Nhà văn Hồ Thủy Giang - Tài hoa và cần mẫn

17/11/2021 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cặp đôi đồng tác giả Vi Hồng - Hồ Thủy Giang được tuyển tới 3 bài vào sách Tiếng Việt 4, bộ hiện hành gồm: Cây trám đen, Con tê têChim công múa. Sách giáo khoa mới, bộ Chân trời sáng tạo lại tuyển của 2 ông bài Con suối bản tôi vào sách Tiếng Việt 2. Cả 4 bài kể trên đều lấy từ sách Văn miêu tả lớp 4-5 miền núi của cặp đôi đồng tác giả này.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Thơ Đặng Vương Hưng: Muôn màu cung bậc tuổi thơ

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Thơ Đặng Vương Hưng: Muôn màu cung bậc tuổi thơ

Năm 2021, nhà thơ Đăng Vương Hưng ra sách in 942 bài thơ lục bát của mình.

Nhà văn Hồ Thủy Giang cho biết: “Năm 1992, Sở Giáo dục Bắc Thái mời tôi và anh Vi Hồng viết sách này, năm sau, Sở ấn hành 10.000 bản dùng cho giáo viên và học sinh trong tỉnh. Đến năm 1997, NXB Giáo dục tái bản với số lượng 6.000.

Tôi quen anh Vi Hồng từ năm 1971, khi 2 anh em gặp nhau trong buổi lễ trao giải của báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Chúng tôi cùng là tân khoa, cùng dạy học, cùng viết văn, cùng là cư dân miền núi Bắc Thái nên thân nhau. Khi được mời viết sách ấy, 2 chúng tôi chụm đầu bàn, mỗi người nêu ý mình. Rồi cùng viết. Hồi ấy, tuy dạy đại học nhưng anh Vi Hồng vẫn nghèo, thường phải đánh cá ngoài suối để cải thiện bữa ăn. Tôi cũng chẳng hơn gì! Nhuận bút cuốn sách mỗi người một nửa, cũng thêm thắt để 2 gia đình thoát nghèo được ít ngày. Anh Vi Hồng đã mất, cuốn sách mỏng ấy còn lại như một kỷ niệm đẹp, không phai mờ giữa 2 chúng tôi”.

Nhiều trang đẹp về miền Việt Bắc của Tổ quốc

Ngoài cái đẹp “văn nhân tương thân” bên lề quyển sách như đã kể, sách còn nhiều trang đẹp về miền Việt Bắc của Tổ quốc. Cái đẹp của Cây trám đen rất thật - “Ở đầu bản tôi có cây trám đen”, nhưng lại không thiếu kỳ ảo, lãng mạn! Là cây đấy nhưng trám đen cũng là nguồn xanh mát “trên trời rơi xuống”, là vành ô che chở cho người dân đất này của mẹ thiên nhiên Việt Nam để “Chiều chiều, tôi thường ra đầu bản nhìn lên những vòm cây trám ngóng chim về… Xa quê đã ngót chục năm trời, tôi vẫn nhớ da diết cây trám đen ở đầu bản”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Hồ Thủy Giang

Cái đẹp ngon mắt, khi con tê tê dùng bữa: “Nó thè cái lưỡi dài nhỏ như chiếc đũa, xẻ làm 3 nhánh đục thủng tổ kiến rồi thò lưỡi vào trong. Đợi kiến bâu kín lưỡi, tê tê rụt lưỡi vào mõm, tóp tép nhai…”. Chữ tượng thanh “tóp tép” dùng thật đắc địa, chữ ấy tả thực điều nghe thấy mà như nhân hóa, biến vật thành người. Đọc hiểu thật kỹ chữ ấy, học sinh hình dung được, hình ảnh “ý tại ngôn ngoại” - nhà văn đang áp tai nghe nhân vật của mình, đặng mà tạo hình tượng thính giác.

Cái đẹp của những nghệ sĩ rừng xanh khi “Chim công múa” đôi; cái đẹp của “Con suối bản tôi” có “cá bơi lượn lấp loáng như hàng trăm hàng nghìn ngôi sao rơi xuống lòng suối”.

Sách được viết kỹ tới từng chữ vì các tác giả muốn truyền hết kỹ năng làm văn miêu tả mà mình tích lũy được cho học sinh. Theo đó, miêu tả là dẫn ra chi tiết độc đáo, để cảnh vật được miêu tả, hiện lên sinh động như nó vốn có. Nhưng cũng cần ví von so sánh, để cảnh vật đã thật, lại đẹp; cần suy ngẫm để gửi vào cảnh vật tâm sự của con người. Trong sách này, tâm sự ấy thường là của nhật vật “tôi” người cầm bút miêu tả, những dòng tâm sự này, là cách khuyến khích học sinh tự tin thể hiện cá nhân mình trong các bài viết.

Những nhân vật làm đẹp cuộc đời

Hồ Thủy Giang khởi nghiệp bằng những truyện ngắn duy mỹ, viết cùng một bút pháp giàu chất thơ của bậc thầy Pautovxkyvà của đàn anh Đỗ Chu.

Ông kể: “Hồi ấy tôi dạy học ở một trường miền núi khá heo hút. Vì có viết lách nên tôi quen với một cô nhân viên bưu điện rất xinh đẹp. Có một lần, không hiểu vì sao cô ấy đã bỏ quên trong đáy tủ một bản thảo của tôi gửi cho tòa soạn. Khi phát hiện ra chuyện này, cô ấy rất ân hận và khóc. Tôi bảo: “Xin lỗi em, vì cái bản thảo của anh mà em phải khóc”. Cô ấy lau nước mắt:“Đúng chỉ có anh là một. Em phải xin lỗi anh thì mới phải chứ”. Đêm ấy, tôi về viết một mạch xong truyện ngắn này”.

Chú thích ảnh
Bài “Con suối bản tôi” của Hồ Thủy Giang và Vi Hồng trong sách “Tiếng Việt 2”

Đấy là truyện Những trang bản thảo từng được giải của tạp chí Văn nghệ quân đội. Truyện như ánh xạ từ những giọt lệ của những người muốn làm vui lòng nhau ở nơi heo hút kia. Và dù heo hút, cô bưu điện (Hương) nhàn nhã và anh văn sĩ giáo chức (Quang Tuyền) vẫn tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để trong truyện xuất hiện chuyến xe chuyển đoạn:

“Trên xe chật ních người. Đó là chuyến xe chở tân binh lên đường nhập ngũ. Những người vẫy chào cô chắc là những khách vẫn thường qua lại trạm bưu điện này…Bỗng Hương sững lại, không nói được hết câu. Cô nhận ra Tuyền đứng ở cuối xe. Hình như cố ý chờ cho tất cả những lời chào của mọi người lắng xuống anh mới vẫy tay về phía Hương. Giọng anh gấp gáp, ngắt nhịp như muốn gửi gắm thật nhiều qua mấy câu ngắn ngủi: - Hương ơi! Ở lại nhé. Công tác tốt. Hẹn gặp lại Hương!”.

Và truyện kết có hậu một cách lãng mạn, họ gặp nhau trên mặt báo “Hương chuyển thư lên các ngăn trên tủ rồi quay ra xếp lại tập báo. Tay cô bỗng buông thõng xuống khi động vào chồng báo đầu tiên. Cô trân trân nhìn hàng chữ to trên trang nhất: “Cô bưu điện”, phía dưới là một dòng in nhỏ hơn: “Truyện ngắn của Quang Tuyền”. Và cạnh đó là hàng chữ in nghiêng: “Tặng Hương thân yêu”. Nhân vật của Hồ Thủy Giang lại khóc, “…những giọt nước mắt rơi xuống long lanh trên trang báo…”.

Trong lối viết nhiều mơ hơn thực này, người viết bài rất thích truyện Điện hoa dù truyện không được giải. Phương Lan xinh đẹp, nhã nhặn có bằng đại học ngoại ngữ loại ưu, những đã hơn 35 tuổi vẫn lặng lẽ, chủ động sống độc thân vì cô mắc bệnh nan y, không muốn làm phiền người khác. Nhưng làm phiền cô thì có nhiều người khác, kể cả học sinh của cô! Họ tọc mạch, soi mói, coi thường, khi vào những ngày lễ lạt, những người đẹp khác có hoa tặng còn Phong Lan thì không. Thế rồi phép màu xảy ra, Phong Lan có hoa tặng của một người vô danh. Người làm ra phép màu, người vô danh kia là một nhân viên bưu điện bình thường, nhưng có sự cảm thông và lòng nhân ái. Vì sống cùng chung cư với Phong Lan nên anh ta biết chuyện và bí mật gửi hoa. Sự an ủi của anh bưu điện biến thành niềm kiêu hãnh của người đẹp bất hạnh, khiến cô càng đẹp hơn! Cả 2 nhân vật cùng làm đẹp cuộc đời này.

Nói về chặng đầu sự nghiệp văn học của nhà văn Hồ Thủy Giang, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai,trong luận văn thạc sĩ Đặc điểm truyện ngắn Hồ Thủy Giang cho rằng ông đã thành công khi vẽ “chân dung cao đẹp sáng ngời” của những nhân vật “có tấm lòng nhân hậu, giàu lòng yêu thương, vị tha, giàu đức hy sinh, trong mọi hoàn cảnh khó khăn thử thách họ vẫn vượt lên giữ được chính mình”.

Chú thích ảnh
Một số tác phẩm tiêu biểu của Nhà văn Hồ Thủy Giang

Gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh

Trong một luận văn thạc sĩ khác, có tên Đặc điểm tiểu thuyết Hồ Thủy Giang người viết luận văn, nhà báo Thân Thị Mai Linh Lan, nhận thấy, nhà văn Hồ Thủy Giang đã “phơi bày những cái xấu, cái chưa được của con người khi nhân cách bị tha hóa bởi đồng tiền, danh vọng và sắc dục”, “gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh…”.

Hồi chuông báo động có nhiều cấp độ và ngày một khẩn cấp hơn! Có khi chỉ là sự mỉa mai một cán bộ vì “Hơn 30 năm trước… anh vẫn thường đi qua đi lại nơi đây. Nhưng mà đi với tốc độ dưới 10 cây số 1 giờ bằng chiếc xe đạp cà tàng… từ giữa đầm sen cô vẫn nhận ra hình bóng anh cùng chiếc xe đạp xỉn màu trên đường để rối rít gọi, để trao cho anh những bông sen đẹp nhất đầm”.

Còn bây giờ “anh, chễm chệ trên chiếc mát-đa bóng nhẫy dành cho cán bộ lãnh đạo cao cấp” nhưng xe hỏng bên đầm sen. Và anh gặp người xưa, chuyện người như hóa thành chuyện ma! Anh cán bộ đã không gặp cô gái 30 năm nay, vậy mà cô nói, hệt như một người vừa hiện ra từ một cõi sống khác: “Từ 10 năm nay em vẫn thường xuyên gặp anh đấy. Mà chỉ đứng cách anh có hơn 1 mét thôi nhá”. Anh cán bộ còn chưa hết sợ thì cô đã “cười ngặt nghẽo” và giải thích, biến chuyện ma thành chuyện chính trị khôi hài: “Thì khoảng 10 năm nay, lúc nào mà em chẳng nhìn thấy anh trên cái ti vi đen trắng của nhà em” (truyện Khoảng cách, giải thường tạp chí Tài hoa trẻ).

Ở truyện cực ngắn Hổ cũng trên tạp chí Tài hoa trẻ, mức độ báo động đã đỏ màu máu: “Ở công viên thành phố xảy ra một chuyện kinh hoàng. Con hổ cắn đứt rồi ngấu nghiến ăn sống nuốt tươi cánh tay một bé gái lên 10”. Chữ “kinh hoàng” có ngay từ câu mở truyện nhưng sự kinh hoàng xuất hiện trong người đọc khi nhìn thấy kẻ ăn bớt khẩu phần của thú đã hóa thú khi vỗ tay thắng thế, “nhe” “10 ngón tay nhoáng nhoáng rối vào nhau như 10 cái nanh nhọn của loài thú đói”.

Tài hoa và cần mẫn gần nửa thế kỷ lao động văn chương, nhà văn Hồ Thủy Giang đã tới được vạch đích “trước tác đẳng thân” khi đứng bên những đứa con tinh thần, những cuốn sách mình viết!

Vài nét về Hồ Thủy Giang

Hồ Thủy Giang tên thật là Đào Việt Hải sinh 1947,đã từng dạy học, từng là biên tập viên Báo Văn nghệ Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Ông vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003,là tác giả của 30 tác phẩm văn học và 20 giải thưởng từ các tổ chức văn học cấp trung ương. Hồ Thủy Giang hiện sống tại TP Thái Nguyên.

(Còn tiếp)

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm