Nhà thơ Phạm Đình Ân: 'Thơ thiếu nhi cần trong sáng như một bình pha lê'

29/07/2020 19:24 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bài thơ Màu sắc em yêu của Phạm Đình Ân đã có mặt trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5 từ mấy chục năm nay. Ông sinh năm 1946 tại quê ngoại Hà Nam, nguyên quán Nam Định, từng sống nhiều năm ở Thanh Hóa. Tốt nghiệp khoa văn, Đại học Tổng hợp (1969). Đã làm việc ở báo Nhân dân, báo Văn nghệ từ thập niên 1970 tới ngày nghỉ hưu.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Hạt gạo của đắng cay và ngọt bùi

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Hạt gạo của đắng cay và ngọt bùi

Nếu trưng cầu dân ý về danh sách 10 bài thơ hay, gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi chắc sẽ có bài "Hạt gạo làng ta" của Trần Đăng Khoa. Bài thơ này được viết năm 1968, khi Trần Đăng Khoa mới 10 tuổi, in trong tập "Góc sân và khoảng trời" năm 1968. Bài thơ này từng vào SGK Văn lớp 5 (tập 2, NXB Giáo dục, 1989), hiện ở trong SGK Tiếng Việt lớp 5 (tập 2).

Tác phẩm chính có Nắng xối đỉnh đầu (thơ, 1990), Những hoàng hôn ngẫu nhiên (thơ, 1990), Tắc kè hoa (thơ, 1996), Đất đi chơi biển (thơ, 2006), Cao nguyên đá (thơ, 2014), Vòng quay (thơ, 2014), Chuyện kể thành ngữ (biên khảo, 2 tập, 2017), Thềm trăng trải chiếu (thơ văn, 2020)…

Vì sao bài thơ lại 7 màu?

Bài thơ Màu sắc em yêu hẳn nhiều thế hệ học sinh vẫn còn thuộc. Bài thơ như sau:

“Em yêu màu đỏ/ Như máu con tim/ Lá cờ Tổ quốc/ Khăn quàng đội viên

Em yêu màu xanh/ Đồng bằng, rừng núi/ Biển đầy cá tôm/ Bầu trời cao vợi

Em yêu màu vàng/ Lúa đồng chín rộ/ Hoa cúc mùa Thu/ Nắng trời rực rỡ

Em yêu màu trắng/ Trang giấy tuổi thơ/ Đóa hoa hồng bạch/ Mái tóc của bà

Em yêu màu đen/ Hòn than óng ánh/ Đôi mắt bé ngoan/ Màn đêm yên tĩnh

Em yêu màu tím / Hoa cà, hoa sim/ Chiếc khăn của chị/ Nét mực chữ em

Em yêu màu nâu/ Áo mẹ sờn bạc/ Đất đai cần cù/ Gỗ rừng bát ngát…

Nhà thơ Phạm Đình Ân có tên trong Hội đồng chuyên gia tư vấn của báo Văn tuổi thơ, một dạng học báo dành cho học sinh tiểu học, thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với ông, trong thơ viết cho thiếu nhi, bài thơ cũng là một bài học, vì thế ông thường dùng lối tối giản trong cấu tứ, để thơ thật trong, thật sáng. Ông nói: “Thơ thiếu nhi cần trong sáng như một bình pha lê, thả những con cá chữ, mỗi con một màu sống động”.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Phạm Đình Ân

Ông viết để các độc giả của mình dễ đọc, thích đọc, rồi đọc thuộc lòng lúc nào không hay! Nhiều khi tứ thơ được dồn vào chỉ một chữ thơ nào đó, các dòng thơ xâu chuỗi những chữ chủ đề kia, như đứa trẻ xâu một chuỗi hạt cườm. Bài thơ Mừng tuổi ông viết trong mùa Xuân 2018 là một thí dụ. Tứ thơ nằm ngay chữ trong tên bài. Bài thơ có 5 khổ, thì cả 5 khổ đều bắt đầu bằng chữ “mừng tuổi” kia.

Chính ứng xử lịch thiệp, hành vi hào phóng nằm trong chữ mừng tuổi ấy đã đưa ông bà, bố mẹ, rồi cả thầy cô… cùng đi tới khổ thơ thứ 5, đi tới mùa Xuân, để chan hòa vào nhau, cùng rộng ra, cùng lớn lên. Bài thơ có đoạn: “Mừng tuổi tuốt tuồn tuột/ Người người yêu quý ơi/ Cả chó mèo, cây cỏ/ Chim và mây trên trời”.

Chú thích ảnh
Phạm Đình Ân (bên phải) cùng nhà văn Lê Phương Liên tại hội thảo về Trần Hoài Dương ngày 13/6/2020 tại Hà Nội. Ảnh: TQT

Bài thơ Màu sắc em yêu cũng vậy, mắt thơ nằm ở chữ “màu”. Sau 7 khổ thơ diễn dịch, mà khổ nào cũng có chữ màu, chủ đề gắn với điệp ngữ “em yêu”, đã có thể quy nạp ở khổ thơ cuối, để lung linh, đằm thắm, nà nuột… Cái kết cho thấy nơi người và đất Việt đều có trong con chữ thiêng liêng ghi tên nước: “Trăm nghìn cảnh đẹp/ Dành cho bé ngoan/ Em yêu tất cả/ Sắc màu Việt Nam”.

Có người đã bắt bẻ sao không phải 6 hay 8 màu, mà lại là 7 màu? Có lý do đấy. Tác giả bài thơ viết về quá trình sáng tác bài này: “Tôi viết đi viết lại cả chục lần. Viết được 5 khổ thấy hiện ra chữ ngũ sắc truyền thống đã sướng, nhưng dừng lại ở đây thì còn thiếu màu tím thủy chung của người lớn, màu tím mực viết học trò. Còn thiếu màu nâu chùa chiền chay tịnh, màu nâu đất đai lặng yên. Lại viết. Được 7 khổ thì không viết thêm vì đã quá dài. Và cũng vì số 7 là số chỉ màu trong quang phổ của vật lý học. Kết được rồi! Tôi tự thấy đã làm được điều mình muốn, viết một bài thơ như một bài học về lòng yêu nước, mà không cứng, không khô, không giáo điều. Các em học một bài lớn, bài khó mà dễ dàng, tự nhiên như đang xem truyện tranh. Và Sắc màu em yêu ra đời. Tôi vui vì đứa con tinh thần của mình cũng được việc, cũng đã phục vụ được nhiều thế hệ học trò”.

Chú thích ảnh
Bài thơ “Màu sắc em yêu” của Phạm Đình Ân trong Tiếng Việt 5

Sao chổi và những câu chuyện khác

Với sức phục vụ như thế, cả thơ và văn xuôi của Phạm Đình Ân đã được nhiều học trò mang về nhà để người ở nhà cùng đọc, cùng thuộc, cùng sáng tạo. Bài văn xuôi khá ngộ nghĩnh, có tên là Sao chổi, kể chuyện các tinh tú làm vệ sinh bầu trời trong sách giáo khoa bộ cũ, đã “hưu trí” mấy mươi năm, vậy mà khi viết bài này, tôi gõ phím tìm “sao chổi Phạm Đình Ân” thì màn hình hiện một người hát rap, hát những câu văn xuôi của bài tập đọc này.

Bài rap kèm với hình trang bìa, trang ruột, tranh minh họa, logo nhà xuất bản và trang chuyện ngắm sao của hai anh em Tuấn, Hà. Người rap nhấn vào câu trẻ con nhất “trời bắt chước em đấy”! Người này rap xong, tới người khác, nhóm này rap tiếp nhóm kia!

Văn học hiện đại có lẽ cũng đang tìm kiếm hình thức diễn xướng mới, tác phẩm của Phạm Đình Ân có mặt trong diễn tập này!

Còn một chuyện vui khác về cuộc sống “bụi đời” của một tác phẩm rất phổ biến của Phạm Đình Ân, bài Quà của bố (Tiếng Việt 1): “Bố em là bộ đội/ Ở tận vùng đảo xa/ Chưa lần nào về phép/ Mà luôn luôn có quà/ Bố gửi nghìn cái nhớ/ Gửi cả nghìn cái thương/ Bố gửi nghìn lời chúc/ Gửi cả nghìn cái hôn/ Bố cho quà nhiều thế/ Vì biết em rất ngoan/ Vì em luôn giúp bố/ Tay súng thêm vững vàng”. Bài này đã được học hơn 20 năm nay.

Chú thích ảnh
Bài thơ “Quà của bố” trong Tiếng Việt 1

Bài thơ theo chân ai đó vượt biển, ra đảo và được lên bích báo ở một đồn biên phòng, tên tác giả không còn là Phạm Đình Ân, mà là tên của người nộp bài bích báo. Một phóng viên ra đảo, đọc bích báo và trân trọng chép về, in trên báo mình. Để rồi chính Phạm Đình Ân đọc báo ấy và tá hỏa vì đứa con tinh thần nhà mình, không xin phép cha mà đã sang làm con người khác! Kể với tôi chuyện này qua điện thoại, Phạm Đình Ân nhắc, không có chuyện đạo văn đạo thơ gì đâu nhé, chỉ có niềm vui là tôi đã từng được/bị nhầm như thế!

Thấy sức học của một cử nhân văn chương chưa đủ để mình dụng bút, khi ở tuổi 50, đã thành danh và thành công kha khá trong lĩnh vực văn chương, báo chí, ông vẫn dành cả chục năm để chuẩn bị thi, thi trượt, rồi lại thi, kết quả bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn học với điểm tối đa, khi đã 61 tuổi. Học lực mới tạo cho ông sự tự tin để mở rộng đề tài văn học của mình. Vào những năm gần đây ông cho ra bộ sách Chuyện kể thành ngữ (2 tập), với những tranh minh họa bắt mắt, nhằm giải thích thành ngữ xưa cho trẻ em hôm nay.

Bằng thành ngữ, Phạm Đình Ân dẫn đứa trẻ đến một miền đất lạ, làm quen với một loài thú hiếm, không phải ai cũng đã biết. Ví dụ: “Tò te còn gọi là con rồng đất, là loài vật thuộc họ nhông sống ở miền núi. Con vật này có một đặc tính khá ngộ nghĩnh, đó là khi gặp người và các vật khác, nó đứng ngẩn ra nhìn một lúc, rồi sau đó mới giương vây dọa nạt hay chạy biến” - đoạn minh họa cho thành ngữ Ngẩn tò te.

Con quạ thì nhiều người biết hơn, nhưng quạ còn một tên gọi khác. Ông viết: “Ác chính là con quạ, một loại chim ăn thịt. Thức ăn của nó thường là chim non, thú nhỏ, thậm chí cả xác thối. Quạ cũng thích lân la xơi trộm trứng của các chim khác. Thế nên chim nào gửi trứng nhờ quạ trông nom, thì quả là dại dột. Chẳng khác nào mời quạ món ăn bổ béo bằng chính con mình” - thành ngữ Giao trứng cho ác. Bằng câu chuyện về tập tính của một loài chim, một kiến thức ngữ pháp được hình thành, chữ ác không chỉ là tính từ, chữ ác còn là danh từ nữa.

Thơ văn chỉ có giá trị khi được bạn đọc đồng cảm

Thơ và văn xuôi viết cho thiếu nhi của Phạm Đình Ân đơn giản để trong sáng, rất khoa học, nhưng không thiếu vui đùa. Được như thế là vì Phạm Đình Ân biết tiết chế để viết theo nguyên tắc ông nêu ra trong kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại (NXB Hội Nhà văn, 2010): “… trên hết và sau cùng, thơ vẫn là một niềm khát khao cháy bỏng trong tâm can, bắt buộc phải thốt lên bằng ngôn từ thơ và điều đó chỉ có giá trị khi nó được bạn đọc đồng cảm, hưởng ứng”.

Phùng Phúc Thọ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm