Nhìn lại vụ việc 'sơn đỏ' đình Văn Xá: Đừng để cái sai mãi lặp lại

13/06/2019 18:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cách mà sai phạm xảy ra ở đình Văn Xá (Hà Nam) không hề.. xa lạ trong đời sống di sản những năm gần đây. Đó vẫn là câu chuyện về sự thiếu hiểu biết – cũng như thiếu tuân thủ các quy định pháp luật- khi làm một việc tưởng như rất tích cực: chỉnh trang, tôn tạo di tích.

Hà Nội tồn tại nhiều trường hợp tự ý xây dựng, tu bổ di tích

Hà Nội tồn tại nhiều trường hợp tự ý xây dựng, tu bổ di tích

Tại buổi khảo sát công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa do Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội thực hiện sáng 4/6, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố còn tồn tại nhiều trường hợp tự ý xây dựng, tu bổ di tích khi chưa có thỏa thuận của cơ quan quản lý văn hóa có thẩm quyền.

Cũng cần nhắc lại, đình Văn Xá (xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) là công trình mang đậm phong cách kiến trúc – điêu khắc giai đoạn thế kỷ XVII, XVIII và từng được công nhận là di tích Quốc gia từ cách đây 57 năm (1962).

Đỏ như miếng… thịt quay

Cuối tháng 5, ở thời điểm xảy ra vụ việc, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã cùng một số chuyên gia di sản của nhóm Đình làng Việt tới hiện trường.

Chú thích ảnh
Một số kết cấu của đình Văn Xá được sơn đỏ

Trước đó, thông tin về việc một phần các mảng chạm đình Văn Xá bị “sơn đỏ” khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Thực tế, giá trị lớn nhất của ngôi đình này cũng nằm ở nghệ thuật chạm khắc (trang trí ở phía sau gian giữa) trên các thanh kẻ. Đặc biệt, ở điểm nối cột đình và thanh xà ngang tại đây có chạm một chú nghê độc nhất vô nhị. Như lời nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình (trưởng nhóm Đình làng Việt), chú nghê được các nghệ nhân chạm với hình thù vắt vẻo, mông xoay ra ngoài, gương mặt tinh anh và vui nhộn, thể hiện tín ngưỡng dân gian cầu mong sự no đủ của người Việt cầu mong sự no đủ cho dân làng.

Tuy nhiên, theo quan sát của người viết, tại đình Văn Xá, chú nghê “của độc” này gần như bị che hết bởi màu sơn đỏ rất… công nghiệp. Cùng với chú nghê, phần kiến trúc phía sau gian giữa (bao gồm bốn cột, thanh kẻ và một vài thanh xà ngang) cũng chịu cảnh ngộ tương tự. Rất dễ nhận ra đó là cách sơn xì phổ biến, khi vết sơn xì loang lổ lẫn cả vào mép câu đối, cửa võng và bức đại tự.

Chú thích ảnh
Mảng chạm con nghê trước khi bị sơn đỏ . Ảnh:  Đình Làng Việt

Như phân tích của ông Bình, trước đây, việc tô màu cho các mảng chạm khắc này được các nghệ nhân thực hiện một cách rất tinh tế bằng tay, do vậy làm nổi rõ các khối của các chi tiết chạm khắc, trang trí. Tuy nhiên, việc dùng sơn công nghiệp phun lên cột, kẻ, đầu dư, xà và các mảng chạm đã làm nhòe đi toàn bộ hình khối và mất giá trị của những mảng điêu khắc này.

Khi người viết trao đổi với TS Trần Hậu Yên Thế (ĐH Mỹ thuật Việt Nam), ông phân tích rõ hơn: trong cách trang trí, phân bố màu sắc, những kiến trúc, họa tiết sơn son thếp vàng được các nghệ nhân thực hiện rất công phu. Màu sắc ở những chi tiết này thường rất chứng mực, có độ sâu và sự thâm trầm đặc thù của sơn mài truyền thống – thay vì “ đỏ choét giống một miếng thịt quay” như phần được phun sơn ở đình Văn Xá.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh khu di tích đình Văn Xá. Ảnh: Hiếu Trần/Đình Làng Việt

Chuyện mới cho… bài học cũ

Trả lời báo Thể thao & Văn hóa, bà Phạm Thị Kim Dung, trưởng thôn Văn Xá cho biết việc sơn đỏ cột đình, thanh xà và cửa hậu cung diễn ra làm hai đợt trong năm 2018. Cụ thể, đợt đầu sơn lại phần hậu cung và đợt hai sơn đỏ cột đình, thanh xà.

Ông Trần Duy Ngọc, Trưởng Ban Quản lí di tích đình Văn Xá cho biết cụ thể hơn: nguyên dạng của đình chỉ có một gian, sau 1945 nhân dân xây thêm một hậu cung và nối gian ngoài và gian trong, tạo thành quần thể kiến trúc hình chữ đinh. Đây chính là kiến trúc của ngôi đã được công nhận là Di tích cấp Quốc gia năm 1962. Tuy nhiên lần trùng tu năm 1989 đã làm thay đổi kiến trúc này, do vậy BQL đề nghị xây lại cửa để nối chính điện và hậu cung. Còn cơ sở để sơn cửa màu đỏ là theo trí nhớ của một số cán bộ cao tuổi.

Theo lời kể, chính ông Ngọc là người phản đối ý tưởng sơn đỏ này (vì cho rằng màu nguyên trạng là đỏ theo kiểu sơn son thếp vàng chứ không đỏ đậm), tuy nhiên việc sơn cửa cuối cùng vẫn được triển khai.

Như thế, sự cố ở đình Văn Xá cũng giống với những câu chuyện từng diễn ra ở chùa Trăm Gian, đình Lương Xá, chùa Khúc Thủy… trong thời gian qua: từ việc trùng tu kiến trúc cũ, sự thiếu kiến thức chuyên môn của người dân (hoặc nhà đầu tư) cũng như sự thiếu sâu sát của quản lý địa phương đã khiến những di tích này bị ảnh hưởng và mất đi một phần lớn giá trị sau khi công việc hoàn thành.

Thậm chí, riêng ở câu chuyện “sơn đỏ” di tích, ngành văn hóa cũng đã có một vụ việc y hệt vào năm 2017 – khi trong quá trình trùng tu đền Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội), phía thi công cũng phủ kín một số mảng chạm có niên đại thế kỷ XVII tại đây bằng màu sơn đỏ công nghiệp.

Như chia sẻ của nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, việc khắc phục các mảng chạm bị phủ sơn đỏ như tại đền Phù Đổng và đình Văn Xá là vô cùng phức tạp.Và, hi vọng xử lý, đưa các mảng chạm này trở lại tình trạng giống 100% so với nguyên mẫu là gần như không tưởng, bởi việc phun sơn đã làm mất đi hồn phách và tính nguyên gốc của mảng chạm sơn mài cũ.

Bởi thế, khi câu chuyện về sai phạm trong trùng tu di tích cứ mãi lặp đi lặp lại, chúng ta cũng đành nhắc tới một đề xuất cũ: ngành quản lý cần có những giải pháp đặc biệt cho thực trạng này, cả ở góc độ phổ biến kiến thức cho cộng đồng cũng như nâng cao cơ chế giám sát, quản lý việc trùng tu để tuân thủ đúng Luật Di sản Văn hóa.

Được biết, sau khi vụ việc xảy ra, Sở VH, TT&DL Hà Nam đã cử đoàn công tác xuống làm việc tại đình Văn Xá. Ngoài việc xác định trách nhiệm trong vụ việc, Sở cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn sớm nghiên cứu tìm giải pháp xử lý hiệu quả đối với các cấu kiện gỗ đã bị sơn đỏ để trả lại giá trị vốn có của di tích.

Nguyễn Thành

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm