Nhà thơ Ngô Minh kể chuyện 'cổ tích' thời bao cấp

07/02/2017 10:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu tính từ năm 1986 đến nay, đất nước đã thoát khỏi thời bao cấp hơn 30 năm. Trong những ngày giáp Tết Đinh Dậu, NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book đã ấn hành truyện ký Sống thời bao cấp của nhà thơ Ngô Minh.

Sống thời bao cấp được tác giả kể lại nhiều câu chuyện cười ra nước mắt từ khi ngôi làng của Ngô Minh ở Quảng Bình vào hợp tác xã năm 1959, khi ông mới lên 10 tuổi. Có thể nói, tác giả đã sống trọn thời bao cấp để làm một nhân chứng lịch sử với những chuyện tưởng như chỉ có trong cổ tích.

Dù nhà thơ cho rằng: “Đây chỉ là ký ức của riêng tôi, nó không thể đại diện cho ký ức của tất cả những ai đã sống trong thời bao cấp”; nhưng qua hơn 200 trang sách, người đọc sẽ thấy lại một thời với nhiều cung bậc cảm xúc.

Nhà thơ Ngô Minh, cho biết: “Tôi thuộc thế hệ sinh ra, lớn lên và sống trọn vẹn trong thời bao cấp, thời của những tấn bi hài cười ra nước mắt. May mắn đất nước đã vượt qua thời ấy. Chuyện thời bao cấp bây giờ nghe như kể chuyện cổ tích. Vâng, đó chính là “cổ tích” của một thời. Cổ tích từ thế giới lam lũ, khốn khổ mà cha ông của lớp trẻ hôm nay đã từng trải qua, đã từng chịu đựng, đã từng gồng mình lên để sống. Phải kể lại để lớp trẻ thấy ý chí của cha ông đã vượt qua cái cũ, cái lỗi thời, vượt qua cơ chế luật lệ hà khắc đã ngáng đường đi lên của mình như thế nào”.


Nhà thơ Ngô Minh

Nhà thơ Ngô Minh sinh ra ở một làng biển tỉnh Quảng Bình quanh năm đói nghèo “khoai khoai toàn khoai”. Ông bảo: “Thời chưa có sổ gạo, cả làng tôi ít nhà có cơm ăn, nên mới có câu “Giêng Hai khoai cà”. Người ta nhại ca từ của Hoàng Vân trong bài hát Quảng Bình quê ta ơi: “Quảng Bình… khoan khoan hò khoan” thành “Quảng Bình… khoai khoai toàn khoai”. Câu hát ấy còn mãi đến tận bây giờ.

Làng biển của nhà thơ Ngô Minh nghèo, đàn ông đi biển toàn “trần như nhộng”. Có chuyện tưởng như ở một thế giới nào khác mà các nhà văn đại tài cũng không thể “hư cấu” nổi trong thời buổi hiện nay.

Làng mang tiếng vào hợp tác xã với cái tên nghe rất hoành tráng, nhưng thực chất là đánh bắt gần bờ với thuyền nhỏ và bắt được chỉ vài loại cá nhỏ, sản lượng ít không đủ ăn.

Cá bắt được ít là vậy, thế nhưng nhiều loại hải sản quý lại bị bỏ đi vì sự mê tín của ngư dân. Nhà thơ Ngô Minh kể: “Thời ấy, dân làng biển của tôi “âm lịch” đến mức các thứ hải sản quý như đẻn (rắn biển), ghẹ, cá khoai… dính lưới thì cho là xui, bắt ném trả biển, không bao giờ ăn. Bây giờ thời kinh tế du lịch, một con đẻn dài 1m giá cả triệu đồng. Cá khoai giá 100 ngàn/kg, thèm cũng không mua được mà ăn. Nghĩ tiếc!”.


Truyện ký "Sống thời bao cấp"

Thời bao cấp đói khổ là vậy nhưng theo nhà thơ Ngô Minh, giới văn nghệ sĩ lại là những người được hưởng lợi nhiều nhất: “Điều lạ lùng nhất là trong môi trường sáng tác vô cùng ngặt nghèo; lại thêm đời sống vật chất cực kỳ túng thiếu, thế mà các nhà văn xứ ta vẫn không bỏ bút, vẫn cặm cụi viết. Dường như thời bao cấp phù hợp với các văn nghệ sĩ hơn là thời kinh tế thị trường bây giờ”.

Theo Ngô Minh: “Đa số nhà văn, nhà thơ, họa sĩ… đều ngất ngưỡng, ham chơi. Có chơi mới tìm ra tứ mới, chất liệu, hình ảnh mới để viết. Có ngao du mới biết được nhiều tính cách người. Có chơi, ngòi bút mới phóng khoáng, tung tẩy. Chơi mà không lo chết đói chỉ thời bao cấp mới có. Nhà nước đã có hàng trăm loại tem phiếu bao cấp cái ăn cái mặc hàng ngày cho mọi người”.

Văn nghệ sĩ thời bao cấp “không lo sách ế không bán được” nhưng nhà thơ Ngô Minh có muốn trở lại thời đó không? Ông khẳng định: “Sống qua thời bao cấp, tôi mong mỏi đất nước tôi không bao giờ trở lại chế độ quan liêu bao cấp tệ hại ấy nữa. Mong mỏi. Mong mỏi và mong mỏi”.

Nhà thơ Ngô Minh tên thật Ngô Minh Khôi, sinh năm 1949 tại Lệ Thủy, Quảng Bình; hiện sống tại Huế. Ông đã xuất bản các tập thơ: Phía nắng lên (1985), Nước mắt của đá (1991), Chân sóng (1995), Quà tặng xứ mưa (1996), Lệ Thủy mút mùa (2005)… Văn xuôi thì có: Nhớ Phùng Quán (2003), Đất thiêng (2005), Hồn quê trầm tích (2010), 100 ngày vượt Trường Sơn (2010), Cổ tích tàu không số (2011)… Ông 2 lần nhận giải thưởng văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên vào năm 1982 và 1987, 2 lần nhận giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với tập thơ Chân sóng (1996) và Huyền thoại cửa Tùng (2004).

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm