Nhà thơ Vi Thuỳ Linh: Hội Nhà văn phải là vệ sĩ, hoa tiêu nghệ thuật cho độc giả

08/07/2015 08:03 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - “Trước thềm Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam tháng 8 năm 2010, tôi đã viết serie bài Hội Nhà văn Việt Nam bao giờ mới trẻ? Ngày mai, Đại hội nhiệm kỳ mới diễn ra, nhớ lại câu hỏi ấy, tôi có thể trả lời chính xác rằng: Còn lâu mới trẻ! Khi xác định được câu trả lời ấy, tôi rất buồn”.

Đó là nhận xét của nhà thơ Vi Thùy Linh với Thể thao & Văn hóa trước thềm Đại hội lần IX Hội Nhà văn Việt Nam khai mạc vào sáng mai  9/7/2015, tại khách sạn La Thành, Hà Nội.

"Muốn tỏa sáng trong đội hình "Đội tuyển Quốc gia"

Linh giải thích lý do khiến chị buồn:

-Sau đại hội cơ sở chiều ngày 15/5, đọc kết quả thì tôi là một trong ba người có số phiếu bầu cao nhất được đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ mới này.

Như vậy tôi đã chắc suất. Nhưng nếu tôi chỉ là kẻ ích kỷ, thì việc gì phải buồn. Song tôi không muốn độc sáng. Các bạn tôi đâu? Tôi muốn tỏa sáng trong một đội hình mạnh, là "Đội tuyển Quốc gia" chứ không phải nổi bật nơi vắng vẻ. Buồn vì bạn đồng nghiệp của tôi trẻ, đầy năng lực như: nhà văn Di Li, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng... đã không được bầu.

Tôi được biết, tại Đại hội khu vực thành phố Hồ Chí Minh, ai không đi họp thì không được bầu. Nhà văn Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Danh Lam không đi họp. Điều hay là các bác lớn tuổi chủ động đứng lên từ chối vì lý do sức khỏe: nhà văn Trần Kim Trắc, nữ sĩ Phương Đài...


Nhà thơ Vi Thùy Linh là khách mời bình luận chương trình bài hát yêu thích tháng 5/2015. Ảnh: Đỗ Thế Dương

* Là hội viên, chị nhận xét gì về hoạt động của Hội trong 5 năm vừa qua?

- Về mặt công năng làm việc thì hơn hẳn khóa trước. BCH Hội đã làm được nhiều việc, nhất là khâu kết nối văn học Việt Nam với quốc tế.

Dẫu vậy, đối với cá nhân tôi và nhiều cây bút trẻ khác đã bị "lạc" trong sự kết nối đó. Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương không mời tôi. Những lần xuất ngoại du diễn của tôi do phía châu Âu mời đích danh. Suy từ tôi rất tích cực từ chuyên môn tới hoạt động Hội, thì đội trẻ làm văn chương bây giờ quá thiệt thòi. Ngay những chuyến tham quan hay trại sáng tác, chưa lần nào tôi có tên trong danh sách, mặc dù tôi muốn đi và đã tỏ bày.

Tôi nghĩ rằng, những cuộc như thế rất cần có ý nghĩa để mở mang thế giới quan và có thời gian tập trung hoàn thiện tác phẩm. Tôi cũng chưa hề nằm trong danh sách của bất cứ một đoàn nào đi nước ngoài. Hình như mọi người nghĩ rằng những người trẻ như chúng tôi năng động, nhiều quan hệ và được đi nhiều rồi chăng? Thế nên tôi thấy bản thân mình và nhiều người viết thế hệ 8X, 9X thiệt thòi mãn tính, thiệt thòi kinh niên.

* Thời gian qua, xuất hiện tràn lan sách rác, điển hình là loại sách "ngôn tình, đam mỹ, bách hợp", làm ảnh hưởng đến văn hóa đọc của người Việt. Đã có người đặt câu hỏi: trách nhiệm của Hội Nhà văn ở đâu trong vấn đề này!? Còn chị?

Ở Việt Nam, hễ có điều gì không tốt, cái gì mà phải xác định trách nhiệm, sẽ dẫn đến tình trạng đá bóng và đổ tội cho nhau. Ở ta, không có cái gọi là văn hóa nhận lỗi. Thế nên đứng trước vấn đề mà bạn vừa hỏi tôi, chắc chắn sẽ có câu trả lời là tại các nhà xuất bản.

Theo tôi, Hội phải có tiếng nói về chuyên môn như là lằn ranh giá trị, là "vệ sĩ, hoa tiêu nghệ thuật" để mà thẩm định, mà sàng lọc ra được những tác phẩm đích thực cho độc giả. Lẽ ra Hội phải chỉ ra cho người đọc thấy dòng tác phẩm này hay, tổ chức hội thảo, những cuộc khuếch trương về sách để vị trí nhà văn tự tin hơn, tiếng nói yêu nước mạnh hơn trước biến động thời cuộc, kể cả tác động tới tâm hồn người để giảm bớt suy thoái văn hóa đọc. Rất tiếc, Hội chưa làm được việc đó.

Mua 5 váy mới, nhờ chồng trông con để dự Đại hội

* Chị đã chuẩn bị  gì cho Đại hội lần này?

Tôi không thích hình ảnh nhà văn, nhà thơ nhếch nhác như những nhân vật nhà văn nhà thơ trong những bộ phim truyền hình, tiểu phẩm hài người ta vẫn hay bôi bác.

Đại hội 5 năm mới có một lần. Đời viết không biết dự được mấy lần đại hội. Với tôi, đây là một sự kiện quan trọng của nghề nghiệp của tôi. Vì vậy, tôi đã chuẩn bị 5 chiếc váy mới, mặc đẹp là cách tôn trọng mình, nghề nghiệp của mình và sự kiện mà mình có mặt.

Ngoài ra, tôi có con nhỏ nên bỏ tiền túi ra thuê phòng ở khách sạn La Thành, nơi sẽ diễn ra Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn VN, nhờ chồng trông con vì cháu không chịu theo ai lâu. Nếu đang họp mà con khóc, thì kịp chạy về phòng cho con bú. Đây là sự lệ thuộc duy nhất của tôi với thiên chức. Còn khi sáng tạo, tôi không dùng giới tính nữ và không bao giờ cần sự châm chước nào như các đồng nghiệp nữ xưa nay vẫn áp dụng.

* Có vẻ chị hào hứng với Đại hội nhỉ?

- Tôi không viết tham luận và sẽ không đăng ký phát biểu. Nhưng, tôi luôn nhớ rằng, hội nghị Diên Hồng ở thế kỷ 13, triều đình mời các bô lão đến để bàn nên hòa hay nên đánh giặc Nguyên, còn ở đại hội mà tôi sắp dự, nên bàn rốt ráo đến việc đổi mới bắt buộc và trẻ hóa là vấn đề cốt tử sống còn quyết định tương lai, vị thế của Hội.

Có thể giờ tôi cũng không còn nhiệt tình dấn thân quả cảm như Trần Quốc Toản cách đây 7 thế kỷ, lao lên “bóp nát quả cam” bằng sê-ri bài, bằng nỗ lực hội tụ các bạn viết cùng thời thành làn sóng mới như 5 năm trước nữa.

* Xin cảm ơn nhà thơ Vi Thùy Linh về cuộc trò chuyện!

Huy Thông (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm