Những tiếng sơn ca cho thiếu nhi (kỳ 4): Để kịch thiếu nhi thoát cảnh… ăn đong

03/06/2019 15:39 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khác với chút im ắng tại TP.HCM, sân khấu kịch Hà Nội đón mùa Hè 2019 bằng một loạt vở diễn mới cho thiếu nhi. Chừng đó liệu đã đủ để đặt niềm tin vào sự phát triển bền vững của mảng sân khấu dành cho các em nhỏ?

Những tiếng sơn ca cho thiếu nhi (kỳ 3): 'Chấn hưng' ca khúc thiếu nhi

Những tiếng sơn ca cho thiếu nhi (kỳ 3): 'Chấn hưng' ca khúc thiếu nhi

Thiếu nhi được xem là những mầm non tương lai của đất nước và âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của thiếu nhi.

Bởi thực tế cho thấy, thời gian qua, các vở diễn dành cho thiếu nhi phía Bắc thường cũng chỉ rộ lên đúng vào thời điểm này.

Đa dạng hơn

Nhưng, vẫn cần khẳng định: vào Hè năm nay, các vở diễn dành cho thiếu nhi đã có sự phong phú và đa dạng hơn trong cả đề tài lẫn thể loại.

Điển hình, Nhà hát Tuổi Trẻ đưa ra cùng một lúc 3 vở diễn: Sơn Tinh - Thủy Tinh, Giấc mơ của nàng tiên cá, Con chim xanh. Trong đó, nếu Sơn Tinh - Thủy Tinh dựa trên cốt truyện dân gian vốn rất quen thuộc với các em thì 2 vở diễn còn lại đều lấy từ kịch bản nước ngoài: Giấc mơ của nàng tiên cá dựa trên truyện cổ tích nổi tiếng của Andersen, còn Con chim xanh chính là kịch bản nổi tiếng của tác giả người Bỉ Maurice Maeterlinck (từng đoạt giải Nobel văn chương năm 2011).

Chú thích ảnh
Cảnh trong vở “Sơn Tinh - Thủy Tinh” của Nhà hát Tuổi trẻ

Chú thích ảnh

Tương tự, cũng chọn chủ đề dân gian với kịch bản Tấm Cám, sân khấu Lệ Ngọc khá mạnh tay đầu tư khi mời hẳn Chua Soo Pong, đạo diễn người Singapore, về dàn dựng. Và, dưới ngòi bút của tác giả Nguyễn Hiếu, câu chuyện cổ tích Tấm Cám đã được “nắn” lại rất khéo để phù hợp với quan điểm giáo dục hiện đại: không còn phần trả thù tàn bạo của Tấm với mẹ con Cám để thay bằng sự ăn năn, hối lỗi của kẻ xấu, không còn chi tiết ông Bụt quyền năng, luôn hiện lên cứu giúp Tấm mà thay vào đó là những lời động viên, khích lệ từ hương hồn người mẹ đã qua đời.

Rộng hơn, các vở diễn xuất hiện trong mùa Hè 2019 cũng đều có sự sáng tạo tương đối so với vài năm trước.Vở rối Các con là tất cả của Nhà hát múa rối Thăng Long sử dụng nghệ thuật kịch nói để kết hợp nhiều loại hình rối nước, rối cạn, rối tay, rối người… để dẫn dắt cảm xúc của các em thiếu nhi.

Chú thích ảnh
Vở "Giấc mơ của nàng tiên cá"

Chú thích ảnh

Tương tự, Cuộc phiêu lưu của chú Tễu do Liên đoàn xiếc Việt Nam cũng có một cốt chuyện đầy đặn để kết hợp biểu diễn nhiều loại hình xiếc - bao gồm cả xiếc thú với những màn diễn của đà điểu, lợn, mèo. Rồi, Dũng sĩ Sờn Zách (Nhà hát kịch Việt Nam) của đạo diễn trẻ Lâm Tùng đã huy động hẳn một bộ khung đầy đặn, với những gương mặt gạo cội của đơn vị này như NSƯT Phú Đôn, Đình Chiến, Tuấn Vũ, Khánh Linh, Hồng Phúc…

Sự đổi mớivề nội dung, cũng như cách dàn dựng ấy, là tất yếu, nếu xét tới sự cạnh tranh giữa sân khấu với các loại hình giải trí hiện đại đang tràn ngập. Nói như đạo diễn NSƯT Sĩ Tiến, người đã áp dụng khá nhiều công nghệ hiện đại với màn hình LED và hiệu ứng 3D trong vở Con chim xanh, xu hướng giải trí và thưởng thức hiện có của các em nhỏ cũng là một bài toán mà đạo diễn cần tính đến để thay đổi tư duy của mình.

Chú thích ảnh
Vở "Con chim xanh"

Chú thích ảnh

Nhưng cần sự bền vững

Thực tế, vào dịp Tết thiếu nhi 1/6 và đầu Hè, những vở diễn dành cho các em nhỏ thường bán vé khá tốt - khi ngoài các bậc phụ huynh, nhiều đơn vị cũng có nhu cầu mua vé cho con em cán bộ công hoặc cho học sinh của trường. Đơn cử, vở Tấm Cám của sân khấu Lệ Ngọc đã diễn hơn 30 buổi nhưng chưa có dấu hiệu ngừng lại, thậm chí có ngày, họ phải diễn liền 3 suất theo đặt hàng của đối tác.

Nhưng, có kéo dài suốt mùa Hè, thông thường các vở diễn cho thiếu nhi cũng vẫn phải dừng lại để chờ tới… mùa Hè sang năm. Giữa 2 cột mốc ấy, hiếm khi một vở mới cho các em được dàn dựng thêm. Thậm chí, dịp Trung thu, nếu trước đây còn có đơn vị dựng kịch nói cho trẻ em thì bây giờ, xu thế chung lại là dựng các chương trình biểu diễn tổng hợp.

Có rất nhiều lý do để giải thích cho cảnh “mùa vụ” ấy. Về cơ bản, sân khấu thiếu nhi rõ ràng cũng không thể tách khỏi mặt bằng chung của một nền sân khấu phía Bắc đang gặp khó khăn. Đặc biệt, như chia sẻ của những người trong nghề, những vở diễn cho thiếu nhi thường được tiếp cận với tâm lý phục vụ các em nhiều hơn là kinh doanh, do vậy mức giá bán thường thấp hơn vở diễn cho “người lớn”.

Chưa kể, để những vở diễn cho thiếu nhi có thể xuất hiện và được duy trì một cách dài hơi, đó lại là câu chuyện liên quan tới những thành phần sáng tạo đặc thù như đạo diễn, tác giả sân khấu. Thực tế, ở thời điểm hiện tại, sân khấu Việt Nam có không nhiều những tác giả và đạo diễn chuyên tâm đi theo con đường này.

Như thế, rõ ràng, để những vở diễn phục vụ trẻ em có thể được đều đặn và dài hơi, câu chuyện nằm ở cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước, cũng như từ cộng đồng, thay vì chỉ gói gọn trong gánh nặng của ngành sân khấu.

Hướng tới sự chuyên nghiệp

Như chia sẻ của ông Trương Nhuận, người nhiều năm làm giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, sân khấu dành cho thiếu nhi trên thế giới thường được tổ chức khá chuyên nghiệp. Chẳng hạn, tại Đức sân khấu có quy mô vừa phải, từ 100-250 chỗ, để trong vở diễn, các nghệ sĩ đều có thể giao lưu, chia sẻ và cảm nhận được phản ứng từ các em cho vài diễn của mình.

Về mặt độ tuổi, các vở diễn được phân chia rất rạch ròi, có những vở chỉ dành cho khán giả từ 3-5 tuổi, có vở diễn dành cho khán giả trên 12-15 tuổi. Dù vậy, khi đặt tính giáo dục lên cao, nhiều vở diễn vẫn có thể xây dựng những thông điệp nghệ thuật để đề cập tới các vấn đề thời sự của xã hội như biến đổi khí hậu, vấn đề bạo lực, chiến tranh toàn cầu.

Và, vì mang tính giáo dục , vở diễn có thể được sự hỗ trợ của chính quyền, cũng như thu hút nguồn lực từ các quỹ phúc lợi xã hội…

(Còn nữa)

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm