NSƯT Hoàng Yến: 'Tôi tin ai cũng thèm được đóng kịch hàn lâm hoặc kinh điển'

05/11/2018 19:03 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trước bối cảnh sân khấu kịch đang thiên mạnh về giải trí, thậm chí xàm xí, vì sao Nhà hát Thế giới trẻ (thuộc Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) vẫn quyết tâm “đi ngược”, để dựng những vở dạng hàn lâm, cổ điển như Yêu là thoát tội, Âm binh, Medea? Họ gặp những khó khăn, thách thức nào khi chọn đi còn đường này?

NSƯT Hoàng Yến (Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát kịch Thế giới trẻ) có cuộc trò chuyện cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

* Khi mang những vở hàn lâm, cổ điển đi lưu diễn, đặc biệt là đến với các trường đại học, bên chị nhận về những hiệu ứng gì, những suy nghĩ nào?

- Khi đến biểu diễn ở các trường rất thuận lợi, vì chúng tôi là thầy cô, sinh viên một trường đào tạo nghệ thuật lớn, nên luôn nhận được sự cảm tình từ sinh viên. Khi diễn xong, nhận được cảm xúc tràn đầy trong ánh mắt của họ, tôi thấy dòng chính kịch như được mở thêm một cơ hội đi tìm người xem.

Sau mỗi suất diễn như vậy, chúng tôi thường bán hết 100 vé giá ưu đãi cho sinh viên đến xem thêm các vở diễn tối thứ Năm tại sân khấu Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.

Chú thích ảnh
Hoàng Yến vào vai Thị Lan, trong vở “Yêu là thoát tội”

* Vậy thì thuận lợi và khó khăn khi theo đuổi dòng chính kịch này là gì?

- Để dựng một tác phẩm nghệ thuật tốt, bây giờ chúng tôi chỉ còn biết dựa vào áp lực lúc trình làng trước bạn nghề, báo chí, những nhà lý luận phê bình, các bậc tiền bối sân khấu.

Mỗi lần dựng vở đi thi, tôi thường nói với thầy tôi - NSND Trần Ngọc Giàu - thầy chỉ cần nói vở được hoặc dở, nếu dở thì em sẵn sàng bỏ vở đó luôn. Nhưng ơn trời, thầy luôn đồng hành, góp ý, để chúng tôi dựng cho được những tác phẩm sân khấu đáng xem.

* Ngay tại sân khấu nhà, bên chị cũng ít được diễn các suất cuối tuần, vì nhà hát đã cho Công ty Sài Gòn Phẳng thuê định kỳ, đó có phải là một khó khăn?

- Nhà hát Thế giới trẻ là cái tên được Nhà giáo nhân dân Hà Quang Văn đặt cho, bao nhiêu công sức của ông đã xây lên ngôi trường 10 tầng, với sân khấu quay, đầy đủ trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho một trường nghệ thuật được nhà nước bao cấp, để đào tạo các thế hệ làm về lĩnh vực sân khấu và điện ảnh. Tiếc thay, khi thầy nghỉ, vì gặp nhiều khó khăn, nhà trường đã cho thuê mặt bằng sân khấu từ chiều thứ Sáu đến hết đêm Chủ nhật, với cường độ biểu diễn dày đặc, làm cho toàn hệ thống xuống cấp trầm trọng.

Năm 2017, phía tư nhân đã bỏ tiền nâng cấp lại rạp, ngày nay, khi chúng tôi diễn thì cũng phải chi trả cho bên tư nhân một số tiền không nhỏ, nhưng lại không được diễn cuối tuần, không được làm phòng bán vé ngoài cổng trường, khó khăn nối tiếp khó khăn, nhưng các nghệ sĩ là giảng viên, sinh viên nhà trường vẫn cố gắng để duy trì các vở diễn.

Chú thích ảnh
Hoàng Yến vào vai Medea, trong vở kịch cùng tên

* Chị nghĩ những vở diễn chính kịch, hoặc nặng thể nghiệm có thể đi vào các mô hình xã hội hóa, tư nhân được không, hay là vẫn cần phải được tài trợ, bao cấp?

- Vở chính kịch hay hài kịch, vở nghệ thuật thể nghiệm hay thương mại… mỗi loại hình đều có khán giả riêng. TP.HCM đang có nhiều rạp hát cũ nát, để trống, nếu thành phố chịu đầu tư sửa chữa rồi bàn giao hoặc cho thuê - tùy đơn vị, giới làm nghề sợ gì thiếu sân khấu, khán giả thì tha hồ chọn lựa, tác phẩm tử tế hoặc giải trí đơn thuần đều có đất sống.

Còn bao cấp để dựng vở thì tôi không thích, họ sẽ duyệt từ khâu kịch bản để cấp tiền cho đến dàn dựng, cảnh trí. Nghệ thuật là sáng tạo, là rung động, là cảm nhận… nếu người lãnh đạo giỏi nghề thì không sao, còn từ các lĩnh vực khác sang quản lý rồi duyệt thì ôi thôi.

* Theo kinh nghiệm của chị, có cách nào để những vở dạng này đến gần khán giả hơn, bởi nếu ai cũng ngại thua lỗ, ngại khổ, thì rất khó để kịch hàn lâm, cổ điển sống tiếp và sống được?

- Đã là nghệ sĩ, tôi tin ai cũng thèm được đóng kịch hàn lâm hoặc kinh điển. Tôi được thoại những câu kịch hay, sống trong không gian kịch đẹp như vở Yêu là thoát tội, tôi có cảm tưởng mình là Lọ Lem ở trong hoàng cung lộng lẫy.

Nhưng đúng là dựng vở xong mà không có người xem, thua lỗ thì dựng làm gì. Tôi không đổ lỗi cho khán giả, cho các loại hình giải trí, trò chơi truyền hình, tấu hài, kịch kinh dị… Xã hội phát triển, công nghệ chiếm lĩnh cuộc sống của chúng ta, ấy là điều bình thường. Nhưng trong sâu thẳm, nó không cướp được cảm xúc, người làm sân khấu đang thiếu các điều kiện về kỹ thuật để đáp ứng kịp giải trí của xã hội, thì hãy dùng cách kể mới, làm sao len lỏi vào được cảm xúc của họ.

Nhìn lại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018: Tiếc cho 'Bạc' già, buồn vì 'Bạc' non

Nhìn lại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018: Tiếc cho 'Bạc' già, buồn vì 'Bạc' non

Nhìn về tổng thể, có thể nói Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 đã tương đối thành công và chuyên nghiệp. Đây xứng đáng là cơ sở cho Ban tổ chức căn cứ vào đó để làm tốt hơn cho những lần tiếp theo. Tuy nhiên, sự kiện nào cũng có những giá như và tiếc nuối, lần này đến từ hai Huy chương Bạc (HCB).

Sân cỏ đã khởi sắc bởi có các ông chủ đi tìm tài năng đào tạo từ tấm bé. Sân khấu cũng nên vậy, rất cần một thế hệ nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn, được nuôi dưỡng đào tạo bài bản, mới mong đáp ứng được sự phát triển của xã hội.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm