Nhiều hoạt động văn hóa kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Hồ

18/05/2020 20:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau thời gian “đóng băng” vì đại dịch Covid-19, tuần này các hoạt động văn hóa đã trở lại, và những hoạt động trọng tâm của tuần này là kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Triển lãm ảnh, tư liệu về Bác Hồ

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Triển lãm ảnh, tư liệu về Bác Hồ

Hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) và kỷ niệm 73 năm Bác Hồ về ATK Định Hóa cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 15/5, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Quản lý Khu di tích tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cách mạng thế giới.

1. Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc 20h ngày 19/5 trên VTV1 sẽ diễn ra chương trình Cầu truyền hình Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam.

Cầu truyền hình gồm 5 điểm cầu: Hà Nội (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch), Tuyên Quang (Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào), Nghệ An (Khu di tích Kim Liên), TP.HCM (Bến Nhà Rồng) và Đồng Tháp (Công viên Văn miếu, TP Cao Lãnh).

Với chủ đề “ý chí” xuyên suốt chương trình, đây là ý chí của một người anh hùng mà sau đó nó đã trở thành ý chí của cả dân tộc Việt Nam. Người anh hùng đó là Bác Hồ thân yêu của chúng ta, Bác là anh hùng dân tộc, là người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của Việt Nam và quốc tế, là danh nhân văn hóa thế giới.

Toàn bộ chương trình gồm 5 chương: Người trai chí lớn, Đi tìm mùa xuân độc lập, Một nhà thống nhất, Âm thanh ngày mới và Rạng rỡ Việt Nam. Các chương được thể hiện bằng những tiết mục ca múa nhạc, hoạt cảnh, phóng sự, trò chuyện với các nhân vật lịch sử… Ngoài các phóng sự như: Cội nguồn của ý chí, Hành trình hướng Tây… các hoạt cảnh: Bước chân thế kỷ, Lời tuyên thệ của Bác Hồ… các ca sĩ sẽ trình diễn nhiều bài hát về Bác.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Lan Anh tham gia cầu truyền hình ở đầu cầu Hà Nội

Các tiết mục lần lượt diễn ra tại từng điểm cầu hoặc kết hợp giữa các điểm cầu với nhau. Mở đầu chương trình là liên khúc các bài hát thể hiện tình yêu của thiếu nhi đối với Bác Hồ. Tiết mục này với sự tham gia biểu diễn của thiếu nhi ở 4 điểm cầu với 3 bài hát và 1 bài múa: Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ (Xuân Giao) - điểm cầu TP.HCM, Nhớ ơn Bác (Phan Huỳnh Điểu) - điểm cầu Nghệ An, múa Mong Bác vô Nam - điểm cầu Đồng Tháp, và Từ rừng xanh cháu về thăm Bác (Hoàng Long, Hoàng Lân) - điểm cầu Tuyên Quang.

Phần giữa chương trình có bài hát Ca ngợi Hồ Chủ Tịch (Văn Cao) được biểu diễn hát, múa giữa 5 điểm cầu. Đặc biệt, kết thúc chương trình là 2 bài hát Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường) và Giai điệu Tổ quốc (Trần Tiến). Có thể nói đây là tiết mục hoành tráng nhất với sự tham gia trình diễn của các nhóm múa: K-ben, Đoàn nghệ thuật Tuyên Quang, Đoàn Nghệ thuật Đồng Tháp, Đoàn Nghệ thuật Nghệ An; hợp xướng tại 5 điễm cầu và các ca sĩ: Lan Anh, Phạm Thu Hà, nhóm Bencato (tại Hà Nội), Đinh Thành Lê (tại Nghệ An), Nam Khánh, nhóm MTV, Đào Mác (tại TP.HCM), Nhật Minh (tại Tuyên Quang) và 1 nam ca sĩ tại Đồng Tháp.

2. Vào lúc 16h ngày 18/5/2020 tại Đường sách TP.HCM sẽ khai mạc triển lãm sách, tư liệu nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 22/5/2020 với rất nhiều hoạt động.

Phần trưng bày, triển lãm với hàng trăm hình ảnh, tư liệu sẽ được sắp xếp theo biên niên sử, để người xem dễ dàng nhận ra hành trình làm nên lịch sử. Sẽ có 130 tựa sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh được giới thiệu. Sẽ trưng bày 5 phiên bản Bảo vật quốc gia là Đường kách mệnh, Nhật ký trong tù, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, Di chúc.

Chú thích ảnh

Ngoài triển lãm, còn giao lưu với tác giả các sách Di chúc của Bác Hồ - Một giáo trình Tiếng Việt độc đáo (tác giả: Dương Thanh Truyền) và Bác Hồ với công việc văn phòng (tác giả: Nghiêm Kỳ Hồng).

Buổi giao lưu diễn ra lúc 9h ngày 19/5/2020. Cuốn sách của Dương Thanh Truyền in lần đầu vào tháng 6/2017, đến nay đã in lần thứ 3. Sách khảo cứu khoảng 1.000 chữ trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sách đã được nhận giải B về sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cuốn sách của TS Nghiêm Kỳ Hồng chỉ ra các quan niệm, chỉ đạo của Hồ Chí Minh từ tổ chức cơ quan, kỹ thuật hành chính… cho đến lập kế hoạch công tác, hội họp, soạn thảo văn bản, chi tiêu văn phòng… Tác giả trích in các bài của Hồ Chí Minh như: Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn của ủy ban nhân dân, Chống thói ba hoa, Cần kiệm liêm chính, Bệnh máy móc, Phải tẩy sạch bệnh quan liêu… đáng tham khảo cho quản lý hiện nay.

Sự kiện còn tổ chức cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bình Minh - Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm