Nhìn lại Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn: 'Lớn nhanh lên với/ Bé bỏng chiều nay'

01/10/2020 21:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dài nhanh lên với/ Tóc xõa ngang mày/ Lớn nhanh lên với/ Bé bỏng chiều nay. Nếu như “chiều nay”, khi trao giải thưởng thì Dế Mèn vẫn còn khá “bé bỏng” với số lượng người tham gia chưa quá đông thì đến năm sau và các năm sau nữa giải thưởng sẽ lớn rất nhanh như mong muốn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh” – TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh đã “chúc phúc” cho Giải thưởng Dế Mèn như thế.

Lan tỏa khát vọng 'Dế Mèn'

Lan tỏa khát vọng 'Dế Mèn'

Chiều 29/9, khi đến dự buổi trao giải thưởng thiếu nhi Dế mèn lần thứ nhất, tôi may mắn gặp được tất cả những gương mặt được vinh danh trong trong mùa giải năm nay. Trẻ có, già có. Có người đang sống ở Hà Nội như cháu Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi), có người ở TP.HCM như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung...

Ngay sau khi Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 - năm 2020 công bố chủ nhân cho các giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn và Khát vọng Dế Mèn vào chiều 29/9/2020, các văn nghệ sĩ trí thức tham dự buổi Lễ trao giải đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình, đóng góp xây dựng Giải thưởng.

TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh: Giải thưởng cho thấy sự kết nối thế hệ rõ ràng

Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn có thể coi là một giải thưởng lớn, là một “cú hích” lớn đối với sự nghiệp sáng tác nghệ thuật cho thiếu nhi ở tất cả các mảng. Đồng thời giải thưởng khiến cho toàn xã hội quan tâm đến vấn đề thưởng thức nghệ thuật của thiếu nhi.

Chúng tôi là những người làm việc liên quan đến thiếu nhi (TS Nguyễn Thụy Anh là Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con - PV) rất biết ơn báo Thể thao và Văn hóa đã nghĩ đến những người sáng tác, những người làm nghệ thuật dành cho thiếu nhi và tổ chức một giải thưởng trang trọng.

Tôi hy vọng rằng từ lần đầu tiên trao giải cho đến nhiều năm khác, các văn nghệ sĩ sẽ biết đến nhiều hơn về một giải thưởng có ý nghĩa như vậy. Theo tôi biết trong thời gian 4 tháng vừa qua thì độ phủ sóng về thông tin của giải chưa được nhiều cho nên rất nhiều các tác phẩm, ví dụ như các tác phẩm về sân khấu chẳng hạn rất nên tham gia hoặc các nhạc sĩ cũng có các tác phẩm cho thiếu nhi gần đây cũng chưa biết đến và đưa tác phẩm của mình để tham gia dự giải.

Bởi vậy, tôi mong muốn những người đang âm thầm làm việc, chia sẻ với thiếu nhi chưa được đề cử Giải thưởng Dế Mèn, sẽ có động lực hơn, có thể nói là cạnh tranh với mảng văn học dịch cho thiếu nhi hiện nay đang rất mạnh hay với những văn hóa phẩm về âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật đến từ nước ngoài.

Tôi đảm bảo và tin tưởng nếu “kích hoạt” được sự nhiệt tình từ họ và tạo ra được sự kết nối giữa các thế hệ, từ những thế hệ đi trước - những người đã gắn bó cả đời mình với sự nghiệp viết dành cho thiếu nhi - sẽ khuyến khích được những người đi sau, cùng tạo ra những tác phẩm cho thiếu nhi và vì thiếu nhi có chất lượng. Ví dụ như trao giải “Hiệp sĩ Dế Mèn” cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay trao giải “Khát vọng Dế Mèn” cho tác giả nhí Cao Khải An - con trai của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - cho thấy sự kết nối thế hệ rõ ràng.

Chú thích ảnh
Tọa đàm về nghệ thuật cho thiếu nhi tại Lễ trao Giải Dế Mèn

Tôi nghĩ rằng để viết được cho thiếu nhi là một cái duyên rất lớn và cái duyên đó được tiếp sức bằng những giải thưởng như Dế Mèn. Tôi muốn lấy một ý từ bài thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã “gài” trong cuốn sáchNgồi khóc trên cây”: “Dài nhanh lên với/ Tóc xõa ngang mày/ Lớn nhanh lên với/ Bé bỏng chiều nay”. Nếu như chiều nay, khi trao giải thưởng thì Dế Mèn vẫn còn khá bé bỏng với số lượng người tham gia chưa quá đông thì đến năm sau và các năm sau nữa giải thưởng sẽ lớn rất nhanh như mong muốn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

PGS-TS Ngô Văn Giá: “Cú hích” truyền cảm hứng sáng tạo cho thiếu nhi

Mặc dù là giải thưởng cho thiếu nhi lần đầu tiên tổ chức song ban tổ chức giải Dế Mèn đã thực hiện hết sức nghiêm túc và …“trong lành”. Đây như là một cách khẳng định, làm cho giải thưởng trở nên uy tín và tin cậy, từ đó lan tỏa. Đó là điều đáng ghi nhận.

Tôi tin rằng “cú hích” từ giải Dế Mèn sẽ giúp cho đời sống văn nghệ dành cho thiếu nhi lấy lại được vị thế, uy tín của mình trong đời sống văn hóa - giải trí nói chung của đất nước.

Sự xuất hiện của giải thưởng Dế Mèn đã là điều có ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu các mùa giải tiếp theo có thời gian tổ chức dài rộng hơn chắc chắn sẽ quy tụ được nhiều tác phẩm xuất sắc hơn. Yếu tố khách quan ảnh hưởng chắc hẳn là do dịch Covid-19 nên quãng thời gia để công bố và phát động giả khá ngắn. Thế nhưng sau này, khi trong điều kiện bình thường, có một khoảng thời gian cần thiết đủ để lan tỏa đến toàn bộ công chúng trong nước và rộng ra là cả Việt kiều, thì chắc chắn sẽ chọn được nhiều tác phẩm xứng đáng hơn nữa.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Có thể mở rộng các thể loại dự thi

Tôi thấy rằng, giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần thứ nhất đã tạo ra một sân chơi dành riêng cho thiếu nhi. Đặc biệt là thiếu nhi viết, viết cho thiếu nhi. Thật bất ngờ và cảm động khi trong một thời gian ngắn, chúng ta có được những tác phẩm tốt, một ban giám khảo tốt và những giải thưởng xứng đáng.

Tôi hy vọng, mùa giải Dế Mèn năm sau tiếp tục mở rộng hơn các thể loại dự thi. Không chỉ là văn học nghệ thuật, mà còn rất rất nhiều dạng thức khác. Vẫn còn các sáng tạo bằng công nghệ, tin học thú vị có thể thu hút người đọc. Cuối cùng, nên khuyến khích những tác phẩm văn học thiếu nhi do người Việt Nam ở nước ngoài tham dự, tác phẩm dịch truyện, thơ của chính thiếu nhi Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Thanh Bình: “Người bạn thân thiết cùng các em khôn lớn”

Là một thành viên sơ khảo theo dõi Dế Mèn từ những ngày đầu, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tôi vẫn cảm nhận được sức hút mạnh mẽ của Giải thưởng đối với những người yêu mến, tâm huyết cho các sáng tác hướng về thiếu nhi. Nói xa hơn, đây là dấu hiệu đáng mừng khi “đời sống văn hóa thiếu nhi” của chúng ta ngày một cải thiện.

Địa hạt này đã vắng bóng những tác phẩm chất lượng từ rất lâu rồi. Tôi mong muốn, trong những mùa giải tiếp theo, Dế Mèn sẽ nhận được nhiều hơn các tác phẩm xuất sắc, là điểm đến của những cây bút thiếu nhi triển vọng. Và tuyệt vời nhất, những tác phẩm từ cuộc thi bước ra sẽ trở thành người bạn thân thiết cùng các em khôn lớn.

Anh Nguyễn Văn Chung (phụ huynh bé Nguyễn Đới Chung Anh): Những góc nhìn “trong vắt” nhưng đầy sâu sắc

Tôi rất vui và bất ngờ khi biết đến giải thưởng Dế Mèn. Càng vui và bất ngờ hơn khi con gái mình vinh dự nhận được một giải “Khát vọng Dế Mèn”. Đã từ rất lâu rồi không có những cuộc thi dành riêng cho thiếu nhi để các bé được tham dự và thể hiện bản thân mình.

Tôi cho rằng, mỗi một đứa trẻ đều có nhãn quan riêng và cảm nhận riêng về xã hội. Và đôi khi, chính người lớn phải nán lại và học hỏi. Giải thưởng Dế Mèn đã khai thác được những góc nhìn “trong vắt” nhưng đầy sâu sắc ấy.

Tôi cũng mong muốn, trong các mùa Dế Mèn sau, sẽ có nhiều hơn các giải thưởng phụ, không chỉ dành cho các bé thích vẽ, thích viết mà còn là các sở trường đáng quý khác.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:
“Dế Mèn” sẽ đồng hành với các em nhỏ trong thời gian dài

“Đầu tiên, tôi rất đánh giá cao báo Thể thao Văn hóa của TTXVN đã tạo ra một sân chơi vô cùng thú vị và hữu ích để dành cho các em trong mùa Trung thu năm nay. Có thể nói rằng tôi rất hạnh phúc khi là người được giám định các tác phẩm viết cho các em. Và mọi người biết rồi đấy, viết cho trẻ em bao giờ cũng khó. Và người viết cho trẻ em là người phải hiểu biết rất nhiều về đời sống của cả trẻ con và người lớn. Một tác phẩm xuất sắc cho thiếu nhi phải là một tác phẩm mà trẻ con đọc sẽ thích và người lớn cũng yêu thích. Vì trong bất cứ một đứa trẻ nào cũng có một người lớn đang hình thành, và trong bất cứ một người lớn nào cũng có một đứa trẻ không bao giờ già đi. Đây là kinh nghiệm mà tất cả các nhà văn nhà thơ lớn của thế giới và Việt Nam đã rút ra cho chúng ta sau rất nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi.

Tôi có thể nói rằng giải thưởng Dế Mèn rất đẹp, cách ứng xử cũng rất đẹp, việc chọn các tác phẩm đều rất đích đáng. Và đúng đó là những tác phẩm đặc sắc nhất, dù giải thưởng được diễn ra trong thời gian rất ngắn chỉ có hơn 3 tháng nhưng đã nhận về tới hàng trăm tác phẩm được gửi đến. Tôi tin rằng Dế Mèn sẽ đồng hành với các em nhỏ trong thời gian dài.

Và tôi cũng đánh giá rất cao 2 chàng “hiệp sĩ” là Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Nhật Ánh, và họ đã 2 lần làm những việc mà chúng ta cần tôn vinh. Việc Nguyễn Nhật Ánh trao lại số tiền của giải thưởng cho BTC để có thể trao đến những tác giả nhí, hay những tác giả tài năng sau anh; rồi việc nhà văn Nguyễn Quang Thiều xin rút khỏigiải thưởng dành cho mình – tất cả đều là những hành động đáng được trân trọng với tràn đầy tình yêu thương con trẻ, hướng các em đến với một tấm lòng nhân văn, trong sáng.

Tôi mong rằng, BTC sẽ giữ Giải thưởng Dế Mèn hàng năm để chúng ta có thể tìm ra được những tác phẩm đặc sắc dành cho các em thiếu nhi. Và ngay cả lần thứ nhất này đã thành công ngoài sức tưởng tượng nên tôi tin rằng những lần sau sẽ còn thú vị hơn và thành công hơn nữa!

Chú thích ảnh

Công Bắc - Hiền Lương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm