Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quảng Nam cần bảo tồn tối ưu các Di sản Văn hóa thế giới của mình

22/07/2020 07:57 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc rà soát các di sản đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới để xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng thí điểm nhằm bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị văn hóa của di sản, chiều 21/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chuyến khảo sát thực tế Khu Đô thị cổ Hội An, làm việc với lãnh đạo thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam về công tác trùng tu, cơ chế quản lý, bảo tồn đối với các di tích đặc biệt, trong đó có Chùa Cầu, công tác phòng cháy chữa cháy Khu phố cổ.

Quảng Nam: Giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển Di sản Văn hóa thế giới Hội An

Quảng Nam: Giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển Di sản Văn hóa thế giới Hội An

Sau 20 năm, kể từ ngày được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Hội An được bảo tồn, phát huy hiệu quả, là nguồn lực đưa kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương phát triển vượt bậc. T

Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho biết: Hội An hiện có 1.438 di tích đã được kiểm kê, phân loại, trong đó có 28 di tích cấp Quốc gia, 47 di tích cấp tỉnh. Riêng Khu phố cổ có 1.130 di tích, trong đó có 9 di tích đơn lẻ được xếp hạng quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên Hội An đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đó đặc biệt phải kể đến tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, tình trạng xuống cấp và xu hướng mua bán nhà là các di tích thuộc sở hữu tư nhân.

Dù được đánh giá là thành công điển hình về công tác quản lý, bảo tồn di tích, song thực tế đặc thù của Hội An là di tích sống, do đó công tác bảo tồn phải đảm bảo sinh kế của người dân, đặc biệt là các di tích tư nhân. Là quần thể di tích sống, Di sản Văn hóa thế giới Hội An luôn nằm trong diện nguy cơ cao về cháy.

Trong điều kiện hạn hẹp về nguồn kinh phí, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An cũng đã nỗ lực bảo vệ quần thể Di sản khá tốt, nhưng thực tế vẫn gặp không ít khó khăn. Các di tích luôn trong tình trạng thách thức ngày càng lớn, nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ về cơ chế, nhất là cơ chế sử dụng kinh phí từ nguồn thu bán vé tham quan phố cổ, để phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Chú thích ảnh
Khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Đoàn Hữu Trung - TTXVN

Ghi nhận những lực của tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh và thành phố nghiên cứu hình thức đầu tư các dự án có tính cấp thiết theo hình thức xây dựng dự án, ghi vốn trung hạn giai đoạn sau theo đúng quy định của Luật Ngân sách.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Di sản Văn hóa thế giới Hội An là Di sản sống nên tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội có thể làm văn bản trình các bộ, ngành liên quan và Thủ tướng xem xét, ứng vốn đầu tư đối với công trình hạ tầng, trùng tu mang tính cấp thiết, đặc biệt là với Dự án phòng cháy, chữa cháy Khu phố cổ cũng như trùng tu di tích đặc biệt Chùa Cầu ngay trong năm nay; đảm bảo bảo tồn tối ưu các Di sản Văn hóa thế giới của tỉnh, đặc biệt là Di sản Văn hóa thế giới Hội An, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

 Đoàn Hữu Trung/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm