳnh Hương để cho người ta tin vào sự nghèo khổ, xót xa.

Nét mặt Quỳnh Hương cũng mang nặng nỗi buồn, dù đã được che đậy bằng vẻ kiên cường, mạnh mẽ. Phải kiên cường thì mới gánh nổi cái gánh đau thương ấy suốt bao nhiêu năm. Nhưng rồi thì cũng có lúc người ta hết chịu đựng nổi, phải òa vỡ, phải buông xuôi, coi như xả stress. Đó là lúc cô Nhớ không chịu ăn cơm mà cứ ca cẩm đủ thứ, làm mình làm mẩy y như một đứa trẻ, bà mẹ dỗ dành mãi không được, bà đành hét lên kêu trời và sụp xuống. Sự chịu đựng đã vượt ngưỡng, bà mẹ phải vỡ tan một phút giây thôi, nếu không ắt bà sẽ nổ tung thực sự.

Chú thích ảnh
NSƯT Quỳnh Hương vai bà ngoại, bé Gia Hân vai bé Diều trong vở “Diều ơi”. ẢNH: H.K

Nhìn cái cách Quỳnh Hương gào lên bất lực và thống khổ, khán giả trào nước mắt. Họ quá thông cảm cho bà mẹ ấy. Ai cũng từng nếm trải những áp lực cuộc sống, nên họ hiểu, và thương. Áp lực mỗi ngày dồn nén một chút, không nhìn thấy rõ đâu, nhưng tới lúc cái lò xo bị nén hết mức sẽ phải bật lên, người ta thảng thốt. Quỳnh Hương diễn rất nhẹ nhàng và rồi tăng dần áp lực, tăng dần cho tới lúc cảm xúc dâng tràn thì chị kéo khán giả đi trong một cơn xoáy lốc thật đẹp của nghệ thuật.

Chú thích ảnh
NSƯT Quỳnh Hương vai bà ngoại, NS Nghinh Lộc vai cô Thu, bé Gia Hân vai bé Diều trong vở “Diều ơi”. ẢNH: H.K

2. Lớp diễn tiếp theo là lúc bà ngoại dẫn cháu tới giao cho cô Dung, một nhà từ thiện nhận nuôi bé Diều. Buổi tiễn đưa được giấu bé Diều, ban đầu chỉ là một cuộc gặp gỡ bình thường, cô Dung mua tặng bé Diều chiếc đầm mới và một đôi giày xinh xắn. Bé Diều tíu tít với cô Dung, còn bà ngoại thì đứng đằng xa nhìn cháu, cố nén đau thương. Bà đứng xa xa chiêm ngưỡng hạnh phúc của cháu, một phần là để cháu không trông thấy mình, sẽ ra đi dễ dàng.

Quỳnh Hương diễn với gương mặt bà ngoại ban đầu cười mãn nguyện vì cháu mình được mặc đồ mới trông xinh hẳn lên. Bà hân hoan khi nghĩ tới tương lai tươi sáng mà cháu sẽ được hưởng. Nhưng rồi gương mặt ấy dần dần đượm buồn, rồi đôi mắt đỏ hoe, rồi mím môi giữ cho tiếng khóc không bật ra… Những xúc cảm tâm lý tinh tế cứ đi chầm chậm, chầm chậm vào nhân vật rồi đẩy tới cao trào, khi 2 bà cháu ôm nhau nức nở.

Người nghệ sĩ giỏi đã không cần gào thét, mà tận dụng khoảng lặng để diễn, kéo được người xem nín thở dõi theo khoảng lặng đó. Hình dáng bà ngoại gầy gò, tay cầm chiếc giỏ đệm, chiếc nón lá, vai rung rung theo từng tiếng nấc cố kìm nén, đã khắc sâu vào trái tim người xem. Ra về, người ta cứ ám ảnh hình bóng bà ngoại đứng nép từ xa dõi theo cháu mình. Sân khấu luôn có những ám ảnh lạ lùng như thế.

Chú thích ảnh

Quỳnh Hương có đôi mắt dễ khóc, đó là một ưu điểm trên sân khấu. Nhưng chị biết tiết chế, không khai thác quá lố. Nghệ sĩ khóc kiểu nào để cho khán giả khóc theo, chứ không phải cứ ầm ĩ mà thành công. Quỳnh Hương tránh được sự cường điệu của cải lương. Cải lương thì phải dùng ngôn ngữ hoặc diễn xuất hơi “lên ga” một chút cho các cao trào bi thương, đau khổ, ai cũng chấp nhận. Nhưng với kịch thì không nên như thế. Quỳnh Hương là người diễn kịch rất ra kịch, nhẹ nhàng mà thấm sâu. Chị xứng đáng là một Nghệ sĩ Ưu tú từ những vai già.

(Còn tiếp)

Hoàng Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm