Nhà văn Lê Hoài Nam - Văn chương lay thức tâm hồn

23/06/2022 19:10 GMT+7 | Văn hoá

Tôi có mặt dự lễ ra mắt cuốn Tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam và được Truyền hình VOV mời nhận xét trong chương trình giới thiệu sách mới. Tác phẩm đánh dấu hành trình cầm bút của anh từ năm 25 tuổi đến nay và mang đến cho bạn đọc bao cảm xúc...

Tập truyện ngắn 'Bóng chiều quê': Đọc để thấm 'tục hay, nếp cũ' Nam Bộ

Tập truyện ngắn 'Bóng chiều quê': Đọc để thấm 'tục hay, nếp cũ' Nam Bộ

Đọc "Bóng chiều quê" (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2018) của Trần Bảo Định đáng để nâng niu, trân trọng. Và biết đâu đấy, là sự gợi mở cho những người tiếp bước con đường ông đang đi, cũng là để lưu giữ, bảo tồn “Nam Bộ tính” qua văn chương trong nhịp bước vội của cuộc sống đô thị hóa hiện nay!

1. Có năng khiếu văn chương từ nhỏ và rồi cũng như thế hệ trẻ lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chàng trai Lê Đức Nam (tên thật của Lê Hoài Nam) tạm “xếp bút nghiên lên đường đánh giặc”.

Khi “giặc nước đuổi xong rồi”, anh đã hiện thực hóa ước mơ văn chương với quyết tâm thi vào Trường viết văn Nguyễn Du khóa II (1982-1986) cùng các bạn văn, như: Hà Đình Cẩn, Y Phương, Pờ Sảo Mìn, Phùng Khắc Bắc, Trần Quang Quý... Năm 1987, Thượng úy hải quân chuyển ngành về Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh sau 16 năm quân ngũ.

Dày hơn 500 trang, khổ 16 cm x 24 cm, Tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam (NXB Hội Nhà văn, 2022) gồm 42 truyện ngắn là cuốn sách thứ 20 (7 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn, 3 tập truyện ký, 1 tập kịch bản phim, 1 tập tản văn và 1 tập lý luận – phê bình), kết quả sau hơn 40 năm sáng tác và sau 34 năm xuất bản cuốn sách đầu tiên (1988).

Chú thích ảnh
Tập truyện ngắn của Lê Hoài Nam

Đáng nói, 24 truyện ngắn ở phần thứ nhất đã làm nổi bật hình tượng người lính ở các binh chủng hải quân, đặc công, bộ binh... Chính 16 năm trong lực lượng vũ trang nhân dân, xáp mặt cùng hiện thực gian lao đã cho anh những trải nghiệm quý giá. Anh đã huy động khéo léo nguồn chất liệu quý báu, tươi rói cảm xúc chiến trận thăng hoa cho từng tác phẩm viết về chiến tranh và người lính.

Từng là chiến sĩ hải quân, nhà văn Lê Hoài Nam đã dành nhiều tình cảm, vốn sống viết về người lính biển. Chùm truyện ngắn Hải âu, Chim biển, Lâu đài trên đảo, Những phút đầu của mùa Xuân... viết về người lính đảo khá đặc sắc. Chân dung người lính biển hiện lên đa dạng tính cách, hoàn cảnh, nhưng đều có mẫu số chung là tình yêu biển đảo, tổ quốc.

Anh viết về sự hy sinh dũng cảm của thuyền trưởng, trung úy có cái tên rất biển là Dương Thủy Triều trong Hải âu rất cảm động, chạm đến trái tim bạn đọc. Là Đảo trưởng Đạm yêu loài chim biển; là sự khốc liệt của người lính đảo chịu đựng loại bọ chim hành hạ “chốc chốc lại luồn tay vào ống quần gãi sồn sột, nghe như tiếng mọt nghiến gỗ... mụn nhọt lấm tấm...” trong Chim biển. Là câu chuyện Thiếu úy Hợp nhận quyết định ra đảo, giữ đảo với chức vụ Đại đội phó bộ đội Hải quân. Cái đêm bão tố khủng khiếp, nước biển dâng đột ngột, Thiếu úy Hợp ra lệnh “Rời đảo thì chết, bám đảo thì sống! Tôi ra lệnh tất cả hãy bám lấy thắt lưng nhau”. Anh mang ra đảo chuyện riêng, nỗi nỗi éo le đeo bám bởi định kiến của làng từ nhỏ đến lớn vẫn không sao xóa nổi. Vì nóng giận lũ trẻ xéo dẫm lên lúa, nói không nghe, anh đuổi theo vớ được tay tre quất lên lưng cô bé Thấm... Hợp nhập ngũ sau khi bị khai trừ ra khỏi Đoàn, bị kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường... Nhà văn đã khéo léo kết thúc truyện có hậu khi chính Thấm - cô bé bị vụt vì đùa nghịch dẫm lên ruộng lúa năm xưa đã đọc được cuốn Nhật ký của Hợp mang khát vọng giúp làng quê thoát khỏi mất mùa... Chỉ có Thấm mới “xóa” được “án” năm xưa cho anh...

2. Ngoài đề tài lính đảo, anh còn có nhiều truyện ngắn viết về người lính Quảng Trị vào năm 1972-1973. Tuy thời gian ở mặt trận không dài, nhưng mỗi trang văn viết ra được tích lũy bằng máu xương của đồng đội như chính anh chia sẻ “Tôi có thói quen ghi nhật ký. Mỗi trang nhật ký là hành trang của người lính. Tất cả những gì tôi chứng kiến là chất liệu đậm đặc cho tác phẩm văn chương. Tôi đã ghi vào cuốn nhật ký hằng ngày những điều mắt thấy tai nghe ở Quảng Trị”. Anh gọi cuốn sổ ghi chép ở mặt trận Quảng Trị là “Nhật ký
chiến trường”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Lê Hoài Nam (bìa phải) cùng các nhà văn Việt Nam đi thực tế sáng tác ở Cao Bằng

Số phận cuốn nhật ký thật kỳ lạ. Khi về đoàn an dưỡng, anh đã cho một nữ chiến sĩ yêu văn chương mượn đọc. Chả hiểu là yêu văn, hay yêu người mà cô chiến sĩ ấy đã “ngâm giữ” cuốn nhật ký đến vài chục năm sau mới trả về cho chủ nhân khi Lê Hoài Nam về Hà Nội định cư. Cuốn nhật ký là kho tư liệu quý giúp anh có chất liệu viết các truyện ngắn hay về Quảng Trị: Thung lũng sỏi, Chuyện rồi sẽ kể, Tình yêu vỗ cánh, Cuộc gặp muộn mằn, Sói con, Bên hàng rào kẽm gai, Cây hoa lạ ở góc vườn…

Nhân vật là người lính thời hậu chiến đã được nhà văn viết chân thực, xúc động. Truyện Thung lũng sỏi găm vào tâm trí bạn đọc về sự khốc liệt mặc dù chiến tranh đã đi qua nửa thế kỷ. Người lính hôm nay được sống đã không quên những đồng đồng đội đã hy sinh để có cuộc sống hòa bình. Trở về Quảng Trị dự hội thảo, Lê Minh Đính đã tìm đến thung lũng sỏi - nơi mà năm 1972 ông là Trung sĩ, Trung đội phó day dứt, ám ảnh khi mai táng Luận và một nữ chiến sĩ bị mất một cánh tay. Phải làm thủ tục chôn cất thật nhanh tránh địch phục kích, nhưng nỗi ân hận đã giày vò ông suốt nửa thế kỷ và chỉ được hóa giải khi trở lại Quảng Trị “gặp” nữ chiến sĩ trong giấc mơ. Nữ chiến sĩ đó chính là Thiếu úy bác sĩ Nhị Hà - người đã phẩu thuật amidan cho ông ở quân y viện. Nữ bác sĩ nói: “Đúng là lúc quả mìn nổ, một cánh tay tôi bị văng đi. Nó văng đến chỗ dòng chảy và trôi nhanh về phía hạ nguồn. Nếu các anh có dụng ý đi tìm cũng sẽ không thấy đâu. Anh đừng băn khoăn day dứt gì nữa nhé. Vậy là cuộc gặp này chúng ta đã thanh thỏa mọi chuyện. Hãy coi đó là một kỷ niệm nghiệt ngã của cuộc chiến. Xin hãy đừng quên. Tôi đi đây. Tạm
biệt anh!”.

3. Hơn 40 năm cầm bút sáng tác, dễ nhận thấy Lê Hoài Nam luôn có ý thức dung nạp kiến thức cuộc sống làm đầy phông văn hóa cho mình. Bên cạnh vốn sống trải nghiệm, nhà văn coi trọng vốn văn hóa, bởi vốn văn hóa giúp nhà văn nhìn cuộc sống, nhìn con người đúng đắn hơn, hợp logic, biện chứng hơn. Vốn sống giúp nhà văn có chất liệu để đưa vào tác phẩm.

Với anh, mỗi nhà văn hôm nay đang đứng trước những thử thách rất nghiệt ngã: Văn hóa truyền thông, văn hóa tiêu dùng chiếm lĩnh thị trường; văn hóa đọc ngày càng thu hẹp... Hơn lúc nào hết, nhà văn phải thật có bản lĩnh, dám sống chết với nghề mới có thể cầm bút viết nên những trang văn có ý nghĩa với cuộc sống.

Nhà văn Lê Hoài Nam từng đoạt Giải thưởng Tạp chí Văn nghệ Quân đội - 1981 (truyện ngắn Những phút đầu của mùa xuân); Giải thưởng Truyện ngắn báo Văn nghệ cho truyện ngắn Bữa tiệc ly (2012); Tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho tập truyện ngắn Lần yêu đầu tiên (1995).

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm