Nhà văn Kiệt Tấn: Ngợi ca quê hương bằng sự hoài nhớ

24/08/2020 14:55 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngoài “ngợi ca đàn bà”, thì hoài nhớ quê hương là một chủ đề xuyên suốt và khá thành công của Kiệt Tấn. Tập truyện ngắn Đi trong thành phố có nắng (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM) vừa phát hành viết về quê hương gần gũi, day dứt và đầy thương yêu.

Kiệt Tấn: Ngợi ca đàn bà

Kiệt Tấn: Ngợi ca đàn bà

“Cái ghiền đàn bà của Kiệt Tấn đã tạo nên những trang sách đẹp, bắt đầu cho những cái ghiền khác nơi độc giả: cái ghiền được nằm một mình, đọc những chuyện tình của ông, nghe thấm thía ở từng tế bào, và lắm lúc vừa đọc vừa cười thích thú"

Ngoài tựa và bạt, tập truyện gồm các truyện Nụ cười tre trúc, Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi!, Năm nay đào lại nở, Lệ Dung sang Tề, Bến đò trao thơ, Em đến mùa trăng cuối, Những đóa hoa hạnh phúc không ngờ, Đi trong thành phố cố nắng, Nghe mưa, Cuối năm bên đường rầy, Bạch Tử cô nương. Truyện ngắn của Kiệt Tấn thường có dung lượng khá dày dặn, mỗi truyện từ 20 đến 40 trang sách, ít nhà văn chọn dung lượng dài như vậy.

“Trời ơi sao thương quá!”

Đây là nhận định của nhà văn Nguyễn Hoàng Liên khi đọc tập này và các truyện ngắn khác của Kiệt Tấn. Chị viết: “Cho đến bây giờ, chỉ có Kiệt Tấn và những trang viết của ông là khiến tôi thốt lên câu đó. Thương quá! Thương quá đi! Tình thương là một điều rất lạ, nó không đến từ những gì bi thảm đau đớn, kể cả được viết một cách xuất sắc như một kiệt tác. Nó lúc nào cũng bình thản giản dị và đi thẳng vô lòng người, không vòng quanh ngõ 5 lần 7 lượt mới gõ cửa”.

Còn với nhà văn Mai Ninh thì 2 truyện ngắn Năm nay đào lại nởEm vịt vàng nhỏ của tôi ơi! là dòng trữ tình đặc biệt. “Chúng là sức nóng âm ỉ của than hồng trong đáy sâu tâm thức của con người, một con người lưu lạc mà quê hương, trông về chỉ còn ngút ngàn mây trắng”.

Kiệt Tấn sinh năm 1940 tại làng Vĩnh Lợi ở tỉnh Bạc Liêu, từ nhỏ đã xa quê đi học ở Vĩnh Long, Mỹ Tho, Sài Gòn và Québec (Canada). Từ năm 1975 sống tại Pháp với gia đình, nên quê hương với ông từ nhỏ đã là nỗi hoài nhớ. Kiệt Tấn đã có nhiều tác phẩm xuất bản trong nước, đã nhiều lần về Việt Nam, tìm về làng Vĩnh Lợi, nghĩa là không đến mức “nghìn trùng xa cách”, nhưng vẫn luôn hoài nhớ.

Chú thích ảnh
Nhà văn Kiệt Tấn

Kiệt Tấn từng viết nhiều ý kiểu như ngồi giữa Bạc Liêu mà nhớ Bạc Liêu, giữa Sài Gòn nhớ Sài Gòn, giữa Québec nhớ Québec, giữa Paris nhớ Paris… đó là nhớ về một cố quận trong tâm tưởng, là liên nối của hiện tại về quá khứ, ký ức và hoài niệm.

Quê hương của Kiệt Tấn là những điều nhỏ nhắn, tinh tế, gần gũi… tất cả tạo nên một nhịp sống, một không khí vừa thô ráp vừa thơ mộng. Đó có thể chỉ là một câu hát, một câu thơ, đó có thể chỉ là một món ăn, một bà già bán cà rem, một bà khùng lượm ve chai, một nhân vật tuồng cổ, một nụ cười tre trúc của má, một vẻ đẹp của người chị dâu…

Kiệt Tấn xâu chuỗi, nhắc tới nhắc lui qua các truyện, nên nó vừa độc lập vừa tương giao, làm như không có quê hương không viết được truyện vậy. Nhiều khi đọc truyện này mà bắt gặp lại ý, lại hình, lại tứ của truyện khác, nhưng được kể trong một diện mạo mới, một cấu tứ khác. Có thể nói truyện ngắn của Kiệt Tấn cũng chính là quê hương trong hoài nhớ của ông, nên đọc thấy sao mà gần gũi, thương mến.

Chú thích ảnh
Tập truyện ngắn “Đi trong thành phố có nắng” vừa phát hành

Nguồn từ vựng Nam bộ phong phú

Một trí thức Tây học, quen thuộc với triết học duy lý, nên văn của Kiệt Tấn có sự trong sáng, rành mạch, dễ nắm bắt. Nhưng chính nỗi hoài nhớ quê hương, đặc biệt là Bạc Liêu, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Sài Gòn… đã khiến ông dùng rất nhiều từ vựng, câu ca, bài thơ đặc trưng vùng đất trong truyện của mình.

Những nhà văn thành công với “khí quyển” từ vựng Nam bộ chắc chỉ khoảng 9-10 người từ xưa đến nay, thì Kiệt Tấn là một thế giới riêng. Ông không nỗ lực tái hiện vùng miền, cũng không né tránh, mà cứ viết tự nhiên, giống như cách ứng xử hàng ngày. Khi nào cần ca dao, ca cổ, cải lương… thì cứ dùng thôi, không thấy lấn cấn gì hết. Chính tâm thế này, cộng với tư duy logic, đã làm cho các trang viết có được sự sáng sủa, dù chúng liên văn bản rất nhiều.

Cũng chính những từ vựng đúng đặc trưng phong thổ đã giúp diễn đạt được các ý tưởng thêm đắc địa. Kiểu như mở tình tiết trong truyện Bến đò trao thơ bằng câu: “Nhện sa xuống nước nổi phình/ Kiếu huynh kiếu đệ kiếu người tình tôi lui”. Để rồi kết truyện bằng câu: “Ra về bụng nhớ người thương/ Tay vỗ thanh giường chép miệng thở than”. Đọc 4 câu này chúng ta đã có thể hình dung phần nào về cốt truyện, đồng thời có dịp gần gũi với lời ca tiếng hát dân gian, nơi ấy ẩn chứa hồn cốt quê hương.

Về truyện ngắn, Kiệt Tấn còn các tập như Nụ cười tre trúc, Thương nàng bấy nhiêu, Nghe mưa, Em ơi biết đâu tìm, Em điên xõa tóc… Ngoài ra, ông còn thành công với thơ, trường ca và truyện dài.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm