Nhớ những cái Tết sum vầy bên gia đình

14/02/2015 10:35 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Những chuyến đi đã cho tôi nhiều bài học quý báu, giúp tôi trưởng thành và có những trải nghiệm vô cùng thú vị. Trog những thành phố tôi từng đi qua và những đất nước đã từng ghé thăm, có nơi chỉ thoáng qua chút kỷ niệm, có nơi lưu luyến khó rời, và cũng có nơi tôi xem như là quê hương thứ hai của mình. Nhưng tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước trong tôi lại là một thứ tình cảm không thể nào thay thế được. Với những ai từng sống xa nhà hẳn sẽ đồng cảm với nỗi nhớ mong về cố hương, nhất là trong những dịp lễ, Tết.

Tôi nhớ những cái Tết sum vầy bên gia đình. Những con đường làng vàng rực những cây mai trồng trước hiên nhà. Ở quê ngoại tôi, phần lớn các gia đình vẫn nhóm bếp nấu bánh tét, bếp lửa hồng tí tách suốt đêm. Ba ngày Tết, lũ trẻ tung tăng áo mới đi chúc Tết ông bà và khoe nhau những bao lì xì đỏ chói. Giờ nhìn lại thấy mình thật là một đứa trẻ nhà quê “giàu có” – có ông bà, cha mẹ, có anh chị em và họ hàng thương yêu, có những tháng năm tuổi thơ hồn nhiên đến tuyệt vời. Tôi không cần gì hơn thế!

Tôi nhớ thói quen gỡ những tờ lịch treo tường khi một ngày trôi qua và đếm từng ngày đến Tết Nguyên Đán. Không khí chuẩn bị Tết mới thật là nhộn nhịp. Tháng Chạp sang là lúc những hàng hoa đổ về thị trấn tạo nên những con đường hoa rực rỡ. Người người đi mua hoa chất đầy những chiếc xe lôi đạp – phương tiện giao thông thô sơ đặc trưng ở miền Tây Nam Bộ. Dưa hấu luôn là món ăn yêu thích của bọn trẻ xóm tôi nên lần nào đi mua dưa cả bọn cũng kéo nhau đi cùng, vừa đi vừa nghêu ngao  hát theo mấy bài nhạc xuân phát ra từ các cửa hiệu kinh doanh hay những quán cà phê hai bên đường.


Mùa Xuân ở Australia, ảnh tác giả chụp ở vườn hoa đào - thành phố Toowoomba. Ảnh: Andy Nguyễn

Tôi nhớ những năm đầu tiên xa nhà ở Sài Gòn. Những con đường như được khoác lên chiếc áo mới với đèn hoa rạng rỡ, ngày hay đêm cũng thật là náo nhiệt. Đường hoa Nguyễn Huệ là một trong những nơi để lại nhiều dấu ấn cho thành phố vào mùa xuân. Nhớ nhất có lẽ là Phố Ông Đồ trước Nhà Văn Hóa Thanh Niên, nơi tôi cùng các bạn ở Câu lạc bộ Mỹ Thuật viết thư pháp tặng khách tham quan.

Sau này, mỗi khi may mắn có dịp về Việt Nam vào dịp Tết, tôi vẫn thường về lại nơi đây để gặp lại những “Ông Đồ” năm cũ. Ngồi trên hè phố nghe mùi giấy mới quyện với mùi mực tàu, ngắm dòng người tấp nập ngược xuôi, phóng bút một đôi câu đối Tết mà thấy lòng bình yên đến lạ.

2. Một trong những thành phố mà tôi xem như quê hương thứ hai của mình là thành phố Brisbane, thủ phủ bang Queensland, Australia. Tôi thích khí hậu ấm áp của Brisbane, khá giống với Sài Gòn. Australia nằm ở phía Nam bán cầu nên lệch mùa so với Việt Nam. Mùa xuân ở Australia bắt đầu vào tháng 9 dương lịch và cũng là mùa có khí hậu dễ chịu nhất trong năm. Cây lá bắt đầu đâm chồi nẩy lộc, muôn loài như bừng tỉnh sau giấc ngủ đông.

Tháng 9 ở đây luôn cho tôi cảm giác như Tết ở quê nhà. Mùa xuân đến với muôn hoa khoe sắc thắm. Những hàng cây jacarandas (hoa phượng tím) trổ hoa như nhuộm tím cả một góc trời. Tôi đặc biệt thích những cây chuông vàng và hồng (yellow and pink trumpets), đến mùa xuân những thân cây to như cổ thụ phủ đầy hoa, màu sắc trông rất giống với màu của hoa mai và hoa đào ở Việt Nam. Những bông hoa rơi đầy lối đi hai bên đường như trải thảm hoa vào vườn cổ tích.

Tháng 9 cũng là mùa của những Lễ hội hoa tưng bừng ở Australia. Có thể kể đến Lễ hội hoa Toowoomba ở Queensland và Lễ hội hoa Floriade ở Canberra. Những nhà vườn đã kỳ công chăm sóc vườn hoa vô cùng đẹp mắt cho khách thập phương đến chiêm ngưỡng. Nhà vườn trồng hoa ở Việt Nam không hiếm, những vùng như Đà Lạt, Sa Đéc (Đồng Tháp) trồng rất nhiều hoa, nhưng tôi chưa thấy mô hình du lịch nhà vườn cho khách ngắm hoa độc đáo như ở đây. Hoa mai khá hiếm ở Australia, tuy nhiên hoa đào được trồng khá nhiều. Mỗi lần nhìn thấy những cây hoa đào ở Lễ hội hoa Toowoomba luôn gợi cho tôi nhiều cảm xúc về Tết ở miền Bắc Việt Nam.

Australia đón năm mới theo dương lịch, tuy nhiên nhiều cộng đồng các nước Châu Á vẫn tổ chức năm mới theo âm lịch. Thành phố Brisbane còn tổ chức hẳn một lễ hội BrisAsia kéo dài một tháng để mừng năm mới cho các cộng đồng dân cư đa văn hóa sinh sống tại thành phố này với nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi. Tôi ít khi bỏ lỡ dịp tham dự ngày khai mạc, vốn thường rất náo nhiệt với múa lân và đốt pháo. Mùi thuốc pháo và tiếng pháo nổ vốn đã trở thành một phần trong ký ức của tuổi thơ tôi và những thế hệ trưởng bối. Xuyên suốt các hoạt động của Lễ hội BrisAsia còn là dịp để tìm hiểu thêm về văn hóa của các nước Châu Á khác, như những phong tục cưới hỏi và đón năm mới của các dân tộc.

Tết ở nước ngoài tuy không có nhiều điều kiện thích hợp để chuẩn bị như ở Việt Nam, nhưng phần lớn người Việt đều cố gắng giữ gìn phong tục của dân tộc. Nhiều gia đình và du học sinh cũng họp mặt nấu bánh chưng, bánh tét và cúng giao thừa tươm tất để đón năm mới. Vốn yêu thích thư pháp, nên tôi thường tranh thủ những dịp này viết thư pháp tặng bạn bè. Tôi hiểu cho dù có đi bốn phương trời, trong lòng của những người con Việt luôn hướng về gia đình và quê hương trong những giờ phút thiêng liêng và ý nghĩa của năm mới.

4. Mười năm xa nhà, có những cái Tết không được đoàn viên cùng gia đình cũng là những giây phút tôi thấy mình yếu đuối nhất. Tôi mong biết bao được ở bên cạnh ông bà, cha mẹ và anh chị em của mình, cùng nhau thắp hương cúng tổ tiên lúc giao thừa và đi chùa lễ Phật đầu năm. Tôi nhớ biết bao cái không khí nhộn nhịp của những con đường đầy hoa, những đứa trẻ tung tăng vừa đi vừa hát theo những khúc nhạc xuân về...

10 năm xa nhà, tôi thấy mình vô cùng may mắn và hạnh phúc khi mọi chuyến đi đều bình an trở về. Cuộc sống luôn là những chuyến đi, tôi cầu mong cho tất cả những người con xa xứ luôn có những cái Tết ý nghĩa ở khắp bốn phương trời.

Chúc Mừng Năm Mới!

Huỳnh Thị Ngọc Hân (Người đẹp Du lịch, từ Australia)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm