Pháo hoa Đà Nẵng - nhìn lại một 'thương hiệu'

10/07/2019 19:06 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF lần thứ 10 vừa khép lại trong ngập tràn ánh sáng, sắc màu và cảm xúc. Tròn 10 mùa pháo hoa kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008, Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) đã có những bước phát triển vượt bậc.

10 mùa thi cho một thương hiệu pháo hoa Đà Nẵng

10 mùa thi cho một thương hiệu pháo hoa Đà Nẵng

17.000 khán đài luôn được lấp kín chỗ ngồi mỗi đêm, du lịch tăng hơn 11% so với cùng kỳ, những hình ảnh tuyệt đẹp về văn hoá, lịch sử, con người và cảnh quan thành phố bên sông Hàn, Việt Nam một lần nữa được lan toả. Đà Nẵng đã tạo dựng nên một sản phẩm du lịch giải trí độc đáo, gợi mở nhiều bài học quý về cách làm thương hiệu du lịch.Chúng ta hãy trở lại Cuộc thi Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) được tổ chức đầu tiên vào năm 2008 để thấy một bước chuyển dịch dài về lượng và chất.

Khởi đầu từ ý tưởng: Thành phố Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương, phải có vị thế với các tỉnh thành trên cả nước không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa - thể thao, du lịch, lãnh đạo thành phố đã khởi xướng việc xây dựng một lễ hội văn hóa du lịch đặc thù cho Đà Nẵng.

“Vạn sự khởi đầu nan”

Khi các địa phương lân cận đều đã có những lễ hội đặc thù, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam có Festival, Đà Lạt có lễ hội hoa, Hạ Long (Quảng Ninh) có carnival đường phố, Nha Trang có lễ hội biển… Đà Nẵng mạnh dạn chọn cho mình cuộc thi pháo hoa “độc nhất vô nhị”.

Đầu tháng 3/2008, 3 sở của thành phố vừa mới được sáp nhập lại thành Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch thì cuối tháng 3, TP Đà Nẵng tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa.

Chú thích ảnh
Màn bắn pháo hoa của đội Anh trong đêm chung kết DIFC 2019

Nhớ lại những mùa pháo hoa đầu tiên, ông Ngô Quang Vinh - nguyên GĐ Sở Du lịch Đà Nẵng - chia sẻ “Thời gian tổ chức pháo hoa rất gấp gáp và vất vả, lúc đó 3 sở vừa sáp nhập, chưa ổn định nhưng hầu như tất cả mọi công việc chuẩn bị từ tổ chức chương trình nghệ thuật, bán vé, kiểm soát vé đều do Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch thực hiện. Đồng thời thành phố cũng huy động tất cả nguồn lực cán bộ, công nhân viên, từ ủy ban, các sở ban ngành cho đến các quận huyện vào cuộc. Lần đầu tiên có một lượng lớn pháo được vận chuyển từ biên giới về Việt Nam và tập kết tại TP Đà Nẵng, nếu như không chuẩn bị và bảo quản thật tốt thì rất đáng lo ngại” -ông Vinh nhớ lại.

Thông qua Công ty Global 2.000,cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức, 4 đội pháo hoa đã được quy tụ gồm: Maylaysia, Canada, Hong Kong (Trung Quốc) và chủ nhà Đà Nẵng (Việt Nam). Mời được những đội pháo hoa nổi tiếng trên thế giới tham dự, nhưng vấn đề lớn đặt ra cho chủ nhà là chưa có đội pháo hoa nào được thành lập.

Chú thích ảnh

“Tất cả các đội pháo hoa đến đây dự thi đều là những đội pháo hoa trình diễn chuyên nghiệp, họ đến với tư cách là những công ty tư nhân chuyên về trình diễn pháo hoa quốc tế. Còn chúng tôi hầu hết lại là các chiến sĩ làm việc tại Bộ chỉ huy quân sự và làm việc chuyên trách, trước đó chỉ có kinh nghiệm bắn pháo hoa chào mừng trong các dịp lễ lớn của thành phố cũng như cả nước, chưa hề biết đưa pháo hoa đi thi thố nghệ thuật là gì” - ông Huỳnh Ngọc Chính, đội trưởng đội Đà Nẵng chia sẻ.

Chính vì sự không chuyên ấy, ngay từ mùa đầu tiên, thành tích của đội Đà Nẵng, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 trong 4 đội tham dự.

Song song với thời gian thi tài ngắn, hai bờ sông Hàn quá tải bởi khán giả địa phương và du khách đổ về. Thời đó, cứ chuẩn bị đến mùa pháo hoa, người dân thành phố lại rạo rực trước cả tháng trời. Không phân biệt già- trẻ, gái - trai, giàu- nghèo, từ sáng sớm tinh mơ ai nấy đều đến thật sớm để chọn và giữ chỗ ngồi thật đẹp.

Với mong muốn đưa cuộc thi trở thành một sự kiện thường niên, toàn đội Đà Nẵng của Việt Nam đã được cử đi học một khóa huấn luyện về trình diễn pháo hoa trên nền nhạc nghệ thuật tại Malaysia để sẵn sàng cho những ngày hội pháo hoa kể từ đó.

Thành phố của pháo hoa

Từ năm 2016, DIFC được giao quyền cho doanh nghiệp tổ chức theo hình thức xã hội hóa, với quy mô ngày càng được nâng dần qua từng mùa tổ chức. Từ cuộc thi, DIFC đã được nâng tầm trở thành Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF. Sau khi xã hội hóa, quy mô đã tăng lên 8 đội tham dự với thời gian diễn ra từ 1-2 tháng.

Chú thích ảnh
Đội Phần Lan vô địch DIFF 2019

Những mùa đầu tiên, các chủ đề cuộc thi chỉ xoay quanh TP Đà Nẵng như Huyền thoại sông Hàn, Vũ điệu Tiên Sa, Tình yêu sông Hàn, Âm vang sông Hàn… về sau, các chủ đề ngày càng được mở rộng hơn như Bản giao hưởng sắc màu, Huyền thoại những cây cầu hay Những dòng sông kể chuyện.

Là người gắn bó với DIFC từ những mùa đầu tiên với cương vị Ban giám khảo, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Đà Nẵng chia sẻ: “Chất lượng pháo những mùa đầu không được hiện đại như bây giờ. Có những khoảnh khắc nhạc chạy rồi nhưng pháo thì chưa thấy đâu, hay pháo đang bắn lên lại bị xì,… Trải qua quá trình học hỏi và kinh nghiệm thực tế, có thể thấy kỹ thuật bắn pháo hoa của đội chủ nhà cũng như các đội khác đều đã lên một tầm cao mới. Các kỹ xảo càng xuất hiện nhiều hơn, màu sắc và hiệu ứng đa dạng, không gian bắn rộng hơn và tầm bắn cũng cao hơn, khiến người xem rất bất ngờ và thích thú”.

Chú thích ảnh

Nhìn lại quá trình tổ chức mới thấy, trước đây, ngoài việc tổ chức thi bắn pháo hoa, BTC chưa chú trọng đến những hoạt động phụ trợ. Ngày ấy, các sự kiện bên lề hầu hết đều xoay quanh chủ đề về pháo hoa, về sau, DIFF mang đến những hoạt động phụ trợ đa dạng, phong phú về âm nhạc, lễ hội đường phố, ẩm thực, nghệ thuật, phục vụ cho đông đảo mọi tầng lớp nhân dân và du khách.

“Sau 11 năm, đội chúng tôi đã có những cải tiến và học hỏi qua bạn bè rất nhiều, đồng thời cũng tham gia nhiều cuộc thi pháo hoa quốc tế với tinh thần vừa giao lưu vừa học hỏi kinh nghiệm. Dù chưa vô địch, nhưng chúng tôi cũng đã gặt hái được một số thành tích nhất định ở các lễ hội pháo hoa trên thế giới như: Giải nhất Lễ hội Globalfest tại Canada được tổ chức năm 2014, giải nhì Lễ hội Firewords of Lighbt tại Canada được tổ chức năm 2012, ở DIFF chúng tôi có 7 lần đoạt giải 3 và 1 lần đoạt giải khuyến khích. Giống như trong bóng đá, dù có khó khăn nhưng điểm mạnh của chúng tôi chính là luôn đoàn kết, tự tin và sẵn sàng quyết thắng” - ông Chính bày tỏ.

Chú thích ảnh

Với sự đầu tư cả về quy mô, chất lượng, thời gian kéo dài 1-2 tháng, người dân và du khách đều thoải mái để tận hưởng trọn vẹn lễ hội. Họ thực sự được được đối xử như “thượng đế”, bước vào các khán đài với một vị thế khác hẳn, các chương trình nghệ thuật được đầu tư bài bản với sân khấu hoành tráng. Điều đó lý giải vì sao pháo hoa đã tạo nên những bước nhảy ngoạn mục về tăng trưởng các nguồn thu.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, so với cùng kỳ DIFF 2018, lượng khách lưu trú ước đạt 116.433 lượt, tăng 11%; Công suất phòng khách sạn luôn đạt mức 65-70%; khối khách sạn 4-5 sao công suất đạt tới 75-85%, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và nguồn thu cho người dân, doanh nghiệp trong thành phố.

Lễ hội không chỉ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân, du khách, tạo điểm nhấn cho thành phố Đà Nẵng mà còn góp phần thu hút khách du lịch đến với các địa phương lân cận như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế cũng như các tỉnh miền Trung trong hơn 1 tháng diễn ra sự kiện.

“Lễ hội đã tạo nên sự khác biệt và trở thành bản sắc riêng, chỉ có ở TP Đà Nẵng. Giờ đây, nhắc đến Đà Nẵng là người ta nghĩ ngay đến thành phố pháo hoa. Pháo hoa đã trở thành thương hiệu góp phần rất lớn vào việc phát triển du lịch Đà Nẵng. Có thể nói đây là một chủ trương rất đúng đắn” - ông Ngô Quang Vinh chia sẻ.

Hoàng Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm