Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và áng văn 36 tuổi học đường

11/08/2021 19:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bài của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn được chuyền từ sách Tiếng Việt 5 “cải cách” (NXB Giáo dục, 1985, Lê Cận chủ biên) vào sách Tiếng Việt 5 “hiện hành” (NXB Giáo dục, 2006, Nguyễn Minh Thuyết chủ biên).

Gặp lại tác giả được đưa vào SGK: 'Cổng trường mở ra' với Lý Lan

Gặp lại tác giả được đưa vào SGK: 'Cổng trường mở ra' với Lý Lan

Đang kẹt dịch Covid-19 ở Bình Dương chưa về quê chồng bên Mỹ được, nhà văn Lý Lan viết bài chống dịch cùng đồng bào trên Facebook nhà mình. Vẫn cách viết ấy, rất văn, rất hài, rất Lý Lan…

Sách “hiện hành” còn được dùng tới năm học 2024 - 2025! Vậy là bài văn Buổi sáng ở thành phố Hồ Chí Minh tới hôm nay đã có 36 tuổi học đường và còn được thêm vài tuổi nữa khi việc thay sách mới ở cấp tiểu học hoàn thành.

Đọc bài văn, ta thấy thành phố hiện ra trong những vẻ đẹp nhìn thấy, và cả nghe thấy.

Một chữ được thay cũng tạo tình huống

Còn sớm, mới mờ sáng thì toàn cảnh rộng, “Bồng bềnh nổi giữa một biển hơi sương”. Khi trời sáng rõ, bức tranh sương mờ huyền ảo kia được thêm các mảng màu hòa trộn bằng xanh cây và vàng nắng sớm, cùng một chấm đỏ mặt trời, để rực rỡ. Cái đẹp mắt thấy kia càng đẹp, càng sống động khi những âm thanh của một ngày lao động được điểm vào; tiếng xe tải nhỏ, xe lam, xích lô như một dàn đồng ca “nổ giòn”! Thành phố đẹp quá, người ngắm nhìn phải khen tặng bằng những 2 câu cảm thán!

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn

Bài này dạy ở học kỳ 2 cho học trò lớp 5 đã đọc thông việt thạo! Đã có thể khuyến khích các em viết hay, bằng các câu hỏi có tính thách đố, tác giả dùng phép so sánh mấy lần; và ở lần nào, so sánh mà như nhân hóa, biến những tòa nhà thành những con người đang trang điểm tự làm mình đẹp hơn? Thách đố khó hơn khi hỏi, chữ “ào tươi” trong bài thuộc từ loại nào?

Cô giáo Nguyệt Thu, giải Nhất cuộc thi Viên phấn vàng, môn Tiếng Việt của TP.HCM năm học 1996 - 1997 nói với người viết bài: “Mỗi năm dạy Buổi sáng ở Thành phố Hồ Chí Minh tôi đều chủ động biến thời gian 1 tiết thành 2 tiết, chịu “cháy giáo án”. Nhưng bù lại, học sinh của tôi nắm chắc thể loại văn miêu tả. Và các em ôn tập được khá nhiều kiến thức về các biện pháp tu từ”.

Là phụ huynh đã có con học bài này ở sách “cải cách” lại có cháu học bài này ở sách “hiện hành” vậy mà cho mãi tới hôm nay, người viết bài mới phát hiện 1 chữ, sách “hiện hành” dùng khác sách “cải cách”. Chữ “họ” của “cải cách” được thay bằng chữ “tôi” trong “hiện hành”. Đó là một tình huống có vấn đề, thầy cô giáo nên biết, để thay đổi cách dạy khi tường thuật bằng đại từ ngôi thứ 3 số nhiều, thành ngôi thứ nhất số ít!

Chú thích ảnh
Bài “Buổi sáng ở Thành phố Hồ Chí Minh” của Nguyễn Mạnh Tuấn trong sách “Tiếng Việt 5”

“Chúng tôi cần mãi mãi là người Hà Nội”

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn là cháu gọi nhà nhà Nho yêu nước Đỗ Văn Phong là cụ ngoại. Cụ là thành viên Đông Kinh Nghĩa Thục, người bị thực dân Pháp đày biệt xứ tại Guyane, Nam Mỹ, sau vượt ngục về nước hoạt động tại Bạc Liêu (Nam Bộ). Cụ Phong là người khởi xướng việc thành lập NXB Mai Lĩnh, nơi cho ra đời các tác phẩm tiền chiến Tắt đèn, Việc làng, Lều chõng (của Ngô Tất Tố) Làm đĩ, Số đỏ (của Vũ Trọng Phụng), Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn dầu lạc (của Nguyễn Tuân)… cùng 150 ấn phẩm khác được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia.

Một trong những người điều hành công việc xuất bản ở NXB Mai Lĩnh là cháu rể nhà họ Đỗ, ông Nguyễn Hữu Lược thân phụ Nguyễn Mạnh Tuấn.

Một lý lịch gia đình gắn với những quyển sách như thế, nhưng năm 1956, những người sở hữu NXB Mai Lĩnh bị quy thành phần tư sản, nên việc học hành của Nguyễn Mạnh Tuấn cũng gặp nhiều trắc trở. Năm 1963, tốt nghiệp THPT, ông vào Thanh niên xung phong, làm thợ sửa xe ô tô hơn 12 năm, trước khi thành nhà văn chuyên nghiệp. Ông lấy ngay chuyện của mình nhào nặn, hư cấu đưa lên trang sách.

Nhân vật Tuấn trong Người đẹp bên suối kể chuyện bạn Vĩnh cùng lớp trung học cùng đội xe Thanh niên xung phong, không chịu vào hùa với những ai cổ súy trò tắm truồng tập thể: “… hàng trăm chị em công trường kéo nhau ra con đập tắm theo kiểu tiên nữ; thấy xe lâm nghiệp chạy qua, chị em không những không tránh mà… còn hò hét vẫy chào… thách xuống tắm chung” và vì thế Vĩnh bị phê là tiểu tư sản, bị tước quyền lái xe, phải ở nhà trồng sắn! Thế rồi trong ba lô của người trồng sắn có tới 34 bức tranh vẽ cô giáo Ngần khỏa thân tắm suối. Người vẽ lý sự: “Tao chiêm ngưỡng vẻ đẹp thánh thiện để vẽ nghệ thuật, khác với chúng mày xô bồ tán dung tục”. Phe “xô bồ dung tục” báo cáo chuyện này. Vĩnh bị khởi tố về tội tuyên truyền văn hóa đồi trụy. Vĩnh chưa kịp ra tòa thì một họa sĩ từ Hà Nội xuất hiện, đưa truyện tới một kết thức có hậu, cũng ở Hà Nội “… trong phòng tranh rộng nhà Vĩnh, Ngần, lúc nào cũng treo đủ 34 bức tranh sơn dầu và sơn mài, hình Ngần khỏa thân bên bờ suối ở Đoan Tĩnh, Móng Cái thời xa xưa”. Sự dung tục đã thua cái đẹp!

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn (bìa trái) và đồng nghiệp

Vẫn nhân vật Tuấn kể trong Đêm ngủ ở tháp Rùa chuyện những đứa trẻ Hà Nội bơi ra tháp rùa lịch sử chơi trò tranh nhau làm vua, cùng nhau để lại tên tuổi mỗi đứa cho mai sau… rồi người kể chuyện nhắn gửi: “Một ngày nào đó của một trăm năm, một ngàn hay hai triệu năm sau, các nhà khảo cổ khai quật gươm thần ở Tháp Rùa, Hồ Gươm, thấy ống thủy tinh bên trong có tờ giấy ghi tên tuổi sáu đứa chúng tôi, xin chớ đưa vào Viện Bảo tàng mà thả giùm nó xuống hồ. Lưu danh muôn thuở chỉ là ham muốn chốc lát của thời trẻ con. Chúng tôi cần mãi mãi là người Hà Nội” .

Chuyện những người Hà Nội rời xa đất thiêng nghìn năm văn vật nhưng vẫn rất văn vật ở một Hà Nội phương xa đã hình thành trong văn nghiệp Nguyễn Mạnh Tuấn như mảng đề tài khá dày dặn - người Hà Nội hào hoa, lịch thiệp, biết đùa vui và mơ mộng!

Sống khỏe, sống đẹp bằng lao động nhà văn

Vào những năm cuối thập niên 1950 - thời gian nghệ thuật của truyện Đêm ngủ tại tháp rùa - có lần tôi được tới chơi căn nhà trên phố Lê Thái Tổ (Hà Nội) của nhân vật Tuấn - nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, được sống trong không gian nghệ thuật của truyện, ngay bên hồ Gươm. Tôi ở phố Hàng Trống nối với với Lê Thái Tổ, chỗ khách sạn Phú Gia. Anh trai tôi, bạn của anh Khôi, anh trai nhà văn, đưa tôi đến. Tôi còn nhớ nhà rất rộng, trong ga-ra, những cái ô tô của nhà in công giáo Teresa mà ông Nguyễn Hữu Lược từng làm giám đốc, sau khi NXB Mai Lĩnh tự đóng cửa theo kháng chiến 9 năm! Những chiếc xe lỡ thời lâu không chạy, bụi bám dày, bánh xẹp lép!

Trên đường văn, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đi lên từ những ngày khốn khó của gia đình mình! Theo nếp nhà, ông cần cù kiếm sống bằng những quyển sách và càng ngày càng thành công. Ông là một trong số ít nhà văn sống khỏe, sống đẹp bằng nhuận bút.

Ông và người bạn đời - nhà thơ Hà Phương luôn mở rộng cửa đón những người bạn văn! Ngày 20/12/2013 đoàn nhà văn Mỹ do nhà thơ - họa sĩ Kevin Bowen, nguyên Giám đốc Trung tâm William Joiner nghiên cứu về chiến tranh và những hậu quả xã hội, thuộc trường Đại học Massachusetts, Boston (Viện William Joiner) dẫn đầu, tới thăm phòng văn và Trường Mầm non Hoa Mai 18 phòng học mà ông bà Nguyễn Mạnh Tuấn mở ra để thực thi những điều hay ông bà đã viết, để đồng nhuận bút sinh sôi trong vòng quay đời sống.

Cũng trong quan hệ quốc tế, Nguyễn Mạnh Tuấn là người đã từng có nhuận bút tính bằng đô la Mỹ khi là nhà biên kịch đầu tiên ở Việt Nam được một hãng phim Hollywood - Big Foot Entertainment đặt viết kịch bản Nước mắt phương xa.

Đã có hàng chục tập truyện ngắn và tiểu thuyết, cả trăm tập phim, vào năm 2021 này nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn lại chuẩn bị trình làng tác phẩm mới của mình, một tập văn xuôi kể chuyện người anh bộ đội mà tôi có nhắc tên trên kia.

Đọc Nguyễn Mạnh Tuấn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhật xét: “161.650 bản Cù lao Tràm đã ra đời, một kỷ lục khó phá… Vốn không "ly kỳ hồi hộp", không đặc sắc ở văn phong, thành công của Cù lao Tràm có thể được giải thích bằng tác động của việc nó nêu ra các vấn đề thời sự xã hội… Nhiệt hứng sáng tác Cù lao Tràm cũng như nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Mạnh Tuấn trước hết là tạo nên một tác phẩm có ích hơn là một áng văn đẹp”.

Dù vậy, Buổi sáng ở Thành phố Hồ Chí Minh trong sách giáo khoa vẫn là “một áng văn đẹp”!

Vài nét về nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn sinh năm 1945, quê Hà Nội, từng là thanh niên xung phong, trưởng phòng nghệ thuật xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu trước khi trở thành người viết tự do. Ông là tác giả của 11 tập truyện ngắn, 10 tiểu thuyết, 10 kịch bản điện ảnh, 6 kịch bản phim video, 22 kịch bản phim truyền hình, 2 kịch bản sân khấu. Ông từng nhận nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam. Nguyễn Mạnh Tuấn hiện cư ngụ tại TP.HCM.

(Còn tiếp)

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm