Phát hiện về cung điện của Caligula: Giải mã sự xa hoa của 'bạo chúa' La Mã

01/12/2020 19:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cung điện xa hoa của Caligula (12 - 41), vị hoàng đế La Mã khét tiếng bậc nhất trong lịch sử, mới được phát hiện ở Roma.

Khám phá 'Cung điện dưới lòng đất' ở thủ đô nước Nga

Khám phá 'Cung điện dưới lòng đất' ở thủ đô nước Nga

Ở nước Nga, các nhà ga tàu điện ngầm được ví là những cung điện lộng lẫy dưới lòng đất.

Phân tầng khảo cổ phức tạp này nằm dưới khu văn phòng của Enpam, một thiết chế nằm dọc theo quảng trường Piazza Vittorio Emanuele II ở trung tâm Đông Nam Roma. Địa điểm này nằm trong khu vực Đồi Esquiline - 1 trong 7 ngọn đồi của Roma, nơi thành phố ban đầu được xây dựng.

Cung điện có khu nuôi hươu và gấu

Trong quá trình khai quật, các nhà nghiên cứu Italy đã tìm thấy một cung điện sang trọng với khu vườn được trang trí công phu hoàn chỉnh với các vòi phun nước và khu chăn nuôi kỳ lạ, nơi nuôi đà điểu, hươu và thậm chí là gấu.

Chú thích ảnh
Tượng bán thân mô tả chân dung Hoàng đế La Mã Caligula

Tiến sĩ Mirella Serlorenzi thuộc Bộ Di sản và Hoạt động Văn hóa nói với tờ Times rằng: “Những gì được tìm thấy tại nơi này hé lộ những câu chuyện đáng kinh ngạc. Chúng tôi đã tìm thấy xương chân sư tử, răng gấu, xương đà điểu và hươu. Chúng ta có thể tin rằng những con vật này đã được nuôi như thú cảnh, hoặc được sử dụng cho các trò xiếc riêng của hoàng đế”.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra hạt giống của các loài thực vật ngoại lai nhập khẩu, cũng như tàn tích của một cầu thang bằng đá cẩm thạch trắng nối các tầng khác nhau của khu vườn và một đường ống nước có tên của Claudius, người kế vị của Caligula.

Chú thích ảnh
Hình ảnh tạo dựng về khu vườn kỳ lạ của Hoàng đế Caligula

Sau 3 năm khai quật, tàn tích của các khu vườn và kiến trúc kỳ lạ đã được tìm thấy, trong đó có những bức bích họa sống động - những bức tranh tường được làm trên thạch cao ướt, qua đó sắc tố màu thẩm thấu vào bề mặt tường...

Các tư liệu cho thấy Caligula đã tiếp quản cung điện này vào năm 37 sau Công nguyên khi ông trở thành hoàng đế ở tuổi 24. Cung điện này được xây dựng bởi Lucius Aelius Lamia – một vị quan chấp chính giàu có và đã để lại tài sản của mình cho Hoàng đế.

Vị hoàng đế sa đọa nhất La Mã

Caligula là hoàng đế thứ 3 của Đế chế La Mã, luôn được sử sách biết đến với lối sống vô cùng sa đọa và vô luân trước khi bị ám sát năm 41 sau Công nguyên.

Chú thích ảnh
Các đồ tạo tác được tìm thấy trong quá trình khai quật

Ông tên thật là Gaius Caesar Augustus Germanicus, sinh ra vào năm 12 sau Công nguyên. Ông được được đặt cho biệt danh Caligula, hay “chiếc ủng nhỏ”, liên quan đến bộ đồng phục nhỏ bé mà cha mẹ mặc cho mình. Tuy nhiên, sau này Caligura ngày càng ghét biệt danh này.

Mẹ và các anh trai của Caligula đã chết trong tù sau khi bị buộc tội phản quốc, sau đó hoàng đế thứ 2 La Mã Tiberius (trị vì vào năm 14 đến năm 37 sau Công nguyên) nhận Caligula làm con nuôi và ông trở thành người thừa kế của đế chế.

Khi Caligula bắt đầu thừa kế ngai vàng vào năm 37 sau Công nguyên ở tuổi 24, dù không có kinh nghiệm về chiến tranh và ngoại giao nhưng ông được Roma chào đón. Lên ngôi, Caligula giải thoát những người mà vị tiền nhiệm của mình đã bỏ tù một cách bất công và loại bỏ một số loại thuế vô lý. Ông cũng mở ra một kỷ nguyên gồm rất nhiều sự kiện tổ chức công cộng, từ các cuộc đua xe ngựa và các trận đấu quyền thuật cho đến các cuộc đấu trí và đấu sĩ. Caligula cũng có những cải tiến tại các bến cảng ở Rhegium và Sicily, cho phép tăng cường nhập khẩu ngũ cốc từ Ai Cập nhằm đối phó với nạn đói…

Chú thích ảnh
Nhà khảo cổ học Silvia Fortunati chải sạch những mảnh vỡ của nội thất cung điện lịch sử, để lộ ra những bức bích họa “sống động” - những bức tranh tường được làm trên thạch cao ướt

Tuy nhiên, chỉ sau 6 -7 tháng ngồi ngai vàng, mọi thứ đã thay đổi. Caligula lâm bệnh nặng trong 1 tháng và hồi phục. Sau trận ốm “thập tử nhất sinh” đó, Caligula đã trở nên hoang tưởng hơn và đã có những hành động điên rồ không thể lý giải nổi. Ông tăng thuế để trả cho lối sống xa hoa của mình và trở thành kẻ thống trị theo chủ nghĩa khoái lạc đầy sa đọa.

Các ghi chép kể rằng Caligula đã giết bất cứ ai làm ông phật lòng, bất kể họ có thân thiết với ông như thế nào. Caligula đã hành quyết người anh họ và con nuôi của mình, Tiberius Gemellus. Bà của Caligula đã rất tức giận với hành động đó và đã chết ngay sau khi bày tỏ sự thật đó.

Đau lòng hơn, Caligula còn tra tấn những vị quan cấp cao trong triều đình bằng việc bắt họ chạy hàng dặm ở phía trước xe ngựa của mình. Hay Caligula còn nhẫn tâm đến mức tuyên án tử hình bất cứ ai trót quên... sinh nhật của ông. Đặc biệt, dù được hoàng đế tiền nhiệm truyền ngôi, nhưng Caligula lại tỏ ra “vô ơn” khi đã thanh trừng bất cứ ai tỏ ra trung thành với Tiberius, kể cả vợ của chính mình. Người ta nói rằng Caligula đã buộc cha mẹ của những người mà ông ta hành quyết phải chứng kiến cái chết của con mình.

Chú thích ảnh
Phần còn lại của một cầu thang bằng đá cẩm thạch trắng liên kết các tầng khác nhau của khu vườn xa hoa

Về những thú vui sa đọa, tương truyền rằng Caligula từng uống những viên đá quý và ngọc trai hòa tan trong giấm và có câu nói cửa miệng: “Hãy nhớ rằng tôi có quyền làm bất cứ điều gì với bất kỳ ai”. Ông đã ra lệnh dỡ bỏ đầu của nhiều bức tượng khác nhau và thay thế bằng đầu của mình. Thậm chí, Caligula trân trọng chiến mã Incitatus đến mức đã cho nó một ngôi nhà riêng - với máng cỏ bằng ngà voi và một gian hàng bằng đá cẩm thạch và cho ngựa đeo cổ nạm ngọc.

Caligula cũng được cho là đã tuyên bố mình là một vị thần sống. Ông không chỉ ăn mặc như như Hercules, Mercury, Venus và Apollo, mà còn ra lệnh xây dựng một cây cầu nối cung điện của mình với Đền thờ Jupiter.

Đương nhiên, việc làm bẩn quyền lực của Đế chế La Mã với sự điên cuồng như vậy hầu như không được ai đón nhận. Lối sống xa hoa của vị hoàng đế này đã tiêu hao ngân khố La Mã nhanh hơn mức ông có thể bổ sung bằng tiền thuế và tống tiền. Vào ngày 24/1/41, Caligula bị các sĩ quan của đội cận vệ Hoàng đế La Mã do Cassius Chaerea chỉ huy đâm chết cùng với vợ và con gái của mình.

Các đồ tạo tác được tìm thấy tại tàn tích từ cung điện của Hoàng đế Caligura, gồm đồ trang sức, tiền xu, xương động vật và một chiếc trâm kim loại thuộc về một cận vệ hoàng gia, sẽ được trưng bày trước công chúng.

Việt Lâm

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm