Nhà văn Giả Bình Ao được ca ngợi như 'anh hùng Heracles'

24/03/2017 11:24 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Trung Quốc nổi tiếng Giả Bình Ao đã được trường Đại học Macao (UM) trao bằng tiến sĩ danh dự nhằm ghi nhận sự đóng góp xuất chúng của ông tới nền văn học đương đại Trung Quốc.

Hong Gang Jin, Trưởng khoa Nghệ thuật & Nhân văn trường Đại học Macao ca ngợi Giả Bình Ao là nhà văn nổi tiếng có tài năng lớn, đầy sinh lực và uy tín. Các tác phẩm của ông dù mang trí tưởng tượng thế nào song lúc nào cũng bắt nguồn từ thực tế và qua đó trao cho ông sức mạnh gần như Heracles (vị anh hùng trong thần thoại Hy - La, tượng trưng cho sức mạnh chinh phục thiên nhiên của con người thời xưa).


Nhà văn Trung Quốc Giả Bình Ao

Nhà văn Giả Bình Ao đã có bài thuyết trình về sự phát triển và tương lai của nền văn học đương đại Trung Quốc bằng thổ ngữ Thiểm Tây độc đáo của ông.

Giả Bình Ao (65 tuổi) chính thức bắt đầu viết văn với tác phẩm đầu tay là truyện ngắn "Đôi tất". Năm 1978, ông tạo dựng được tên tuổi khi truyện ngắn "Mãn nguyệt nhi" (Trăng tròn) được trao giải truyện ngắn ưu tú toàn quốc.

Từ đó trở đi, suốt những năm 1980 và sang những năm 1990, tiểu thuyết của ông thường được đánh giá có chất lượng cao hơn mặt bằng sáng tác nói chung. Ở Trung Quốc, rất ít nhà văn giữ nguyên được tầm cỡ trong một thời gian dài như vậy.


Tiểu thuyết "Phế đô" của Giả Bình Ao đã được dịch sang tiếng Việt & phát hành ở Việt Nam

Giả Bình Ao là một nhà văn tinh thông về văn hóa truyền thống Trung Hoa, bên cạnh đó, ở tác phẩm của ông, người ta còn nhận ra sự hiểu biết và nắm vững hơn người về nghệ thuật và văn minh hiện đại. Mọi tác phẩm của ông đều có tình cảm bắt rễ sâu ở mảnh đất và đất nước nơi ông sinh sống.

Qua cuộc sống của các nhân vật trong tác phẩm, bao giờ người đọc cũng bắt gặp nét đẹp truyền thống Trung Hoa cùng phương thức truyền thống biểu đạt nét đẹp đó.

Đến nay, ngoài nhiều truyện ngắn và tản văn, Giả Bình Ao đã tung ra hơn 10 tiểu thuyết, gồm Thương Châu Phù táo (Nóng vội), Cuộc tình, Trăng tròn, Phế đô (Đô thành hoang phế), Bạch dạ (Đêm trắng), Thổ môn (Cửa đất), A Cát, Bệnh nhân, Thợ săn, Những câu truyện nghe được, Hoài niệm sói.

Các tác phẩm của ông đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng, trong đó một số tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt.

Tuấn Vĩ
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm