Nhà văn Lê Văn Thảo: Ngôi nhà Việt Nam luôn đủ rộng cho tất cả chúng ta

22/03/2015 09:20 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Có thể nói, nhà văn Lê Văn Thảo thuộc gia đình “danh gia vọng tộc” nhìn từ “phía bên này” hay “phía bên kia” trong cuộc chiến tranh trước 1975. Nhiều tên tuổi trong gia đình Lê Văn Thảo góp phần quan trọng vào vòng quay của lịch sử Việt Nam hiện đại, một trong số đó có tổng thống cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, đại tướng Dương Văn Minh.

Với người sơ giao, chỉ biết rằng Lê Văn Thảo từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM. Ông đoạt nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật quan trọng, trong đó có giải thưởng Hồ Chí Minh. Tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim (Ông cá hô). Dù trong thời chiến hay thời bình, tác phẩm của Lê Văn Thảo phần lớn đều thể hiện tình yêu về vùng đất và con người mà ông gắn bó cả thời thơ ấu đến khi trưởng thành.

Chứng nhân của khốc liệt

Lê Văn Thảo vừa là bạn văn, bạn chiến đấu của liệt sĩ, anh hùng, nhà thơ Lê Anh Xuân. Trong làng văn miền Nam và thậm chí là cả nước, có thể nói Lê Văn Thảo là “ma xó” vì gần như chuyện “thâm cung bí sử” gì ông cũng biết, mặc dù ông không bao giờ viết báo hay viết sách kiểu để “buôn chuyện”. Lê Văn Thảo chỉ viết khi nhân vật đó có tình thân thật sự với ông, chứ ông không muốn tạo dựng “giai thoại” cho mình hay cho nhân vật đó. Trường hợp mối thâm tình của ông và nhà thơ Lê Anh Xuân là một điển hình.


Nhà văn Lê Văn Thảo

Trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, nhà văn Lê Văn Thảo vào tới Sài Gòn trong khi nhiều văn nghệ sĩ khác vẫn còn ở trong an toàn khu đợi tin chiến sự. Lê Văn Thảo được chọn vào thành vì ông lớn lên ở Sài Gòn, nên đường ngang ngõ dọc trong nội thành ông rất quen thuộc. Nhà thơ Lê Anh Xuân cũng vào nội thành trực tiếp chứng kiến cảnh chiến trường, thay vì ngồi nơi an toàn rồi tưởng tượng khi sáng tác, song do kinh nghiệm chiến trường không nhiều, tác giả Dáng đứng Việt Nam đã hy sinh khi đang trú trong hầm bí mật sau một đợt càn quét của quân địch. Nhà văn Lê Văn Thảo cùng các đồng đội khác đã trực tiếp chôn cất thi hài bạn mình.

Năm 2011, NXB Văn hóa Văn nghệ in cuốn nhật ký của tác giả Dáng đứng Việt Nam vào dịp kỷ niệm ngày nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh. Cuốn nhật ký sẽ khó tồn tại trên cõi đời này nếu nó không được trân trọng giữ gìn. Người tìm thấy và lưu giữ Nhật ký Lê Anh Xuân không ai khác là nhà văn Lê Văn Thảo. Những dòng cuối cùng trong Nhật ký Lê Anh Xuân do Lê Văn Thảo viết để ghi nhớ ngày và địa điểm chôn cất người bạn chiến đấu, đồng nghiệp cầm bút của mình. Sau ngày thống nhất đất nước, lại chính Lê Văn Thảo đi tìm mộ bạn và đưa về cải táng tại nghĩa trang TP.HCM.


Các tác phẩm của Lê Văn Thảo


Trong “cuộc chiến 10.000 ngày” nói như một bộ phim tư liệu về chiến tranh Việt Nam do Mỹ sản xuất, Lê Văn Thảo chứng kiến rất nhiều mất mát và chịu cả những nỗi đau từ chính gia đình ông. Em gái ông, nhà giáo Dương Lệ Chi hy sinh khi đang dạy học ở căn cứ. Được biết, liệt sĩ Dương Lệ Chi đã lấy thân mình bảo vệ học trò trong một trận càn của địch quân. Những khốc liệt của chiến tranh đều được Lê Văn Thảo chắt lọc đưa vào tác phẩm của ông. Bộ phim Cánh đồng hoang do nhà văn Nguyễn Quang Sáng biên kịch có một chi tiết “mượn ý” của Lê Văn Thảo. Đó là chi tiết người cha do Lâm Tới thủ diễn, bỏ đứa con nhỏ vào túi nylon lặn xuống nước tránh máy bay địch quần đảo bên trên. Chi tiết này trong phim Cánh đồng hoang được Lê Văn Thảo viết trong truyện Đêm Tháp Mười vào những năm 1960 khi ông chiến đấu nơi đây. Trong khi đó, phim Cánh đồng hoang thực hiện vào những năm sau ngày hòa bình. Đem thắc mắc này hỏi nhà văn Lê Văn Thảo, ông cười nói kiểu anh hai Nam Bộ quen thuộc: “Ông Sáng là đàn anh của tao, mãi mãi là đàn anh của tao. Cánh đồng hoang là phim còn Đêm Tháp Mười là truyện, hai thể loại khác nhau, nên chi tiết phim và chi tiết trong văn học giống nhau cũng có sao đâu!”.

Tự hào về cha chú

Lê Văn Thảo vốn học đại học ngành Khoa học tự nhiên tại Sài Gòn, năm 1962 ông rủ em ruột là đạo diễn Lê Văn Duy vào chiến khu. Mãi đến năm 1965 ông mới bắt đầu viết lách, lúc đó ông viết ký chiến trường. Lê Văn Thảo vào chiến khu, xuất phát từ việc cha của ông là nhà giáo Dương Văn Diêu đã tập kết ra Hà Nội trước đó. Cụ Dương Văn Diêu từng làm hiệu trưởng một trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Nhắc đến cụ Dương Văn Diêu, nhà văn Lê Văn Thảo rất tự hào, vì rằng nhà giáo Dương Văn Diêu đã đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh sau này đều thành đạt, có người trở thành nguyên thủ quốc gia.

Có lẽ bạn đọc sẽ thắc mắc vì sao cha họ Dương mà con lại họ Lê? Đơn giản vì chàng thanh niên Dương Ngọc Huy và em trai khi vào chiến khu đổi tên thành Lê Văn Thảo và Lê Văn Duy theo họ mẹ để giữ bí mật. Cũng xin nói thêm, dòng họ Dương của nhà văn Lê Văn Thảo có nhiều người rất nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Lê Văn Thảo gọi tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh là bác. Vì ông Dương Văn Minh và cha của Lê Văn Thảo - cụ Dương Văn Diêu là anh em chú bác ruột. Dòng họ Dương của Lê Văn Thảo quả là rất “kỳ lạ”, vì dù ở phía “bên này” hay “bên kia” chiến tuyến đều làm quan to.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, gia đình Lê Văn Thảo có ba anh em ruột đều làm “quan văn nghệ”, gồm: Lê Văn Thảo (nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà văn VN, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM), Lê Văn Duy (nguyên Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu), Dương Cẩm Thúy (Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM). Lê Văn Thảo chẳng những tự hào về cụ Dương Văn Diêu, sĩ quan Dương Văn Nhật (người trực tiếp nói chuyện để Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện) - những người cùng ý thức hệ cộng sản với ông - mà còn tự hào về bác Dương Văn Minh - đại tướng, tổng thống của chính quyền Sài Gòn ở phe “bên kia”. Theo Lê Văn Thảo, lịch sử rất công bằng, ai có công hay có tội đều được thời gian soi xét.

Đã lâu, tôi có đọc một tác phẩm của Lê Văn Thảo, trong đó có chi tiết vào chiều ba mươi Tết, một người đàn ông gõ cửa muốn xin thăm lại ngôi nhà mà ông từng sống cả tuổi ấu thơ, nay nhà đã thuộc chủ mới. Người đàn ông đó có cha làm công chức chính quyền cũ, nên nhà đã bị tịch thu. Tất nhiên, chủ nhà cho người đàn ông đó vào và lắng nghe sự thay đổi của ngôi nhà trước kia và bây giờ. Nhà văn Lê Văn Thảo, nói: “Tôi luôn ước ao rằng, nếu ngôi nhà này đủ rộng để mọi người Việt từng khác nhau về suy nghĩ, có thể chung sống với nhau thì vui biết bao. Sự thật thì, ngôi nhà Việt Nam luôn đủ rộng cho tất cả chúng ta”.

Đất nước thống nhất không chỉ là sự thống nhất về địa lý, mà quan trọng hơn, là thống nhất lòng người

Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm