Nhạc sĩ Phạm Tuyên: 'Cánh én tuổi thơ' sẽ tiếp tục bay cao, bay xa

14/01/2021 07:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc gặp gỡ Cây đại thụ và cánh én tuổi thơdiễn ra tại Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội) tối 12/1, vào đúng sinh nhật lần thứ 91 của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Nhạc sĩ xúc động bởi món quà sinh nhật thật đặc biệt, còn khán giả cũng được hòa mình vào những giai điệu ca khúc trong trẻo từ những năm tháng tuổi thơ.

'Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Tuyển tập 100 bài hát': Những dấu mốc của một cây đại thụ

'Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Tuyển tập 100 bài hát': Những dấu mốc của một cây đại thụ

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 91 của nhạc sĩ Phạm Tuyên, NXB Hội Nhà văn ra mắt cuốn sách Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Tuyển tập 100 bài hát.

Được biết, địa điểm 58 Quán Sứ cũng là nơi chứa đầy kỷ niệm của nhạc sĩ và gia đình.

Không chỉ là nơi làm việc suốt mấy chục năm của Phạm Tuyên, đây còn là nơi ở của gia đình ôngvào năm 1973, khi khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam ở 126 Đại La bị bom Mỹ san phẳng. Tại đây còn có phòng thu nhạc M, nơi con gái nhạc sĩ đã thu thanh nhiều bài hát thiếu nhi, hiện vẫn còn lưu trữ tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Hòa mình vào những giai điệu tuổi thơ

Trong đêm nhạc tối 12/1, khán giả được thưởng thức những ca khúc vô cùng quen thuộc gắn với tên tuổi nhạc sĩ Phạm Tuyên: Như có Bác trong ngày đại thắng, Cánh én tuổi thơ, Chiếc đèn ông sao…Trước “món quà sinh nhật” thật đặc biệt, nhạc sĩ chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ bởi không thể hình dung được chương trình tổ chức và mọi người dành tình cảm cho tôi như thế này. Bước sang tuổi 91, nhiều bạn đồng nghiệp của tôi cùng lứa tuổi không còn nữa như Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn, Văn Ký… Tôi coi đây là một phần thưởng cuối đời mình”.

Chú thích ảnh
Ca sĩ nhí Nhật Minh hát và chúc mừng nhạc sĩ Phạm Tuyên

“Mọi người cũng hỏi tôi, tại sao viết nhiều bài đi với lịch sử như thế. Tôi bảo tôi cảm ơn môi trường báo chí, phát thanh, nơi tôi đã gắn bó với nó gần một phần tư thế kỷ” - ông nói thêm.

Như lời nhà thơ Hồng Thanh Quang, rất nhiều người trong chúng ta đã lớn lên trong những giai điệu của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Không chỉ là một nhạc sĩ lớn, một cây đại thụ của âm nhạc, mà ông còn là một con người thực sự thánh thiện.

Tại sự kiện, chị Hồng Tuyến - con gái út của nhạc sĩ Phạm Tuyên - kể rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, hài hước quanh những sáng tác của bố. Chẳng hạn, Từ một ngã tư đường phốđược cả hai ngành Công an và Giao thông chọn là “bài của ngành”. Ca khúc cũng được chương trình Táo quân chế thành Lụt từ ngã tư đường phốđược nhiều khán giả yêu thích.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Mỹ Linh cùng các em nhỏ hát “Nơi ấy Trường Sa”

Một ca khúc ý nghĩa nữa là Nơi ấy Trường Sa được nhạc sĩ Phạm Tuyên viết năm 1995 nhưng ít được chú ý. Tuy nhiên, đến năm 2016, khi chị Hồng Tuyến làm chương trình Trung thu đề tài biển đảo thì nhạc sĩ Phạm Tuyên nói mình có viết bài ấy.

“Tôi thấy bài hát dễ thương quá! Trẻ em suy nghĩ rất đơn giản, như lời bài hát, có thể các em không biết san hô, cây phong ba… nhưng mà nhìn ra phía xa là Trường Sa, mà đã là Trường Sa thì là Tổ quốc mình, đơn giản mà ý nghĩa vậy” - con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên kể.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên khi viết về lịch sử, về ngành nghề, hay những vùng quê… thì khi hát lên, người nghe đều cảm thấy mình trong đó. Ông lý giải mình làm được điều đó bởi chữ “tình” - tình cảm, cảm xúc chân thành của nhạc sĩ với con người mình gặp hay nơi mình đến.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng con gái út Hồng Tuyến và MC Thảo Vân trong chương trình gặp gỡ “Cây đại thụ và cánh én tuổi thơ”

Với những ca khúc dành cho thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên, ca sĩ Mỹ Linh nhận xét rằng, đó là thứ âm nhạc trong sáng từ trái tim, truyền cảm hứng cho những thế hệ sau, “Sự trong trẻo ấy sẽ còn mãi mà không có gì thay thế được. Tôi học hỏi tinh thần đócủa nhạc sĩ khi làm nghề. Việc tiếp xúc với các cháu nhỏ mỗi ngày đã cho tôi nguồn năng lượng tuyệt vời nhất” - Mỹ Linh khẳng định.

"Cánh én tuổi thơ"

Chương trình Cây đại thụ và cánh én tuổi thơcũng giới thiệu cuốn sách Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Tuyển tập 100 bài hátcủa NXB Hội Nhà văn. Tác phẩm ghi dấu bề dày quá trình sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên suốt 55 năm, từ ca khúc Đường về trại viết năm 1950 cho đến bài cuối Ngọn lửa Thùy Trâm năm 2005.

"100 bài hát trong cuốn sách do tự tay tôi tuyển chọn, là những tác phẩm tôi yêu thích nhất, đa dạng phong cách, đa dạng vùng miền. Tôi trực tiếp soát lại các bản nhạc đã được chép trên máy vi tính" - nhạc sĩ tâm sự.

Chú thích ảnh
Các cháu thiếu nhi hát chúc mừng sinh nhật nhạc sĩ Phạm Tuyên

Song hành cùng 100 ca khúc là những bài viết của PGS-TS Nguyễn Ánh Tuyết, vợ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, trích trong Hồi ký Chúng tôi đã sống như thế, giúp độc giả có thêm thông tin, đến gần hơn những bài hát đi cùng năm tháng.

Cùng với đó, Cánh én tuổi thơ - dự án làm mới và phát triển bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng được công bố tối 12/1. Nhạc sĩ chia sẻ: "Từ câu ngạn ngữ Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân, tôi đã phát triển thành bài hát với thông điệp cuộc đời là những dòng chảy bất tận. Ở đó người ta không thể sống nếu tách mình ra khỏi vòng tay của cộng đồng".

Hiện giờ, nhạc sĩ Phạm Tuyên không sáng tác nhưng tất cả những ca khúc ông đã viết cho thiếu nhi tình yêu thương của mình sẽ được gia đình làm mới. Đó có thể là việc phối khí lại hoặc bổ sung những sáng tạo khác.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phạm Tuyên xúc động khi tham dự chương trình gặp gỡ “Cây đại thụ và cánh én tuổi thơ”

“Dịp Covid-19, khi mở những bài hát thiếu nhi xem lại, tôi tìm được bài Khúc hát đôi bàn tay do bố tôi viết năm 2003 khi có dịch SARS. Ca khúc nói về việc rửa tay sạch và được các nhạc sĩ trẻ phối khí lại” - chị Hồng Tuyến cho biết.

Trên sân khấu tối 12/1, Khúc hát đôi bàn tay đã được các em nhỏ biểu diễn, có thêm cả phần rap của rapper nhí rất phù hợp với thời đại.

Cánh én tuổi thơ với hơn 200 ca khúc của Phạm Tuyên đang chờ ngày tiếp tục bay cao, bay xa với sự góp sức của nhiều người.

Tiểu Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm