NSND Thế Anh, Trà Giang 'hiến kế' cứu Hãng phim truyện Việt Nam

26/09/2017 06:55 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hiện trạng cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), cũng như những lùm xùm của nó, đang là câu chuyện thu hút sự quan tâm tuyệt đối của người trong nghề. Và, từ TP. HCM, hai gương mặt gạo cội là các NSND Trà Giang và Thế Anh cũng đã bức xúc lên tiếng.

Trong cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), 2 diễn viên lớn tuổi này đều có những chia sẻ khá tâm huyết về nguy cơ một thương hiệu Quốc gia bị xóa sổ hoàn toàn, cũng như về giải pháp cần có với VFS.

NSND Thế Anh: Nếu phải “khai tử”, hãy làm bảo tàng điện ảnh

Thế hệ chúng tôi đã quá già, không còn làm được gì nhiều. Và điện ảnh nước nhà cũng đã rẽ sang lối mới, nhà nước không còn đủ sức bao cấp, và cũng không nên bao cấp nữa.VFS phải cổ phần hóa là đúng quy luật thị trường.

Thế nhưng thị trường nào, và ai là người đại diện cho thị trường ấy để đồng hành, lãnh đạo VFS lại là câu chuyện khác.

Chú thích ảnh
Cả 2 NSND Trà Giang đều từng tham gia những bộ phim lớn của VFS. Trong ảnh là NSND Trà Giang trong phim “Chị Tư Hậu” (1962)...

Ông bà mình nói “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Tôi thẳng thắn nói rằng đối tác đang nắm phần lớn cổ phần của VFS, và cả đối tác đứng phía sau họ nữa, là không “nhất nghệ tinh” với việc làm phim nên không thể nào lèo lái VFS được.

Cho nên tương lai của VFS là mờ mịt, thậm chí sẽ bị diệt vong. Nghệ sĩ hiểu chuyện bức xúc là đương nhiên. Mâu thuẫn này không đơn giản để giải quyết và đã đến lúc Nhà nước hãy vào cuộc.

Và Nhà nước phải làm gì cho VFS đạt hiệu quả khi mà khả năng bao cấp không còn nữa? Tôi nghĩ Nhà nước nên bắt chước nước Nga. Khi hãng Mosfilm (tiếng Nga: Мосфильм) của Liên Xô (cũ) đứng trước nguy cơ đóng cửa, họ đã đứng ra bảo hộ, rồi giữ phần lớn cổ phần để hãng tiếp tục hiện diện với sứ mệnh làm phim.

Chú thích ảnh
...và NSND Thế Anh trong phim “Em bé Hà Nội” (1972)

Chính hành động kịp thời và sáng suốt này đã giúp cho một trong những hãng phim lớn nhất, lâu đời nhất của châu Âu tồn tại, rồi tái phát triển. Chưa kể, nước Nga cũng kịp định hướng để Mosfilm phát triển thêm giáo dục, bảo tàng chuyên nghiệp, vì vậy mà thế hệ ngày nay hiểu thêm lịch sử, di sản, thương hiệu của cha anh họ.

VFS có quá trình hoạt động xuyên suốt và đồ sộ bậc nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, làm gì mà không có đủ dữ liệu xây dựng một bảo tàng. Đối tác mới định giá thương hiệu VFS là 0 đồng, di chuyển kho đạo cụ và các kỷ vật còn lại đi nơi khác... Giới sưu tập đồ điện ảnh chỉ cần mua một cái băng cũ, một đôi dép cao su từ VFS… là đã phải chi một khoản tiền nhiều hơn giá với trị thương hiệu hơn nửa thế kỷ. Mà VFS có di sản hàng trăm bộ phim, hàng ngàn kỷ vật, hàng chục ngàn bức ảnh…

Tôi nghĩ, nếu VFS có thật sự chết đi, thì Nhà nước nên biến mảnh đất của nó thành một bảo tàng điện ảnh, chứ Hà Nội không nhất thiết phải có thêm một khách sạn, một cao ốc hoặc một công ty vận tải mọc lên ở khu đất ấy.

Vụ Hãng Phim truyện Việt Nam: Cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành sau cổ phần hóa

Vụ Hãng Phim truyện Việt Nam: Cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành sau cổ phần hóa

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành sau cổ phần hóa tại Hãng Phim truyện Việt Nam.

NSND Trà Giang: Hôm nay là VFS, ngày mai là ai?

Nghe tin Nhà nước hứa tiến hành thanh tra lại việc định giá VFS tôi rất mừng, nhưng cũng rất lo, vì giá bán cao không phải là ưu tiên đối với VFS. Bởi tôi cho rằng một đất nước phải được xây dựng từ nhiều cơ sở và nền tảng khác nhau, chứ không chỉ có đất hoặc tiền, mà còn giá trị văn hóa, thẩm mỹ, tinh thần, tâm linh…

Nếu VFS không còn được tiếp tục làm phim, thì việc tồn tại hoặc không tồn tại của nó cũng vô nghĩa. Mà nếu ngay từ thập niên 1950 chúng ta đã xem nhẹ việc làm phim thì VFS đã không ra đời, mảnh đất nơi nó hiện diện đã được sử dụng vào việc khác, liệu ngày nay có còn để mà bán đất hay không?

Chú thích ảnh
NSND Trà Giang thời trẻ

Tôi cũng nghĩ rằng VFS là một ví dụ cho nhiều ngành nghề, nhiều địa chỉ văn hóa lịch sử khác nữa, đâu phải nơi nào cũng làm ăn sinh lợi dễ dàng. Trước đây, tôi có nghe người ta nói muốn xóa bỏ Thảo Cầm Viên ở TP.HCM vì nó hoạt động không hiệu quả. Nghe mà nhói tim, bởi vườn bách thú hoặc công viên đâu phải chỉ để kinh doanh thuần túy.

Đã đến lúc cần sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước để giải quyết những câu chuyện như vậy. Nếu không, hôm nay là VFS, ngày mai sẽ đến các bảo tàng lịch sử, các di tích văn hóa…

Như Hà (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm