Nhà văn Đoàn Thạch Biền: 'Phải có bóng dáng người tình của họ...'

17/05/2021 07:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - NXB Tổng hợp TPHCM và Sách Huyền Đức vừa tái bản 3 tác phẩm tiêu biểu của Đoàn Thạch Biền, do chính nhà văn này tự chọn, đó là Tình nhỏ làm sao quên, Tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương. Theo Đoàn Thạch Biền, ông không chú ý để biết 3 cuốn này đã tái bản bao nhiêu lần và in tất cả bao nhiêu bản, chỉ biết là rất nhiều lần.

Đoàn Thạch Biền: Người viết qua hai 'chế độ'

Đoàn Thạch Biền: Người viết qua hai 'chế độ'

Từng đoạt giải Văn học Nghệ thuật quốc gia (miền Nam) trước năm 1975, đi “học tập” sau ngày 30/4, Đoàn Thạch Biền trở thành cái tên mà hầu hết các nhà văn trẻ TP.HCM trưởng thành sau 1975 đều phải nhắc đến…

Đây là 3 tác phẩm viết về những mối tình đầu, mà với nhiều người đã đọc, thì càng lớn tuổi càng thấy thấm thía, tâm đắc. Một số tác phẩm nổi tiếng khác của Đoàn Thạch Biền là Ví dụ ta yêu nhau, Những ngày tươi đẹp, Phượng yêu, Mùa Hè khắc nghiệt…

Năm 1993, Đoàn Thạch Biền chuyển thể tác phẩm Tình nhỏ làm sao quên thành kịch bản phim cùng tên, do Lê Hoàng Hoa đạo diễn. Phim có sự tham gia của các ngôi sao thời đó như Lê Cung Bắc, Đơn Dương, Diễm Hương, Hồng Vân... phim đã thành cánh cửa để đưa Mỹ Duyên thành ngôi sao màn bạc một thời. Đại diện Sách Huyền Đức cho biết giữa năm 2019 có một vài hãng phim đến đặt điều kiện mua 3 tác phẩm này để chuyển thể điện ảnh, nhưng do dịch Covid-19 bùng phát, nên tạm ngưng.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền có cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) nhân 3 tác phẩm nổi tiếng được tiếp tục tái bản.

Chú thích ảnh
Nhà văn Đoàn Thạch Biền

* Nay ông đã bước vào tuổi “cổ lai hy”, với đủ đầy chiêm nghiệm, ông có thử ngồi lại để cắt nghĩa vì sao mình chọn con đường văn chương không?

- Tại vì từ nhỏ tôi đã mê chữ nghĩa. Tôi có thể nhịn ăn để chơi ô chữ suốt ngày.

* Vì sao ông học triết Tây, nhưng khi viết văn, ông lại chọn các chủ đề nhẹ nhàng, hướng nhiều đến lứa tuổi ô mai/tuổi teen và tuổi thanh xuân/ áo trắng?

- Chủ đề nhẹ nhàng, tôi viết thành truyện. Chủ đề nặng nề, tôi viết kịch. Nếu có đọc kịch của tôi, sẽ nhận thấy rõ sự khác biệt đó, dù cùng viết về tuổi thanh xuân mà thôi.

* Hai điều này có phải cũng là động lực để mấy chục năm nay ông vượt qua khó khăn khi làm tập san “Áo trắng” không?

- Tập san Áo trắng là phần thơ mộng của tôi. Tôi sống sẽ khó khăn lắm nếu thiếu phần thơ mộng đó. Tập san này ra mắt từ tháng 8/1990, sống đến nay thì công lao hàng đầu thuộc về NXB Trẻ, họ phải bù lỗ liên tục.

Chú thích ảnh
Ba cuốn sách nổi tiếng của Đoàn Thạch Biền vừa tái bản

* Nếu ông thử làm độc giả hoặc nhà nghiên cứu của bộ 3 vừa tái bản, ông sẽ cắt nghĩa hoặc lý giải thế nào về sự thành công vượt bậc của nó?

- Truyện tình yêu luôn luôn có bạn đọc. Dù có người ví von: Kinh nghiệm tình yêu của người này đối với người khác như cái lược đối với thầy tu, nhưng người ta vẫn thích chải đầu. Và sách tôi dành cho những người thích chải đầu ấy.

* Viết về chủ đề này, những điểm khó khăn nhất là gì?

- Viết phải có bóng dáng họ và người tình của họ, họ mới mua sách đọc.

* Ông có còn ôm ấp một tác phẩm mới về chủ đề này nữa không?

- Tôi không còn ôm ấp một tác phẩm mới về chủ đề tình yêu nữa. Lúc này tôi đang say mê đọc Stephen King. Tôi ước mơ viết được một cuốn truyện kinh dị như ông ấy.

* Một hành trình văn chương với nhiều tác phẩm, xuyên suốt cuộc đời, vậy thì theo ông, cần những nhân tố nào để đi dài lâu như thế?

- Đam mê. Đam mê và đam mê.

* Cảm ơn ông. Chúc ông sức khỏe.

Kịch để đọc

Đoàn Thạch Biền từng nói: “Tôi thích đọc kịch hơn đọc truyện”. Tập kịch Đêm của cỏ (NXB Trẻ, 2004) của ông gồm 5 vở kịch, nhưng đây là kịch để đọc hơn là để dàn dựng trên sân khấu. Ông thường viết kịch 1 màn, đậm suy tư, thời lượng ngắn, không những khó với các sân khấu, mà còn khó in với các tạp chí văn nghệ. Truyện của ông có bóng dáng của kịch ở khía cạnh nhiều đối thoại, nhưng truyện trong trẻo hơn.

Như Hà (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm