NSƯT Bảo Quốc: Mãi mãi một tình yêu sân khấu

12/05/2011 11:10 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau bao lời động viên của người nhà, bạn bè, đồng nghiệp; anh em báo chí cũng… xúi, cuối cùng NSƯT Bảo Quốc cũng… chịu làm live show. Live show “có một không hai” (về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) của ông sẽ diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình trong hai đêm 14 và 15/5 với sự góp mặt của hàng loạt tên tuổi hàng đầu làng văn nghệ: NSƯT Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Hồng Vân, Hữu Châu, Kim Tử Long, nghệ sĩ Thanh Thủy, Phước Sang, Anh Vũ, Tấn Beo, diễn viên Chi Bảo, Huỳnh Đông, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng…

62 tuổi đời, 52 năm tuổi nghề, có thể nói Bảo Quốc là một trường hợp khá hiếm hoi khi ông gần như chưa bao giờ là “kép chính” nhưng cũng chưa bao giờ thôi... “hot”.

Hơn 50 năm vẫn “hot”

Là “thiếu gia” của gánh Thanh Minh lừng danh tưởng như Bảo Quốc có thể “một bước lên tiên” nhưng thực tế ông không hề được sự ưu ái nào nhờ “thân thế” ngoài sự chăm lo, khuyến khích của người cha, danh ca Năm Nghĩa nổi tiếng của sân khấu cải lương miền Nam, những lời động viên, khuyên nhủ của “chị ba”, “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga... Những gì ông gặt hái được hoàn toàn là do nỗ lực không biết mệt mỏi qua những bài học hàng đêm sau cánh gà, từng bước đi lên từ vai kép con, kép lẳng, kép phụ chỉ vài câu thoại...

Giữa những ngôi sao rực rỡ nhất của làng sân khấu Việt Nam: Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thành Được, Hữu Phước... tưởng như Bảo Quốc khó có thể bật sáng, nhưng ông vẫn tìm được cho mình một chỗ đứng riêng.

NSƯT Bảo Quốc (trái) vai Nhan Tấn trong vở Nỏ thần

Ông chia sẻ: “Từ lần đầu bước lên sân khấu khi mới 10 tuổi đến bây giờ, tôi chỉ tâm niệm là phải hoàn thành tốt vai diễn của mình. Chứ chưa bao giờ muốn tranh giành với ai, muốn đè bẹp ai hay sợ bị người khác đè bẹp, lấn lướt. Khi đã thành danh tôi cũng chưa bao giờ đòi hỏi, yêu sách hay đi trễ về sớm làm “bầu sô” phải “nhức đầu” hay đồng nghiệp phiền lòng. Mỗi người có một vị trí vai trò riêng. Tôi may mắn nhận được nhiều vai diễn hay trong sự nghiệp dù chỉ là vai phụ như Chương Hầu (Tiếng trống Mê Linh) hay Y “xì ke” (Bóng tối và ánh sáng)... nhưng nếu không có sự nỗ lực tìm tòi, đào sâu vai diễn thì sẽ không có thành công.

Như vai Y “xì ke” kịch bản chỉ có 1 trang giấy thôi, tôi đã phải nghiền ngẫm kỹ để “khai phá”, tìm điểm nhấn cho nhân vật. Phải “đi học” xem con nghiện dáng vẻ ra sao, lên cơn thế nào... toàn phải núp trong bụi cây mà quan sát, không thôi bị đánh như chơi...”.

Sự sáng tạo trong diễn xuất của ông đã giúp nhân vật Y “xì ke” bật sáng dù chỉ là một vai phụ lướt ra trong khoảng 15 phút và cũng đem về cho ông giải Diễn viên phụ xuất sắc nhất tại hội diễn năm 1989.

Sự nghiệp của NSƯT Bảo Quốc có nhiều cái duyên thật tình cờ: trong một lần liều thế vai danh hài Thanh Việt trong vở Con ma nhà họ Hứa đã mở đường cho ông trở thành “đệ nhất danh hài”; trong một lần được đôn lên làm kép mùi trong vở cải lương hương xa Kiếm sĩ mù ông lấy được giải Thanh Tâm dành cho nghệ sĩ triển vọng (1969). Thú vị hơn khi 10 năm trước (1959), giải Thanh Tâm được sáng lập, chị Thanh Nga của ông là người đầu tiên đoạt giải với vai sơn nữ Phà Ca (vở Người vợ không bao giờ cưới), cũng là năm đầu tiên NSƯT Bảo Quốc bước lên sân khấu trong vai cậu bé Mộng Hùng; trong một lần muốn tìm thêm chút thử thách, ông đã không chọn vai An Dương Vương “sở trường” mà quyết định lần đầu làm kép độc để rồi ở tuổi 61 ông lại có thêm một vai để đời là Nhan Tấn (vở Nỏ thần) - huy chương Vàng cá nhân xuất sắc Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009...

Đau đáu với sân khấu cải lương

NSƯT Bảo Quốc cho biết mình đã “lấn sân” nhiều lĩnh vực như kịch nói, phim ảnh và cả ca nhạc nữa (với bài hát Vì sao tôi mê đá banh rất hài hước, có sự tham gia diễn xuất của các thành viên đội tuyển Việt Nam “thế hệ vàng”: Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh, Hoàng Bửu...). Ở đâu ông cũng đều “tròn vai” nên muốn live show sắp tới của mình sẽ có đủ mặt đại diện ở các lĩnh vực mình từng tham gia.

Nhưng với ông, cải lương luôn có một vị trí đặc biệt vì đã là “máu” trong gia đình từ cha ông truyền lại. Vì vậy, ông cũng có sự ưu ái cho cải lương trong live show với: vở Đi biển một mình (rút gọn trong 45 phút) - vở cải lương chỉ “một màn, một cảnh” nhưng rất thành công trên sân khấu Thanh Minh trước năm 1975; và trích đoạn tuồng cổ Lữ Bố hý Điêu Thuyền (vở Phụng Nghi Đình) - một trong những vở cải lương đầu tiên sau năm 1975, có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đoàn Thanh Minh. Cùng với đó là 2 trích đoạn kịch nói: Nỏ thần Thị Mầu.

“Làm cái live show này cực cả gia đình, ai cũng lo lắng chạy đôn chạy đáo hết. Chẳng thà không làm thì thôi chứ đã làm thì phải làm cho ra tấm ra món...”, NSƯT Bảo Quốc khẳng định. Cũng vì vậy, mặc dù phải chi hơn 1 tỷ đồng tiền đầu tư nhưng ông đã từ chối tất cả lời đề nghị tài trợ vì muốn giữ trọn vẹn không gian sân khấu biểu diễn; cũng không chạy theo “mốt” màn hình LED như các live show hiện nay mà quay lại sử dụng cảnh trí thật như sân khấu cải lương xưa - những cảnh trí sang trọng, tỉ mỉ đến từng chi tiết đã góp phần định hình phong cách “tuồng sang” cho đoàn Thanh Minh của gia đình ông ngày trước... 

Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm