Phi Tuyết Ba - 'Bổ vành trăng nhỏ mà têm trầu vàng'

09/06/2021 18:51 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Sao anh vội ngỏ lời/ Vào một đêm trăng khuyết/ Để bây giờ thầm tiếc/ Một vầng trăng chưa tròn!” (thơ Phi Tuyết Ba, nhạc Huy Thục). Là tác giả của 9 tập thơ nhưng Phi Tuyết Ba lại là người từng dạy toán ở 2 trường đại học. Không chỉ nổi tiếng với bài Trăng khuyết được phổ nhạc kể trên, cô giáo toán Phi Tuyết Ba còn có bài ở trang 141 sách Tiếng Việt 2(tập 1) bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK: Nguyễn Phan Khuê trẻ mãi với thiếu niên nhi đồng

Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK: Nguyễn Phan Khuê trẻ mãi với thiếu niên nhi đồng

Những ngày cuối tháng 5/2021 ông Nguyễn Phan Khuê, Trưởng ban tổ chức giải bóng đá U13 Việt Nam, bận chỉ đạo thực hiện tốt giải đấu trong tình hình dịch bệch diễn biến phức tạp, nhưng vẫn dành thời gian để đọc lại bản thảo sách sắp in "Hương hoa hoàng lan" của mình.

Bài thơ Đàn mưa con của tác giả Phi Tuyết Ba trong cuốn sách giáo khoa kể trên như sau:

“Đám mây đen trĩu nặng

Cúi mình xuống thấp dần

Cho đến khi rạn vỡ

Sinh ra triệu đứa con

Đàn mưa con bé tí

Trong trẻo như giọt sương

Vừa mới rời xa mẹ

Đã can đảm xuống đường

Giọt đậu vào cành khế

Giọt thấm xuống cánh đồng

Giọt bay trên mái phố

Nhảy dù xuống dòng sông

Sau nhiều ngày trôi nổi

Đi du lịch khắp nơi

Chúng gặp nhau ở biển

Làm sóng trắng trùng khơi…”.

Nhìn toàn cảnh, bài thơ có sự đăng đối thú vị trong biến chuyển từ đen sang trắng. Có cái đau “rạn vỡ”, tan biến ở khổ thơ thứ nhất, mới có kết nối, sinh thành ở khổ cuối.

Dụng công nối trời cao với biển rộng, không chỉ tạo ra thực cảnh mẹ thiên nhiên vĩ đại đang vận hành vũ trụ, mà còn hình thành được ẩn ý, ngợi ca tình mẫu tử trên đời. Có cái nhìn toàn cảnh như thế mới hiểu thấu đáo tiêu đềĐàn mưa con.

Sinh động nhất, “mưa” nhất là khổ thơ thứ 3 trong bài. 4 động từ “đậu”, “thấm”, “bay”, “nhảy” liên tục xuất hiện khiến nhịp thơ cấp tập, ào ạt như cơn mưa rào. Tác giả đưa bút như người quay phim lia máy, theo bước chân mưa để nối vườn cây, với cánh đồng, mái phố với dòng sông, mở rộng tầm mắt người đọc.

Chú thích ảnh
Bài “Đàn mưa con” của Phi Tuyết Ba trong sách “Tiếng Việt 2” (tập 1)

Những vần thơ chơi đùa với thiên nhiên

Phi Tuyết Ba đã 2 lần nhận thưởng khi tham gia các cuộc vận động viết cho thiếu nhi. Nhân vật thiếu nhi trong thơ Phi Tuyết Ba, ngay ở những bài thơ tả thực vẫn có sức vóc khác thường để có thể chơi đùa với thiên nhiên. Chơi thân đến mức có quà tặng:

“Quà mùa Hè

Cây tặng bé

Những chú ve

Quà mùa Hè

Biển gửi về

Nhiều gió mát

Trời xanh ngắt

Mây trắng trôi

Nắng đầy trời

Vòm cây hát

Trái trở mật

Hoa phượng tươi

Gió đưa mây

Sa xuống mãi

Cho bé hái

Cơn mưa rào…”.

(Quà mùa Hè)

Thân đến mức, đã có lần, ông mặt trời bước hẳn vào nhà:

“Líu lo líu lic

Bầy chim chuyền cành

Líu lo líu lic

Hót gọi bình minh

Tiếng chim ban sớm

Trong ngần giọt sương

Tươi non mầm lá

Đựng đầy hương thơm

Líu lo líu lic

Bầy chim chuyền cành

Chim gọi em đấy

Mắt hồng, mắt xanh

Líu lo líu lic

Cùng với bầy chim

Em ra sân trước

Mở cửa bình minh

(Mở cửa bình minh)

Hái được cơn mưa rào hay mở cửa để thế gian có một ngày mới, phải là người có sức mạnh Thánh Gióng. Khác với Thánh Gióng làng Phù Đổng múa roi đánh giặc, Thánh Gióng của Phi Tuyết Ba là Thánh Gióng thời bình.

Chú thích ảnh
Phi Tuyết Ba

Có bài thơ như hằng đẳng thức đáng nhớ

Là tác giả của 9 tập thơ nhưng Phi Tuyết Ba lại là người từng dạy toán ở 2 trường đại học. Điều này khiến bà trở thành đồng tác giả của tập thơ Kỳ vọng (NXB Văn Nghệ TP.HCM 1998) - thơ của 5 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vốn là giáo viên toán - Thạch Quỳ, Vương Trọng, Đặng Hấn, Lê Quốc Hán và Phi Tuyết Ba.

Dùng ngôn ngữ toán học mà giải mã thơ Phi Tuyết Ba, người đọc sẽ mở ra được nhiều góc nhìn thú vị. Trong Truyện Kiều, ở “bài toán” vầng trăng, Nguyễn Du mới chỉ dùng phép chia, chia đều nhớ thương cho người đi kẻ ở: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường…”.

Còn bài giải của Phi Tuyết Ba, trong thơ mình, dùng phép cộng 2 bàn tay nâng niu để có đủ số đếm thập phân (“Mượn đâu mười ngón tay mềm…”), rồi mới tới phép chia của người thưởng nguyệt (“Bổ vành trăng nhỏ…”), để rồi lấy “thương số” lóng lánh vừa chia mà nhân ánh vàng, nhân vẻ đẹp lên bằng động từ“têm” - têm trầu cánh phượng - để đôi cánh điêu khắc xanh nhân lên vẻ lung linh của vầng trăng sáng: “Mượn đâu mười ngón tay mềm/ Bổ vành trăng nhỏ mà têm trầu vàng”.

Trong cấu tứ tác phẩm thơ ca có khi Phi Tuyết Ba cài nhân vật trữ tình của mình vào một bài toán vật lý tìm chiều chuyển động:

“Riêng điều ấy không bao giờ anh biết

Có một lần em lỡ hẹn cùng anh

Chiều vàng xanh nơi góc phố xanh

Em đến gần… cánh cửa xanh hé mở

Bên bậc cửa có một đôi guốc đỏ

Đôi chân em sao khó bước qua

Chỉ một bước thôi là hết cách xa

Anh gần lắm… phía bên kia đôi guốc

Chẳng biết vì sao chân em lui bước

Chiều đương xanh bên cánh cửa xanh

Có lẽ nào em lỡ hẹn cùng anh

Đôi guốc đỏ biết rằng em đã tới”.

(Điều anh không biết)

Chỉ kể, chỉ tường thuật không bình luận trong nhịp thơ bát ngôn đều như đếm. Lời giải đổi chiều chuyển động, “lui bước” để thua đẹp, đã có, nhưng ám ảnh của sự tranh chấp giữa 2 tín hiệu xanh, đỏ,giữa nhịn nhường và cướp đoạt trong bài còn theo mãi người đọc!

Nhưng toán nhất trong những bài thơ của Phi Tuyết Ba là bài này:

“Ngỡ biết đủ rồi

Nhưng đó là ngày hôm qua

Ngỡ hết lầm lỗi rồi

Nhưng đó là ngày hôm qua

Ngỡ đến đích rồi

Nhưng đó cũng chỉ là ngày hôm qua

(Ngày hôm qua)

Rất toán vì chỉ có biện luận không có hình ảnh. Nhưng vẫn rất thơ vì biện luận bằng điệp ngữ đã tạo nhịp điệu cho bài. Thứ nhịp đối đáp sống động. Rất thơ vì 6 dòng chạy đà từ “hôm qua” dẫn người đọc thơ tới điểm xuất phát hôm này, để chính họ nghĩ tới ngày mai của mình. Bài thơ đủ sức gợi biến độc giả thành đồng tác giả. Bài thơ như một hằng đẳng thức đáng nhớ!

Đã vui như tắm mưa lại buồn như khóc thầm

Bài viết về Phi Tuyết Ba của nhà thơ Lê Quốc Hán, một người trong nhóm “5 anh em trên một chiếc xe thơ” chạy bằng bánh xích toán học, có tiêu đề như một tiếng reo vui: “Orêca! Orêca! Đây mới thực thơ nàng Phi Tuyết Ba!”. Trong bài ông viết: “…Phi Tuyết Ba suy nghĩ bằng trái tim, nên thơ chị thông minh nhưng vẫn thấm đẫm tình đời nói chung và tình yêu tuổi trẻ nói riêng. Đặc biệt, khi được âm nhạc chắp cánh, những vần thơ đầy chất trí tuệ và tươi trẻ của chị bay vút lên, thành “bài ca đi cùng năm tháng”:

“Anh ngỏ lời yêu em

Vào một đêm trăng khuyết

Bởi tình yêu tha thiết

Biết tròn trước đêm rằm

Em vui lúc trăng tròn

Chạnh lòng khi trăng khuyết

Anh ơi anh có biết

Trăng hay tình lứa đôi?

Sao anh vội ngỏ lời

Vào một đêm trăng khuyết

Để bây giờ thầm tiếc

Một vầng trăng chưa tròn!”.

(Trăng khuyết)

Nhà thơ Lê Quốc Hán nhắc tới tác phẩm chung của Phi Tuyết Ba và nhạc sĩ Huy Thục, bài tình ca Trăng khuyết mà người viết lời thơ, người phổ giai điệu âm nhạc. Ca khúc được ca sĩ tài danh Tân Nhàn chọn làm bài dự thi Sao Mai 2005 và đoạt huy chương Vàng, dù nhiều năm trước NSND Thu Hiền đã hát và đã có cả triệu người nghe.

Tác giả ca từ Phi Tuyết Ba, nói về cơ duyên thơ nhạc trong sáng tạo chung này: “Hồi đó chúng tôi cùng sinh hoạt trong CLB Thơ - Nhạc - Họa của các nhà khoa học. Tôi tặng nhạc sĩ Huy Thục tập thơ Lời tình yêu. Ông tự chọn Trăng khuyết để phổ nhạc, rồi chính ông mang bản nhạc chép tay tới CLB Thơ Tràng An nơi tôi sinh hoạt thơ ca, ký tặng. Ông đàn piano hát tôi nghe. Rất tự tin ông nói để dành bài này đến kỳ Hội diễn Ca múa nhạc dân tộc! Năm 1992 hội diễn được tổ chức, có 3 ca sĩ chọn hát bài này và đều có giải. Duy Thường, Tiến Dũng nhận Huy chương Vàng, Mỹ Lệ được giải Khuyến khích. Xin nói thêm khúc ngâm mở đầu ca khúc do chính nhạc sĩ Huy Thục đưa vào”.

Đây là một bản nhạc buồn có hơi oán. Cái buồn “đoạn trường” cắt ruột, đứt ruột. Cái buồn như dao cứa theo âm hưởng ca trù nhiều đảo phách, buồn như uất, như nghẹn vì những vần trắc khổ độc “khuyết”, “thiết”, “biết”, “tiếc”. Buồn trong so sánh ngầm, so sánh mở giữa bi kịch riêng rách vỡ không thể hàn gắn của câu chuyện tình với tuần hoàn chung nhịp nhàng trên cao - trăng khuyết trăng lại tròn.

Cùng với Đàn mưa con trong sách giáo khoa giúp trẻ học vui như tắm mưa, Phi Tuyết Ba còn Trăng khuyết khóc thầm với người thất tình!

Vài nét về Phi Tuyết Ba

Phi Tuyết Ba sinh năm 1946, tốt nghiệp khoa toán trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội năm 1969. Từng dạy tại Đại học Công nghiệp nhẹ, Đại học Ngoại ngữ. Là tác giả các tập thơ Lời tình yêu (1991), Lỗi tại trái tim (1992), Mi-mô-za (1996), Kỳ vọng (in chung, 1998), Sóng thời gian (2000), Quà tặng (2004), Hoa trên gai (2007), Viết giữa hai người (đồng tác giả với Nhật Thăng, 2013), Ánh sáng soi đường hẹp (2016). Hiện sống và viết tại Hà Nội.

Sinh ra tại Đồng Hới, Quảng Bình, nhưng quê nội Phi Tuyết Ba lại ở làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá rất nổi tiếng ở Hoài Đức, Hà Nội. Người viết bài có dịp liên hệ với Bảo tàng nhiếp ảnh ở làng nghề Lai Xá và được biết một chuyện hay:

Theo người phụ trách bảo tàng thì thân phụ Phi Tuyết Ba, nghệ nhân nhiếp ảnh Phi Văn Lưu thời trẻ, theo thầy dạy nghề đi bấm máy nhiều nơi, có dừng chân ở Huế, và từng là người chụp ảnh lưu niệm cho hoàng gia Bảo Đại.

Ông lập gia đình và an cư ở Đồng Hới, Quảng Bình. Ngày 16/6/1957, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Quảng Bình ông chính là người được phân công chụp ảnh sự kiện lịch sử này. Con gái ông - Phi Tuyết Ba - ngày ấy là học sinh giỏi của tỉnh được chọn là người dâng hoa tặng Chủ tịch nước. Tấm hình cô bé quàng khăn đỏ đứng bên Bác Hồ trên lễ đài sân vận động Đồng Hới do chính cha mình bấm máy.

(Còn tiếp)

Lý Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm