NSƯT Thúy Mùi: Chèo không thể 'ăn xổi'

02/12/2013 14:37 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 15/12, vở chèo hiếm hoi được đầu tư tiền tỉ của Nhà hát Chèo Hà Nội: Vương nữ Mê Linh sẽ trở lại công diễn phục vụ khán giả tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Đây là cuộc “tái xuất” đầu tiên của vở diễn vừa giành HCV cuộc thi Chèo toàn quốc.

Tại cuộc thi Chèo, Vương nữ Mê Linh không chỉ giành HCV cho vở diễn mà đạo diễn – NSƯT Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát, còn được trao HCV duy nhất cho đạo diễn xuất sắc nhất. NSƯT Thúy Mùi có cuộc trò chuyện ngắn với TT&VH.

NSƯT Thúy Mùi

* Thật ngạc nhiên khi được biết Nhà hát Chèo Hà Nội đạt doanh thu trên 10 tỉ đồng/năm. Lý do là gì, thưa chị: vì nghệ thuật, hay vì giỏi “làm kinh tế”?

- Nhiều người xui chúng tôi làm kinh tế. Nhưng nói thật, giải bài toán kinh tế với loại hình nghệ thuật vốn “ế” khách như Chèo không dễ. Vì thế, chúng tôi phải “lấy ngắn nuôi dài”, tức là diễn hài, tiểu phẩm, trích đoạn dễ xem…

Thời gian gần đây, Nhà hát bắt đầu tính tới những chiến lược dài hơi, chẳng hạn việc “nuôi” khán giả trẻ cho Chèo. Đề án mang chèo đến các trường học ở Hà Nội đang được thực hiện khá tốt. Thế mà lúc đầu, nhiều người nói, lập đề án làm gì cho mất thời gian, cứ làm những gì dễ kiếm tiền thôi. Nhưng quả thật, chèo thì không thể “ăn xổi” được bạn ạ.

* Chèo Hà Nội dám “mạnh tay” chi hàng tỉ đồng dựng 1 vở. Vì sao chị dám liều như vậy? Doanh thu của những vở tiền tỉ này có tốt?

- Hai vở tiền tỉ của Nhà hát là: Oan khuất một thời Vương nữ Mê Linh. Oan khuất một thời diễn nhiều đêm đông khách và có 10 đêm diễn tại TP. HCM cũng đều kín rạp. Vì thử nghiệm đầu tiên đạt kết quả tốt như vậy nên các nghệ sĩ mới tiếp tục “cuộc chơi” ở vở tiếp theo. Ngoài 15 suất diễn tại Hải Phòng trong cuộc thi Chèo toàn quốc, Vương nữ Mê linh đã được lập kế hoạch lưu diễn, kể cả tới TP. HCM vào năm 2014.

* Làm quản lý lâu năm, khi quay trở lại với nghệ thuật, chị có gặp áp lực?

- Điều khiến tôi đau đầu nhất là thời gian. Vì thế mà ê-kíp nhiều lúc phải làm việc bất kể giờ giấc, kể cả vào ban đêm. Nhưng may mắn là bên mình luôn có những người nhiệt huyết sẵn sàng hỗ trợ, đó là những diễn viên, những nghệ sĩ lão thành… Ở Nhà hát Chèo Hà Nội có điều rất đáng quý là văn hóa ứng xử với nhau như một gia đình. Và thành công Nhà hát Chèo có được hôm nay là nhờ chất xám của cả một tập thể.

Cảnh trong vở Vương nữ Mê Linh

* Chuyện trước kia, khi diễn Nàng Sita, Lâm Bằng xinh đẹp ra sân khấu còn Thúy Mùi đứng trong cánh gà hát thay. Và hiện giờ, với cương vị Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, khi tuyển diễn viên, chị chọn “Thanh” hay “Sắc”?

- Ngày đó, do nhu cầu của khán giả, người ta tận dụng giọng hát hay hơn của Thúy Mùi, sức quyến rũ, trẻ đẹp của Lâm Bằng. Tôi coi đó là một chuyện bình thường. Nhưng cách làm mới đó đến một thời điểm không thể tồn tại lâu dài.

Còn riêng với nghệ thuật truyền thống nói chung và loại hình kịch hát nói riêng thì “Thanh” phải là yếu tố đầu tiên. Tại cuộc thi Chèo toàn quốc vừa qua, giám khảo cũng chấm chọn người hát hay hơn những người chỉ đẹp hình thức.

Thanh Ba (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm